ClockThứ Năm, 26/11/2015 18:10

Công nghệ “dụ” mối

TTH - Mối mọt là nỗi đe dọa tiềm ẩn của nhiều công trình, nhà ở. Ở xứ sở của những di tích, đền chùa cấu trúc từ vật liệu gỗ như Huế, công việc diệt mối càng trở nên quan trọng hơn và đã hình thành nên một nghề: Nghề diệt mối mọt.

Tốp thợ của Công ty TNHH Phòng chống mối mọt Đoàn Gia Vũ khảo sát đặt hộp nhử mối

“Bảo bối” gia truyền

Vừa trở về sau chuyến thực hiện hợp đồng diệt mối cho UBND xã Điền Hương (huyện Phong Điền), anh Đoàn Thanh Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Phòng chống mối mọt Đoàn Gia Vũ đang “chỉ đạo” tốp thợ thu gom dụng cụ sau một ngày làm việc mệt mỏi. Với anh, công việc diệt mối mọt cho các công trình đã trở thành nghề gia truyền với những kinh nghiệm quý báu sau gần 20 năm làm nghề cùng gia đình. Bố anh Ninh là ông Đoàn Công Điển, từng tốt nghiệp chuyên ngành Bảo quản gỗ (ĐH Nông lâm Hà Nội) những năm 1970. Khi ông Điển bắt tay vào nghề, anh Ninh cũng theo bố đi nhiều nơi, thực hiện những hợp đồng diệt mối cho nhiều công trình trong và ngoài tỉnh. Công ty TNHH Phòng chống mối mọt Đoàn Gia Vũ còn có thêm một chi nhánh ở phía Nam.
Một “nhà mối học” thế hệ 8X như anh, công việc đã trở thành một niềm đam mê bất tận. Bởi, khi trò chuyện, Ninh nói say sưa về các phương pháp diệt mối sao cho hiệu quả mà không “sợ” bị mất nghề. Anh bảo: “Nhận một công trình diệt “giặc” mối, với mình luôn canh cánh nỗi lo. Lo không phải vì làm không được mà phải tính toán sao mối mọt không bao giờ “ghé thăm” gia chủ lần nữa. Đó không còn là uy tín cá nhân mà cả của công ty nữa.”
Mỗi khi nhận hợp đồng, việc làm đầu tiên anh Ninh cùng tốp thợ khảo sát hiện trạng công trình, căn cứ vào các đường đất đi của mối, thức ăn rơi vãi rồi đặt hộp nhử mối. Hộp nhử đặt trong 15 ngày để “dụ” mối về hộp. Hộp nhử thường chứa các đồ ăn yêu thích của mối nhiều chất xenlulo (bã mía, gỗ thông xốp) được tẩm chất pheramone. Sau thời gian đặt, kiểm tra hộp nhử thấy mối đã nhiều thì phun thuốc lây nhiễm đặt lại vị trí cũ từ 3-5 ngày.
Anh Ninh giải thích: “Đặc tính của mối thường dùng hai sợi râu truyền tin nhau về thức ăn nên khi những con mối đã bị phun thuốc lây nhiễm trong hộp nhử (sẽ chết trong vài ngày) sẽ về tổ lây lan trong “cộng đồng” và mớm thức ăn nên lây thuốc sang mối chúa. Diệt được mối chúa xem như diệt được ổ mối đó”.
Sau khi thu gom hộp mối nhử mang đi tiêu hủy, tốp thợ diệt mối sẽ phun dung dịch các chất như lenfos, agenda, mapsedan (nằm trong danh mục cho phép của Cục BVTV, Bộ NN&PTNT) để diệt tiếp những con mối lính đang còn đi lang thang ở bên ngoài và phòng chống mối tái xâm nhập.
Ngồi trò chuyện, Ninh nói vui: “Mối “không phân biệt sổ đỏ” nên bất kể một công trình nào đều có thể bị mối mọt tấn công, chúng gặm nhấm từ bên trong nên gia chủ không biết được. Thường một công trình có từ 1-3 tổ mối. Do vậy, công tác khảo sát mình phải làm kỹ lưỡng, mới phòng chống “tái phát” được”.
Khắc tinh của mối
Anh Ninh thổ lộ: “Nhận mỗi công trình Nhà nước, mình áp dụng theo giá 32.000 đồng/m2 - định mức chống mối mọt được ban hành hàng năm của Bộ NN&PTNT; còn công trình nhà ở thì thỏa thuận giá với gia chủ. Dù là công trình gì, phía công ty mình cũng bảo hành 2 năm cho gia chủ”.
Mấy chục năm hoạt động của công ty, với anh Ninh, mỗi lần mối tái xâm nhập một công trình đã qua xử lý là một lần “đáng nhớ”. Ngồi trò chuyện, anh bảo, số công trình này không nhiều nhưng qua mỗi lần, các tốp thợ cùng anh ngồi lại để xem xét lại quy trình xử lý mối, tìm kẽ hở khắc phục. “Mối tái xâm nhập trong thời gian còn bảo hành, bất cứ giá nào mình cũng phải xử lý lại cho gia chủ. Đó là nguyên tắc của nghề” - Ninh khẳng định.
Để mối không tái xâm nhập, công việc đầu tiên là xử lý ngừa mối từ nền móng. Khi gia chủ làm nhà giai đoạn đổ đất cát nông nền sẽ được pha từ 3-5 lít dung dịch phòng chống mối với tỷ lệ 1,2% phun trên m2 nền.Việc làm này nhằm phòng chống mối cánh từ ngoài trời bay vào, rụng cánh rồi kết đôi từng cặp, chui xuống các khe hở của chân tường, ván gỗ quanh nhà để làm tổ sinh sản.
Ngoài ra, các thợ diệt mối sẽ khoan lỗ sâu 30cm, khoảng cách các lỗ từ 20-30cm quanh nền nhà, đổ dung dịch hóa chất ngừa mối vào các lỗ khoan tạo “vành đai” ngừa mối quanh nền nhà.
Làm nghề diệt mỗi cứ tưởng công việc nhẹ nhàng nhưng thực tế lại không phải. Như lời anh Ninh, các thợ diệt mối khi bắt tay vào nghề ngoài kiến thức chuyên môn về sinh hóa, đều phải học qua một “khóa đào tạo” leo trèo. Xử lý những công trình lớn, độ cao, là công việc không dành cho những người yếu bóng vía! Anh Hoàng Văn Linh, một thợ diệt mối tâm sự: “Các công trình mình nhận là công trình gỗ, bị mối mọt nhiều năm, kết cấu nhiều nơi không còn vững chắc. Như ở phổ cổ Hội An, nhiều công trình gỗ cao tầng, anh em tốp thợ đều phải dùng dây đu, đảo bảo an toàn. Chỉ cần một chút sơ sẩy là ảnh hưởng đến tính mạng”.
Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

TIN MỚI

Return to top