ClockChủ Nhật, 15/03/2020 06:27

Con tàu… xoay vòng

TTH - Những con tàu làm nên hình hài biển cả, thay đổi số phận ngư dân, nhưng con tàu cũng khiến họ bao phen lận đận. Và theo sự biến thiên của thời gian, “vòng đời”… con tàu dập dìu như con sóng. Vỗ bờ, tan biến, rồi lại vỗ bờ…

Muốn lên tàu đánh cá, phải có bằngVào mùa biển mới

Để trả được nợ, ngư dân phải nỗ lực vươn khơi

1. Không khó nhận ra trên gương mặt ông là bao nỗi ưu tư, đằng xa về phía bến cảng, những con tàu đang nối đuôi cập bến. Khung cảnh nhộn nhịp ấy hoàn toàn đối lập với tâm trạng ông lúc này. Cô đơn! Gần 30 năm làm bạn con sóng, và chỉ mấy năm trước thôi, những nếp nhăn trên khuôn mặt người đàn ông ngoài 50 tuổi ấy giãn ra trông thấy. Niềm vui vô bờ khi thấy con tàu mới cứng có công suất gần 1.000 CV “đạp sóng” vươn khơi. Ấy nhưng bây giờ, ông được liệt vào một trong những ngư dân “chây ỳ” vì ôm nợ.

Quả thực không dễ để ông chia sẻ khi trên đoạn đường ghé thăm căn nhà nhỏ, một lãnh đạo thị trấn Thuận An thở dài thành tiếng, cái tên La Soạn (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) thường xuyên được ngân hàng hỏi thăm. Đi, rồi trở về, chai sạn với nắng gió, bây giờ ông Soạn nhìn con tàu tiền tỷ với những thanh gỗ ruỗng mục, hà bám lớp lớp. Quá lâu rồi tàu chưa được lên đà. Bạn tàu bỏ đi, con cái làm ăn xa. Những ngư trường như “miền linh địa” ông chỉ biết cất giấu trong lòng. “Khoản nợ ngân hàng chưa trả được, kinh phí xoay vòng để vươn khơi thiếu thốn” – ông Soạn nói gọn lý do như thế để trả lời về những luyến tiếc của tôi khi thấy con tàu nằm “đắp chiếu”.

Ngược nguồn quá khứ, chính biển đã cưu mang bao thế hệ ngư dân khắp các miệt biển, ông Soạn cũng không nằm ngoài dòng chảy của con nước. Nhiều thế hệ gia đình ông bám biển mưu sinh, biển bao bọc qua những thăng trầm cuộc sống. Chính ông cũng không giận hờn biển cả dù rằng lúc này, sau nhiều chuyến vươn khơi thất bát, điều ông nhận lại là lắm nỗi âu lo. “Nói vô lo, vô nghĩ là không đúng nhưng đi biển bây giờ không dễ dàng như trước. Những mùa vụ thất thu, bạn tàu rời bỏ vì kế sinh nhai là chuyện bình thường. Anh cứ tính, chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi khoảng 100 triệu đồng, thất thu một vài chuyến dễ xoay xở, chứ lỗ riết ôm nợ cũng phải thôi. Dù nợ nhưng tôi vẫn nung nấu một ngày gần nhất, tàu tiếp tục bén nước”, lời ông vừa dứt, phía chân trời, sóng biển vẫn vỗ đều như mời gọi.

Nhiều ngư dân ở thị trấn Thuận An khó khăn trong việc xoay xở kinh phí nguyên, nhiên liệu để tàu vươn khơi

Nếu có một hình dung về nghiệp ngư lúc này, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ về những dãy tàu dài tiền tỷ neo đậu thẳng tắp, bến cảng í ới tiếng gọi tàu, kẻ mua người bán. Nghị định 67 giúp ngư dân có tàu to, và chính họ khiến cho con nước không chỉ sôi động mà còn mang nhiều ý nghĩa linh thiêng khác. Khát vọng vươn khơi luôn trong tâm khảm mỗi ngư dân. Nhưng, nhiều ngư dân bây giờ cho rằng, nghề biển đang gặp khó. Chỉ một dẫn chứng nhỏ, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá tổ dân phố Tân Bình (thị trấn Thuận An) Trần Văn Hải vẽ nên bức tranh về nghề biển trong năm cũ: “Năm 2019, sản lượng đánh bắt không bằng năm trước, giá cá sụt giảm. Mỗi chuyến vươn khơi ngư dân thu về khoảng 100-200 triệu đồng, trừ chi phí, công cán cho những lao động trên tàu, chủ tàu nhiều lắm còn dư vài chục triệu đồng. Có nhiều tàu cứ ra biển là lỗ, trong khi đó, số nợ ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng, mỗi tháng phải chi trả cả gốc lẫn lãi ít nhất 100 triệu đồng, nên nhiều ngư dân lao đao”.

