ClockThứ Bảy, 21/12/2019 14:00

Con nuôi đồn biên phòng

TTH - Cậu bé nhoẻn cười khi thấy màu áo quân phục quen thuộc, chìa bàn tay nhỏ bé để bàn tay thô ráp nắm chặt. Chiếc xe máy chầm chậm trong mưa để về đồn - ngôi nhà thân thuộc của Thìn...

Đón nhận “Con nuôi đồn Biên phòng”

Những người lính biên phòng Đồn Hồng Vân kèm cặp cháu Lê Phi Lăng học tập

Yêu thương

Mưa lạnh khiến buổi chiều nơi núi rừng biên giới như ngắn lại. Trong những ngôi nhà ở bản làng xã A Đớt (A Lưới), nhiều chái bếp đã bắt đầu bập bùng ánh lửa.

Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, Trung úy Võ Văn Vinh, cán bộ Đội vận động quần chúng tạm gác công việc, xắn quần, đội mưa đến trường đón cháu Lê Văn Thìn. 10 tuổi, cậu bé người dân tộc Tà Ôi hiện đang học lớp 5 tại Trường tiểu học A Đớt là con nuôi của đồn.

Cẩn thận qua nhiều con đường nhỏ trong bản làng, chiếc xe máy dừng lại trước cổng trường, cũng là lúc tiếng trống tan trường vang lên. Vinh vội vào tận cửa lớp. Cậu bé nhoẻn cười khi thấy màu áo quân phục quen thuộc, chìa bàn tay nhỏ bé để bàn tay thô ráp nắm chặt. Chiếc xe máy lại chầm chậm trong mưa để về đồn - ngôi nhà thân thuộc của Thìn. Hình ảnh đó đã trở thành quen thuộc với người dân thôn A Tin (đồn A Đớt đóng trên địa bàn thôn A Tin), kể từ lúc cháu Thìn được đón về đồn biên phòng làm con nuôi.

Bất kể nắng hay mưa, mỗi ngày 4 lượt, cậu bé được cán bộ, chiến sĩ đồn A Đớt đưa đón từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Và hàng đêm, những người lính biên phòng lại chụm đầu xuống trang sách, kèm cặp, chỉ vẽ cho cậu bé từng bài học, bằng tình thương, trách nhiệm và lo lắng của người cha.

Cách đây 7 năm, bố Thìn bị tai biến, mất khả năng lao động. Mẹ một mình làm nương rẫy lo cho chồng và hai chị em Thìn. Cái nương, cái rẫy không thể nuôi sống được cả gia đình, nên mẹ Thìn phải vào Nam làm thuê. Chị em Thìn vắng hơi mẹ. “Tôi rất mừng khi con trai nhỏ được bộ đội đưa vào đồn biên phòng nuôi dạy. Xa con nhớ lắm, nhưng cái bụng yên tâm nhiều”- anh Lê Văn Mỹ, bố ruột cháu Thìn xúc động.

Đưa cháu Thìn đến trường

Nhiều năm qua, mô hình “Nâng bước em đến trường” do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thực hiện đã hỗ trợ, quan tâm, động viên, khích lệ, giúp hàng trăm học sinh nghèo hiếu học ở những xã vùng sâu, vùng xa nơi biên giới, biển đảo có cơ hội bước tiếp trên con đường học tập.

Nối dài yêu thương, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được xây dựng, đón các cháu người dân tộc thiểu số độ tuổi học tiểu học đến dưới 15 tuổi mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh khó khăn về đồn biên phòng nuôi dưỡng, dạy dỗ, lo chuyện ăn học. Khi đến tuổi vào trung học phổ thông, các cháu trở về nhà và đơn vị sẽ tiếp tục đỡ đầu bằng mô hình “Nâng bước em đến trường”, hàng tháng hỗ trợ vật chất để các cháu được học hành đến nơi đến chốn. Cháu Thìn là con nuôi đầu tiên do Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt chăm sóc.

Bằng tâm thế người cha

Bố của cháu Lê Phi Lăng (người dân tộc Pa Cô) bị bệnh ung thư rồi mất cách đây 6 năm. Sau Lăng còn một em nhỏ, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nên Lăng được đón vào làm con nuôi của đồn biên phòng. Trước mắt rất nhiều lo lắng, bởi cậu bé mới chỉ học lớp 3 Trường tiểu học Hồng Vân.

