ClockChủ Nhật, 16/05/2021 15:45

Công dân số cần kỹ năng

TTH - Cả nước có đến 64 triệu người sử dụng internet nhưng đó chỉ là con số của năm 2019. Tỷ lệ này tăng 28% so với năm 2017. Năm 2020, tỷ lệ sử dụng smartphone của người dân đã xấp xỉ 45% (43,7/97,4 triệu người). Con số này cũng “ghi danh” Việt Nam vào danh sách 15 thị trường có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới.

Tiếp thị sản phẩm thời đại công nghệ số

Theo số liệu của vnetword.vn, vào năm 2019, số lượng người dùng truy cập bằng thiết bị di động tại Việt Nam đã chiếm 96% số người sử dụng internet. Cũng trong năm này, có tới hơn 2.7 tỷ lượt tải về các ứng dụng trên điện thoại và số tiền người tiêu dùng chi ra cho những ứng dụng này là 161,6 triệu USD. Những điều này cho thấy, người dân đã thích nghi rất nhanh đối với một phương thức tiếp nhận/tiếp cận thông tin hiện đại.

Không chỉ nhanh hơn và đi dần đến việc bảo mật sẽ tốt hơn, các nền tảng số còn mở ra những biên độ rộng hơn trong việc kết nối con người với con người. Khái niệm thế giới phẳng gần như không thay đổi, nhưng nội hàm của nó có lẽ đã có thêm nhiều phép cộng về tính năng và tác dụng, bao gồm nhiều phương thức tiếp cận mới, phong phú hơn, đa diện hơn nhưng đồng thời cũng trở thành một phức hợp, nếu chúng ta không biết cách sử dụng/ứng dụng nó trong thực tiễn. Nói một cách khác đi, thế giới số, cuộc sống số như thế nào, tích cực hay tiêu cực đến đâu còn phụ thuộc vào cách chúng ta làm chủ (hay bị làm chủ) các ứng dụng trên các nền tảng số.

Bên cạnh những kỹ năng cơ bản và gần như đã trở thành phổ biến như email, chat… việc sử dụng công nghệ số vào quản trị đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Điều này còn quy định sự phát triển không chỉ của một văn phòng, một doanh nghiệp, một tập đoàn... mà còn phản ánh rõ nét trình độ, quy mô của các nền kinh tế. Đây cũng là yêu cầu mà Chính phủ đòi hỏi các doanh nghiệp phải xác lập để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, cung cấp các giá trị mới cho khách hàng. Cũng là cách thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty, công sở. … 

Trong môi trường và không gian này, việc trở thành công dân số không còn là chuyện của tương lai. Việc sử dụng tính phối hợp và liên thông của các trung tâm hành chính công (hay còn gọi là một cửa); việc sử dụng các văn phòng điện tử, những cuộc họp/học trực tuyến; việc sử dụng các giao dịch không tiền mặt hay đơn giản hơn là các thao tác đặt hàng, mua vé, đặt chỗ, làm thủ tục trực tuyến qua mạng, khai báo y tế… đã dần “đào tạo” chúng ta từng bước trở thành công dân số. Đó là điều không thể khác vì không ai muốn mình bật ra khỏi tiến trình của cuộc sống.

Không chỉ biết cách và có khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, có định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số, việc trở thành công dân số còn đòi hỏi trách nhiệm hay nói cách khác là phải có văn hóa trong môi trường số. Thực tế cũng cho thấy, thông tin trên môi trường này nhanh hơn, nhiều hơn nhưng cũng sẽ là hỗn loạn nếu các công-dân-số không có kiến thức, không được trang bị các kỹ năng hoặc không tự mình học hỏi để đánh giá, hoặc biết sử dụng công cụ để kiểm chứng - như một cách làm chủ các nguồn thông tin. Đó cũng là cách  bảo vệ thể chất và tâm lý (cho mình và mọi người) trước các ảnh hưởng từ môi trường số.

Việc “lận lưng” vài kiến thức và thao tác cơ bản không bao giờ đủ để trở thành một công dân số. Nếu không luôn tự tìm tòi, học hỏi và F5 (làm mới) mình, chúng ta dễ làm mình trở thành những chủ thể “lơ ngơ” trước dòng chảy liên tục của công nghệ số. Nếu vậy, không những tài nguyên số bị lãng phí mà còn phải sự trả giá bằng những chi phí cơ hội nữa.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, việc tách con khỏi các thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vậy, thu xếp thời gian và công việc để đưa con đến trải nghiệm thực tế tại các không gian mỹ thuật là việc được nhiều cha mẹ quan tâm.

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng
Thu hút đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành công nghệ thông tin

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp không những khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) cao, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo. Đó cũng là vấn đề được thảo luận, chia sẻ tại diễn đàn "Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong lĩnh vực CNTT" do Sở KH&CN tổ chức vào chiều 13/3.

Thu hút đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành công nghệ thông tin
Return to top