Trở về sau chuyến biển

Bây giờ, ông Hải được chính quyền địa phương tín nhiệm đưa vào là thành viên của hội đồng đi thu hồi nợ xấu. Nhưng chính ông – một ngư dân lão làng, vừa đóng mới con tàu công suất lớn bằng vốn tự có thừa nhận, thực trạng ngư dân ôm nợ tại các miệt biển đang trở nên phổ biến. Nhiều con tàu nằm bờ, hỏng hóc đầy tiếc nuối. “Hộ nợ nhiều hơn 15 tỷ đồng, ít thì vài tỷ đồng, tại Thuận An gần 20 hộ đang nợ. Nợ quá hạn nên mỗi lần tàu “đạp nước”, tiền hỗ trợ xăng dầu của Nhà nước bị ngân hàng “xiết”. Trung bình mỗi chuyến, mỗi tháng 4 chuyến mất 120 triệu đồng/tàu cho chi phí xăng dầu. Nhiều tàu cá không có kinh phí xoay xở nhiên liệu, trang trải cho bạn tàu đành nằm bờ, gần 2 năm không lên đà, như tàu ông L.S, N.T, N.C …”, ông Hải cho biết.

2. Nghị định 67 ra đời, 40 tàu cá trên toàn tỉnh được đóng mới với vốn vay hơn 300 tỷ đồng, song thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho thấy, số dư nợ vốn vay đóng tàu gần 255 tỷ đồng. “Nợ xấu” khiến các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tính đến phương án khởi kiện ngư dân.

Ngư dân loay hoay, nhưng trong ánh mắt họ “vòng đời” con tàu sẽ không bao giờ khép, còn tàu sẽ còn tất cả, chỉ có điều tư duy khai thác biển buộc phải thay đổi, và quan trọng hơn, ngư dân cũng phải biết hạch toán kinh tế một cách hợp lý.

Trò chuyện với lão ngư Trần Vẹm, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), ông bảo, đã là ngư dân sẽ có thừa sự can trường, ý chí và nghị lực. Tàu xé sóng gặp gió lớn là chuyện thường, ngư dân cần phải thích ứng nhanh với sự biến đổi. Lời giải thích của ông về những vụ thất bát dẫn đến nợ nần âu cũng có nhiều điều suy ngẫm. Ông nói: “Ra biển lớn phải có tàu lớn. Ngư dân cũng cần số tiền lớn để đóng tàu và Nhà nước cũng đã hỗ trợ. Nhưng tại sao nhiều ngư dân ôm nợ? Lý do không hẳn đến từ việc biển cả mất mùa. Ngày xưa khi chưa có tàu to, ngư dân đánh bắt chủ yếu dựa vào mùa vụ, kinh nghiệm với phương thức giản đơn. Nay sản lượng không còn như trước nhưng những ngón nghề của ngư dân được thay thế bằng máy móc hiện đại, do vậy cách  đánh bắt cũng phải có quy mô, phù hợp hơn” – “Ví dụ, sau mỗi chuyến vươn khơi hành nghề lưới vây không hiệu quả thì buộc ngư dân phải thay đổi nghề khác phù hợp hơn. Những thiết bị trên tàu cá phải trang bị đầy đủ như máy dò cá, dàn đèn, vì những yếu tố đó tác động chính đến sản lượng đánh bắt. Tại Phú Lộc nhiều ngư dân bám biển ăn nên làm ra, xây nhà to, trả được nợ vì họ mạnh dạn và biết đầu tư”, ông Vẹm nói thêm.

Nợ, đồng nghĩa với việc đồng vốn xoay vòng của ngư dân bị ảnh hưởng, nhưng thực tế có nhiều mâu thuẫn, từ số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, sản lượng đánh bắt của ngư dân toàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử như thống kê của thị trấn Thuận An trong năm 2019, số tàu sau khi vươn khơi trở về bị lỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngư dân Nguyễn Văn Bình (thị trấn Thuận An) chỉ ra nguyên nhân phần ngọn: “Thông thường một tàu cá sau một tháng vươn khơi thua lỗ họ sẽ gặp khó khăn trong việc xoay xở vốn cho chuyến kế tiếp và gánh thêm một khoản nợ quá hạn. Ngoài ra, họ thiếu kinh phí đầu tư ngư lưới cụ, cải hoán tàu cá nên năng suất những chuyến kế tiếp không được như ý. Đối với tàu cá ăn nên làm ra, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị, đầu tư ngư lưới cụ lẫn thu hút bạn tàu nên sản lượng có thể tăng cao. Sản lượng khai thác của nhiều ngư dân có thể không dẫn đến lỗ nhưng thu nhập của họ không đủ để trả nợ ngân hàng trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều ngư dân rơi vào tình trạng ôm nợ quá hạn”.

Khi ngư bỏ tiền tỷ đóng tàu mới, số phận họ luôn gắn chặt với thân tàu, con sóng. Tàu nằm bờ, nhưng ước mong bám biển vẫn còn đó. “Trước khi được ngân hàng chấp thuận phương án cho ngư dân chỉ trả số tiền nợ gốc lẫn lãi tùy theo thu nhập sau chuyến vươn khơi như nguyện vọng, ngư dân cần nỗ lực hơn trong việc bám biển và biết cân đối thu chi. Con tàu là tài sản chính và tạo ra thu nhập chính, tàu nằm bờ nghĩa là ngư dân mất tất cả”, ông Hải chia sẻ.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Return to top