ClockThứ Tư, 29/09/2010 19:30

Con sẽ thực hiện ước mơ của ba mẹ

TTH - Một lần về quê Quảng Trị, xe máy bị hỏng, tôi được người đi đường chỉ cho tiệm sửa xe gần nhất, lại có uy tín. Đang đông khách, nhưng ông chủ tiệm còn trẻ đích thân xem xét "bệnh nhân". Nụ cười chào hỏi của người thanh niên sao quen quá. Tôi nhớ ra đã gặp anh tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, khi anh đang trong giai đoạn chờ xét xử phúc thẩm, nhưng sau đó lại có đơn xin rút đơn kháng cáo...

Chuyện cũ

Năm ấy, trên bộ bàn ghế bằng đá trong trại tạm giam, Hùng nhận đồng hương Quảng Trị với tôi. Tôi không nén được ngạc nhiên khi Hùng, một bị cáo trong vụ án "Mua bán trái phép chất ma túy", có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án, nhưng sau đó lại có đơn xin rút đơn kháng cáo. Thường thì các bị cáo chẳng "mất" gì khi xin giảm nhẹ hình phạt (không bị tăng án nếu không có kháng nghị của cơ quan Viện kiểm sát hoặc không có kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt của người bị hại), chỉ nộp 50.000đ án phí (nay là 200.000đ) nếu kháng cáo của họ không được chấp nhận.
 
Vì sao Hùng lại thay đổi, rút lại niềm hy vọng khi được xem xét lại mức hình phạt tại phiên toà phúc thẩm? Tôi không thể không hỏi Hùng về điều đó và được biết một điều khá đặc biệt. Đồng phạm trong vụ án này là... người yêu của Hùng. Cả hai người đều là sinh viên một trường đại học tại Huế. Vì gia cảnh của bạn gái quá khó khăn nên Hùng bàn bạc rồi cùng bạn gái mua bán mặt hàng siêu lợi nhuận. Bị phát hiện, Hùng và người yêu đều bị toà án phạt những mức hình phạt nghiêm khắc. Có điều, cô ấy không kháng cáo, đi chấp hành án tại Trại giam Bình Điền. Hùng cho biết, người yêu thường xuyên viết thư cho cậu ta, động viên người yêu phải biết thực lòng sửa chữa sai lầm, bắt đầu bằng việc chấp hành tốt bản án. Dù vấp ngã, nhưng tình yêu của hai người dành cho nhau không hề thay đổi. Khi đã "thông", cậu ta tự nguyện viết đơn xin rút đơn kháng cáo, chấp nhận mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên...
 
Những điều tốt đẹp
 
Tế nhị, nên tôi chẳng gợi lại câu chuyện cũ, coi như mình chỉ là khách hàng lần đầu tiên đến tiệm sửa xe máy này. Cũng như những người khác đem xe đến sửa, tôi hỏi han về "bệnh" của chiếc xe. Người thanh niên tỉ mẫn giải thích, xe tôi bị hỏng bộ phận nào và nguyên nhân nào dẫn đến điều đó. Tôi thực sự thấy tin tưởng vào tay nghề của chủ tiệm, cũng rất cảm mến thái độ giao tiếp với khách hàng của anh, bụng thầm nghĩ, mong Hùng vững bước trên lối đi mới của cuộc đời. Xe sửa xong, tôi định ra về thì Hùng cười hơi có vẻ tần ngần và bối rối. Cậu ta cũng đã nhận ra tôi và quyết định nhận... đồng hương.
 
Vậy là tôi nán lại tiệm sửa xe máy của Hùng, bên bộ bàn ghế bằng nhựa đỏ đặt sát góc tường, trong âm thanh ồn ã đặc thù của một tiệm sửa xe máy đang đông khách. Hùng cho tôi biết, do cải tạo tốt, cả cậu ta và người yêu đều được “ra” trước thời hạn. Tình cảm của hai người vẫn không thay đổi nên hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho hai đứa. Đang kể chuyện vui, nhưng Hùng cũng không giấu được nét buồn, ngậm ngùi trong ánh mắt: “Lúc chưa phạm tội, tụi em đều là sinh viên ngành ngoại ngữ, nghề nghiệp chúng em hướng tới là làm hướng dẫn viên du lịch. Đó cũng là mong mỏi của ba mẹ, người thân trong gia đình. Vậy nhưng, ước mơ đó khó có thể thực hiện được khi cả em và người yêu đều phải chấp hành hình phạt tù một thời gian khá dài. Khi mới trở lại hòa nhập cộng đồng, để tìm việc làm, những người như tụi em gặp nhiều khó khăn. Nghe tụi em đã từng ở tù, người ta đều ngại. Tụi em không ngại khó khăn vất vả, miễn sao có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi dạy con cái thật tốt. Xác định vậy rồi, vợ chăm chỉ với nghề nông nghiệp. Còn em quyết định học nghề sửa chữa xe máy, dồn hết tâm huyết để học. Lúc mới mở tiệm, cũng khó khăn lắm chị à. Nhưng rồi do tay nghề mình khá, lại chăm chỉ làm ăn, dần dần bà con cũng tín nhiệm. Điều làm vợ chồng em cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là đã xóa đi được nghi ngờ của những người xung quanh, chiếm được niềm tin tưởng của họ”.
 
Không nói ra, nhưng tôi hiểu, vậy là Hùng và vợ đã từ bỏ ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Nhưng điều đáng mừng nhất là cả hai người đều cố gắng làm rất tốt công việc mới mà họ lựa chọn, sau lần vấp ngã ấy. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Hùng khoe: “Vợ chồng em đã sinh được một cháu gái, cháu rất khỏe mạnh, lại thông minh. Rồi tụi em sẽ sinh thêm một cháu nữa. Chúng em vất vả mấy cũng nuôi dạy con thật tốt, sau này tụi nhỏ sẽ tiếp tục thực hiện mơ ước của ba mẹ”...  
 
Phạm Thùy Chi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Return to top