ClockChủ Nhật, 07/05/2017 20:40

Công… “bèo”

TTH - Sức lao động cũng là hàng hóa. Đã hàng hóa thì có lúc đắt lúc rẻ, nơi cao nơi thấp. Nhưng có những nơi nó quá thấp làm chúng ta “chột dạ”.

Mức lương phục vụ tại các hàng quán ở Huế không cao. Ảnh: Minh Trang

Đó là khu vực phục vụ các nhà hàng ăn uống, cà phê và một số cửa hàng làm các dịch vụ tiêu dùng thiết yếu khác. Hỏi nhiều bạn trẻ phục vụ bán ở các nhà hàng, quán cà phê, được biết tiền công các bạn được trả rất thấp, chỉ vào khoảng  1,2 – 2 triệu đồng một tháng, tùy theo thời gian làm việc.

Nhân công là một yếu tố đầu vào của sản phẩm hoặc dịch vụ. Đúng là khu vực này đã “tận dụng được lợi thế nhân công giá rẻ”.

Quan sát thấy vài năm gần đây, khu vực dịch vụ ở Huế khá phát triển, nhiều nhất là hàng quán ăn uống và một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép. Nghĩa là thị trường lao động có phát triển. Vấn đề là tại sao lại hình thành một khu vực lao động rẻ như vậy?

Mức lương phục vụ tại các hàng quán ở Huế không cao. Ảnh: Minh Trang

Đều đúng với mọi thị trường, đó là qui luật cung cầu. Khi hàng ít thì giá đắt, hàng nhiều thì giá rẻ. Huế tập trung một lượng lao động trẻ quá lớn thông qua các trường đại học, cao đẳng. Ngoài việc học, không ít trong số họ có nhu cầu làm thêm. Với muôn vàn lý do. Có người vì hoàn cảnh kinh tế, thật sự muốn làm thêm để có thêm thu nhập, nhưng cũng có người muốn đi làm thêm là để “trải nghiệm” cuộc sống. Cũng có một nguồn lao động khác khá dồi dào là đã học xong đang chờ tìm kiếm những công việc phù hợp và ổn định; những nam, nữ thanh niên không phải là sinh viên các trường nhưng chưa tìm được việc làm cũng bổ sung vào lực lượng lao động này. Nói gì thì nói nhưng đã gọi là làm thêm, nghĩa là phụ nên vấn đề thu nhập cũng không phải là mục tiêu lớn nhất. Có thể đây là một nguyên nhân làm cho việc trả tiền công cho người lao động quá rẻ.  

Không toàn diện lắm nhưng nhìn vào giá cả của sức lao động thấp cũng cho chúng ta thấy vài điều.

Đó là mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp. Vì thu nhập thấp nên mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng thấp theo. Như đã nói, lao động là một yếu tố đầu vào của sản phẩm, dịch vụ. Không thể giá bán thấp mà trả lương nhân công cao được, vì chủ doanh nghiệp, hoặc người chủ không thể chịu nổi.

Qua cuộc tổng điều tra dân số gần đây nhất cho thấy, dân số Huế không tăng. Dân số thường được thu hút nhiều là những nơi có công nghiệp phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm, từ đó sẽ thu hút một lượng lớn lao động. Khi có thu nhập nó sẽ tạo ra ngành dịch vụ phát triển. Huế có một lượng không nhỏ khách vãng lai là khách du lịch, sinh viên - học sinh. Tuy nhiên, lực lượng sinh viên là nơi có sức tiêu dùng thấp. Ngay cả du khách, theo thống kê, lượng khách đến Huế mức tiêu dùng cũng không cao. Có thể đây cũng là điều làm cho mặt bằng giá không cao.

Có một nguyên nhân khác cũng không loại trừ, đó là chưa hẳn những điều nêu trên làm cho việc trả công người lao động thấp mà còn trong điều kiện, nguồn lao động quá dồi dào đã làm cho “sức lao động mất giá”, nói chính xác là định giá thấp. Những người chủ sử dụng lao động “lợi dụng” nguồn cung cấp lao động dồi dào để “ép giá”. Đối với nguồn lao động có tay nghề cao, có năng lực chuyên môn tốt có thể đàm phán, tương đối bình đẳng trong việc thỏa thuận lương nhưng đối với những lao động giản đơn, họ thường yếu thế trong thỏa thuận. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động được hưởng lợi lớn, còn người lao động thì bị thiệt.

Gọi là làm thêm nhưng không phải ai cũng làm một thời gian ngắn rồi nghỉ, có những người vì không được đào tạo một nghề gì, hoặc đã lớn tuổi, cơ hội tìm một việc làm hết sức khó khăn nên đành chấp nhận làm những việc đơn giản tại các hàng quán, dịch vụ và gắn bó rất lâu dài nhưng họ bị đối xử về việc trả lương thiếu bình đẳng. Luật lao động đã có nhưng chưa “với tới” những nơi thế này để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ILO: Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng trong năm 2024

Theo báo cáo “Triển vọng Xã hội và Việc làm Thế giới: Xu hướng năm 2024” vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 10/1, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng nhẹ trong năm nay, làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng, năng suất trì trệ và lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng.

ILO Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng trong năm 2024
Sẽ triển khai đồng bộ 6 nội dung của chế độ tiền lương mới

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) vừa qua đã thảo luận về lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Sẽ triển khai đồng bộ 6 nội dung của chế độ tiền lương mới
Return to top