ClockThứ Hai, 09/10/2017 13:36

Công nghệ đúc đồng mới giúp giảm ô nhiễm môi trường

TTH - Trong khi nhiều cơ sở ở làng nghề đúc đồng Phường Đúc và Thủy Xuân (TP.Huế) còn xả thải ra môi trường, doanh nghiệp tư nhân Đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ đúc mới với dây chuyền thiết bị từ tạo khuôn, nung, đến nấu đồng chủ yếu sử dụng bằng điện năng, giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm.

Đưa mẫu sản phẩm vào lò nung tách sáp để tạo rỗng cho khuôn

Cải tiến công nghệ

Trở về Huế năm 2011, anh Nguyễn Phùng Sơn, chủ cơ sở Đúc Đồng Nguyễn Phùng Sơn (đường Huyền Trân Công Chúa, phường Phường Đúc, TP. Huế) tiếp tục với nghề đúc gia truyền đã gắn bó với anh suốt hơn 25 năm.

Từ khi chuyển cơ sở từ Đồng Nai ra Huế, anh Sơn nhận đúc các sản phẩm truyền thống như chuông, tượng đồng và một số sản phẩm mỹ thuật với nhiều trọng lượng, kích cỡ khác nhau. Để bắt nhịp xu hướng, ngoài sản phẩm có tiếng của làng nghề, anh đầu tư dây chuyền công nghệ để đúc các hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm lưu niệm như chuông nhỏ, các biểu tượng văn hóa, danh nhân, nhà yêu nước của Huế…với kích cỡ nhỏ, phù hợp phục vụ dịch vụ làm quà lưu niệm.

Chuyển hướng sang mô hình sản xuất mới này yêu cầu phải sản xuất hàng loạt, đồng đều, công nghệ cao. Vì thế, anh Phùng Sơn đầu tư công nghệ đúc bằng phương pháp mẫu chảy với nhiều thiết bị hỗ trợ như: máy ép sáp, làm khuôn (gồm hỗn hợp nước, chất kết dính và chất thay thế đất sét), thổi bông cát, máy tưới cát, máy tách sáp… Thay vì trước đây chủ yếu làm bằng thủ công, theo công nghệ truyền thống, thì dây chuyền mới này giúp sản xuất sản phẩm hàng loạt.

Liên hoàn trong hệ thống dây chuyền này phải kể đến lò nung bằng điện và 2 lò nấu đồng bằng điện loại 200kg và 500kg. Đây là những công đoạn nếu áp dụng theo lối đúc cũ sẽ sinh ra nhiều khói, bụi, khí thải độc hại, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như sức khỏe người lao động. Nhờ đầu tư công nghệ mới và sử dụng 100% điện năng, lò nấu đồng đã khắc phục những nhược điểm trên.

Hầu hết các công đoạn từ tạo mẫu khuôn cho đến nung, nấu đồng để ra sản phẩm thô chủ yếu sử dụng bằng điện, nên đã hạn chế ô nhiễm môi trường rất lớn. Theo tính toán của chủ doanh nghiệp, nhờ sử dụng điện thay cho việc nấu bằng than, củi, chi phí cho ra sản phẩm đúc bằng phương pháp mẫu chảy giảm từ 10- 15% so với phương pháp đúc truyền thống. Chỉ riêng công đoạn nấu chảy đồng, nếu nấu bằng than, củi tốn từ 5- 6 triệu đồng/tấn đồng, còn nấu bằng điện giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn đồng.

Đang trong quá trình hoàn chỉnh, tuy nhiên, nhìn hàng loạt sản phẩm đúc đồng sắp “ra lò” cho thấy hướng đầu tư công nghệ mới của anh Nguyễn Phùng Sơn sẽ “đón đầu” cho việc đa dạng hóa sản phẩm hàng lưu niệm truyền thống đặc trưng của Huế, phục vụ phát triển dịch vụ du lịch của địa phương. Với mong muốn đưa ra thị trường một loạt sản phẩm đúc đồng với nhiều chủng loại, độc đáo, nên cơ sở đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn dự định sẽ cho xuất xưởng vào đầu năm 2018.

Nhân rộng nếu có đầu ra

Anh Nguyễn Phùng Sơn cho hay, công nghệ đúc mẫu chảy có nhiều ưu điểm: chất lượng sản phẩm tốt, giữ được độ chính xác và tinh xảo của sản phẩm, giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu làm khuôn vì sáp được thu hồi tái sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nếu sử dụng hết công suất, dây chuyền công nghệ đúc mẫu chảy với quy mô hiện có tại cơ sở sẽ cho ra 5 tấn sản phẩm trong 1 tháng. Ưu điểm lớn hơn của dây chuyền mới này là rất an toàn, phù hợp với sức khỏe, thể trạng của nhiều đối tượng lao động. Hiện cơ sở đang có 5 lao động nữ trong tổng số 10 lao động đảm nhiệm những công việc trong giai đoạn đầu của quy trình sản xuất.

Đặt vấn đề liệu công nghệ này có thể áp dụng đối với các cơ sở khác trong làng nghề, anh Phùng Sơn giải thích, công nghệ này đòi hỏi sản xuất sản phẩm hàng loạt, số lượng lớn mới hiệu quả. Do đó, mặc dù công nghệ này được xem là còn mới ở Huế, nhưng nếu cơ sở nào tìm được đầu ra sản phẩm thì có thể đầu tư dây chuyền tương thích với nhu cầu, số lượng sản phẩm làm ra.

Hiện nay, làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc và Thủy Xuân có 64 cơ sở đang hoạt động. Trong đó, chỉ có 4 hộ và 1 HTX ứng dụng hệ thống hút khói, bụi qua màng sương phun nước do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học&công nghệ- Sở Khoa học&Công nghệ chuyển giao, còn phần lớn đều thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý. Thực tế, nếu cơ sở nào có điều kiện vẫn có thể đầu tư lò nấu đồng bằng điện để đúc chuông lớn, sản phẩm lớn thay thế lò nấu đồng bằng củi, than để giảm phát thải khói, khí bụi gây ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Văn Nhạn, Chủ tịch Hội nghề đúc truyền thống Huế, đa phần các cơ sở đúc lớn chủ yếu đi đúc di động, số ít đúc cố định tại cơ sở chỉ nhận đúc sản phẩm nhỏ, với tần suất đốt lò từ 1 đến 2 lần/tháng, nên tình trạng ô nhiễm không còn bức xúc như trước đây. Một phần do các cơ sở không còn dùng cao su, dầu phế thải để đốt từ gần 10 năm nay, phần khác các cơ sở đúc đã dịch chuyển vị trí hoạt động đến khu vực rộng rãi, nằm cách xa khu dân cư.

Ông Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND phường Phường Đúc cho biết, hằng năm, phường đều gửi đến các cơ sở đúc đồng cam đoan, cam kết không dùng cao su, dầu phế thải để đốt và khuyến khích chọn ngày đẹp trời để đúc. Vì thế, thời gian gần đây, người dân rất ít phản ánh, vì chính bản thân những hộ đúc đã rất ý thức làm mọi cách giảm thiểu ô nhiễm để trước tiên bảo vệ chính gia đình, người thân của họ.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới

Với nhiều quy hoạch lớn mang tầm chiến lược ở Thừa Thiên Huế cũng như Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) và nhiều luật mới đã, sắp ban hành, hy vọng sẽ tạo động lực cho Thừa Thiên Huế bứt phá trong tương lai gần.

Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top