ClockThứ Tư, 07/12/2016 05:51

Công khai mua bán “hàng rừng”

TTH - Công khai chào bán sản phẩm từ động vật hoang dã, có đối tượng còn nhận đơn hàng với điều kiện phải đặt tiền trước.

Chào bán công khai những mặt hàng được “quảng cáo” làm từ ngà voi, móng hổ...

Đủ loại, đủ giá

Từ lời rao trên mạng xã hội facebook, chuyên cung cấp các loại nanh cọp, móng gấu, tượng, nhẫn làm bằng ngà voi…, chúng tôi kết nối với L., vờ mua một số mặt hàng cho người thân. Hẹn gặp, L. đem đến nhiều mặt hàng có sẵn, như móng gấu, nhẫn ngà voi, tượng ngà voi, móng cọp, lông đuôi voi… rồi ra giá: “Móng gấu loại to 1,5 triệu đồng, loại nhỏ 800 nghìn đồng, móng cọp loại to 4,5 triệu đồng, loại nhỏ 3 triệu đồng, nhẫn ngà voi và tượng ngà voi dao động từ 500-800 nghìn đồng/cái tùy kích cỡ, lông đuôi voi mỗi sợi 150 nghìn đồng”.

L. tự giới thiệu là người bán hàng uy tín, không bao giờ bán hàng giả, và đã từng bán hàng với số lượng lớn cho các đầu mối quen biết. “So với các nơi khác, ở Huế chơi “hàng độc” như ri không nhiều. Trước đây, mình cùng ông anh buôn bán hàng rừng ở Gia Lai với số lượng lớn. Vì sơ ý nên bị công an môi trường và kiểm lâm bắt giữ, tịch thu hàng và phạt gần 20 triệu đồng. Đợt đó, tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng”, L. kể.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp cứu hộ khỉ vàng. (Ảnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh cung cấp)

Cầm chiếc móng gấu trên tay, L. quả quyết: “Móng ni còn tươi, lông gấu vẫn còn, không tin anh cứ kiểm tra”. “Các mặt hàng còn lại, làm thế nào để phân biệt thật giả”?- tôi hỏi.  L. hướng dẫn tôi dùng đèn pin điện thoại soi kĩ vào nhẫn và tượng ngà voi để phát hiện đường vân ngà trên sản phẩm. “Ngà voi thường có đường vân rất đẹp, còn móng cọp bạn khỏi phải lo, thật 100%. Đúng là thật giả do người mua tự phân biệt nhưng chỗ mình bán rất uy tín, bạn không lấy, vài ngày sẽ có người khác lấy thôi”, L. nói.

Theo lời kể của L., các mặt hàng này không có sẵn ở Huế, L. lấy hàng thông qua các mối lái quen biết ở nơi khác. “Hàng chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, hay Malaysia. Riêng ngà voi thì ở châu Phi. Ngà voi được gia công thành các sản phẩm chỉ ở Hà Nội có thể làm được. Ở Huế chưa có dụng cụ để gia công”, L. cho biết.

Sau khi tham khảo các mặt hàng, tôi vờ lưỡng lự và cho rằng, độ tin cậy của các mặt hàng này không cao nên không mua; đồng thời hỏi thêm về nhu cầu khách hàng muốn gấu nguyên con, ngà voi thuộc dạng thô, chưa gia công. L. bảo: “Muốn mua ngà voi dạng thô phải đặt cọc trước, 40 triệu đồng/kg; gấu con chừng 5-7kg giá xấp xỉ 20 triệu đồng. Hiện tại chưa có hàng sẵn, mình phải đặt từ nơi khác, sẽ có trong vòng một tuần, nhưng phải đặt cọc trước 1/3 số tiền. Với các mặt hàng như gấu nguyên con, cao hổ, cao khỉ, ngà voi dạng thô… mình sẽ đích thân đi lấy, không thể gửi xe được vì không an toàn”. 

Không chỉ L, trên các trang mạng xã hội, tình trạng rao bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ động vật hoang dã (ĐVHD) xuất hiện khá phổ biến. Nhiều chủ trang mạng còn cung cấp số điện thoại liên lạc. Các mặt hàng được chào bán công khai trên mạng chủ yếu như nanh cọp, móng cọp, nanh gấu, móng gấu, ngà voi…

Khó phân biệt thật, giả

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ trước đến nay, tại Thừa Thiên Huế có thể có tình trạng buôn bán các sản phẩm từ bộ phận ĐVHD nhưng không công khai. Trường hợp như giao dịch mà PV báo thực hiện là lần đầu tiên. “Chúng tôi thường chú ý đến việc mua bán các cá thể động vật rừng còn các sản phẩm được làm từ bộ phận động vật thực sự rất khó kiểm soát. Đây là hoạt động trái pháp luật”, ông Tuấn khẳng định.

Do quan niệm của một bộ phận người dân cho rằng nanh cọp, nanh gấu, lông đuôi voi, ngà voi… có khả năng trừ tà, tránh xui xẻo, mang lại may mắn nên săn lùng để mua bán. Tuy nhiên, người mua chủ yếu tự nhận dạng nên dễ mắc lừa. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng: “Rất khó để phân biệt thật, giả bằng mắt thường. Ở Thừa Thiên Huế chưa có phương tiện, thiết bị khoa học nào để xác định chất lượng mẫu vật”.