“Biết hoàn cảnh đáng thương của cháu nên chúng tôi cố gắng bù đắp mọi điều có thể. Từ từ và rất nhẹ nhàng trong kèm cặp, chỉ vẽ học hành. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại chở cháu ra thị trấn A Lưới chơi, mua sắm đồ dùng. Cũng thường đưa cháu về thăm nhà, thăm mẹ. Kiên nhẫn và yêu thương, rồi cũng đến lúc cháu cảm nhận các chú bộ đội biên phòng như người thân”- Đại úy Lưu Xuân Nghiêm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân trăn trở khi nói về việc nuôi dạy con nuôi của đơn vị.

Khi mới chuyển công tác từ Hải đội 2 đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt liền thu xếp công việc, gặp gỡ hiệu trưởng nhà trường, cô giáo chủ nhiệm, tìm hiểu, nắm tình hình học tập, sinh hoạt ở trường của cháu Thìn, không chỉ bởi trách nhiệm của một chỉ huy đơn vị mà còn bằng tình cảm, tâm thế của một người cha.

Ông Nguyễn Ánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Đớt chia sẻ: “Tôi theo dõi từng “bước đi” của cậu học trò nhỏ. Về ở với các chú biên phòng, cháu “ra dáng” hẳn, học hành tiến bộ, cởi mở, hòa đồng, tự tin lên rất nhiều. Được rèn luyện, mang “cái chất” lính, sau này dù tiếp tục theo đuổi việc học hay đi học nghề, làm nghề, chắc chắn cuộc sống, tương lai của cháu sẽ vững vàng, tốt đẹp hơn”.

Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh bày tỏ về niềm tin, rằng cuộc đời những đứa con nuôi của đồn biên phòng sẽ sang một trang mới tốt đẹp hơn. Bởi không chỉ được chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, được kèm cặp, chỉ bảo học hành, các cháu còn được nuôi dưỡng và xây dựng ước mơ bằng cách rèn luyện từ những điều nhỏ nhặt.

Buổi sáng, trong đội hình thể dục trên sân đồn A Đớt, có mặt “người lính” bé nhỏ Lê Văn Thìn. “Tự mình vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn gọn gàng, cậu bé còn nhanh nhẹn phụ giúp các chú dọn bát đũa, chuẩn bị bữa ăn, biết chủ động làm những công việc phù hợp với khả năng của mình”- Trung úy Võ Văn Vinh “khoe”.

Cháu Lê Phi Lăng nhỏ tuổi hơn, nên khi để cháu quan sát, trải nghiệm những phương tiện, tiện nghi, các chú ở  đồn Hồng Vân đều không quên hỏi “cháu có thích không” và khéo léo liên hệ, nhắc nhở: “Muốn lái được ô tô như các chú, muốn đi công tác đây đó, muốn làm người lính biên phòng như các chú…, thì cháu phải chăm chỉ, cố gắng học thật tốt, thật giỏi”…

Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân thực hiện điểm từ tháng 9/2019. Ở đó, những người cha cũng là người lính biên phòng đã tận tâm dành rất nhiều yêu thương cho những đứa trẻ kém may mắn như Thìn và Lăng, để các cháu được bù đắp, được vững vàng vươn lên...

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Sửa nhà cho hộ nghèo

Ngày 16/4, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Hiền thực hiện sửa chữa nhà cho hộ bà Phạm Thị Thành (sinh năm 1962), trú tại thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền (Phú Lộc), là hộ nghèo trên địa bàn.

Sửa nhà cho hộ nghèo
Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân

Chiều 28/2, UBND xã Lộc Vĩnh ( Phú Lộc) phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng (BPCK) Chân Mây tổ chức điểm tại tuyến biên giới biển "Ngày hội Biên phòng toàn dân" năm 2024. Đây là hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2024); 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024).

Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân
Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Ngày 25/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức tuyên truyền một số quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cho ngư dân trên địa bàn.

Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Return to top