Liên quan đến nguồn gốc các sản phẩm nói trên và việc bảo tồn các loài động vật hoang dã, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết, trước năm 2004, tại Thừa Thiên Huế xuất hiện 3-4 cá thể hổ. Năm 1998, lực lượng kiểm lâm tỉnh bắt một vụ săn bắt hổ trái phép. Bây giờ các cá thể hổ và gấu cực kỳ hiếm.

Theo Đại tá Nguyễn Thành Luân, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, thời gian gần đây, các vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD… trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Từ công tác nghiệp vụ, cảnh sát môi trường phát hiện một số nhà hàng hoạt động kinh doanh, chế biến thực phẩm lấy nguyên liệu từ các loại ĐVHD và đã phá một số vụ. “Việc xử phạt nghiêm minh là biện pháp ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD, quý hiếm. Nhưng đây vẫn được xem là giải pháp phần ngọn, bởi gốc của vấn đề chính là nhận thức của người dân. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tham mưu các văn bản, lực lượng công an có giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong việc buôn bán, sử dụng ĐVHD, bảo vệ đa dạng sinh học”, Đại tá Nguyễn Thành Luân chia sẻ.

Nhiều nguyên nhân khiến việc mua bán vẫn diễn ra

Xung quanh vấn đề mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật hoang dã, quý hiếm, chúng tôi đã kết nối với ông Nguyễn Anh Quốc – Quản lý cảnh quan Trung Trường Sơn WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) Việt Nam.

Thưa ông, từ việc ngang nhiên công khai chào bán sản phẩm từ động vật hoang dã, phải chăng luật của chúng ta chưa nghiêm?

Nhà nước đã không ngừng gia tăng mức xử phạt hình sự và hành chính. Tuy nhiên, việc buôn bán vẫn cứ diễn ra là do thực thi lỏng lẻo, các vụ bắt giữ đối tượng vi phạm chỉ mang tính “điển hình”. Khi bắt giữ, các cơ quan liên quan thường phải nuôi giữ động vật còn sống, lập hội đồng đi thả... nên cần chi phí và nhân lực. Những việc này là một khó khăn đối với cơ quan thực thi pháp luật.

Khi gặp các trường hợp mời chào mua bán, vận chuyển... liên quan đến động vật hoang dã, người dân nên làm gì?

Người dân nên báo với chi cục kiểm lâm (hoặc các hạt kiểm lâm cấp huyện, thành phố), cảnh sát môi trường tỉnh hoặc các huyện, công an giao thông (đối với đối tượng đang vận chuyển hàng trên đường), lực lượng hải quan cửa khẩu hoặc các đồn biên phòng khi việc buôn bán, vận chuyển diễn ra tại các khu vực hải quan, biên phòng quản lý. Có thể báo cho chính quyền cơ sở như công an phường, xã...

Cơ quan nào có khả năng xác định độ thật giả các loại “hàng rừng” và WWF đóng vai trò như thế nào trong vấn đề này thưa ông?

Việt Nam có Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật-Cơ quan khoa học của CITES tại Việt Nam, được Nhà nước giao xác minh, thẩm định mẫu vật ĐVHD. Đối với các vụ khó xác minh thì địa phương mới nhờ đến đơn vị này. Nếu vẫn không thể xác định được thì mẫu vật sẽ được xác minh theo phương pháp giám định AND nhưng chi phí từ 2,5-3 triệu đồng và mất 7 ngày mới có kết quả.

WWF thúc đẩy việc nâng cao nhận thức các bên liên quan về bảo vệ ĐVHD và hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật đối với các vụ vi phạm để bảo vệ ĐVHD. Kết nối, hỗ trợ, tư vấn và thúc đẩy sự vào cuộc của truyền thông và toàn xã hội.

WWF đã có những chiến lược gì nhằm ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, nhập lậu ĐVHD, quý hiếm, nhất là ở TP xanh như Huế?

Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của WWF, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đối tác liên quan cấp tỉnh, huyện đã thực hiện nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thuộc khu vực Trung Trường Sơn. Hiện, WWF phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang hỗ trợ TP. Huế thực thi “Cam kết TP Huế nói không với nạn kinh doanh, tiêu thụ ĐVHD vào năm 2020”. WWF sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ cho TP. Huế, hỗ trợ đẩy mạnh hai hướng tiếp cận: thực thi pháp luật, truy quét hướng đến xoá sổ các điểm kinh doanh ĐVHD; thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng…

 

Nhóm PV (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành động vì động vật hoang dã

Động vật hoang dã (ĐVHD) được ví như một tài nguyên quý thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Là địa bàn rộng, dân cư đông nên TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, hành động vì ĐVHD góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, hạn chế việc tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm ĐVHD.

Hành động vì động vật hoang dã
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
18 năm tù cho đối tượng mua bán hơn 550 gam ma túy

Ngày 29/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với bị cáo Hà Xuân Lợi (SN 1994, trú tại phường Hương Chữ, TX. Hương Trà).

18 năm tù cho đối tượng mua bán hơn 550 gam ma túy

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top