ClockThứ Ba, 27/09/2016 10:15

Công nghệ sản xuất buộc phải đổi mới

Kinh tế Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào nền kinh tế của thế giới và các doanh nghiệp (DN) đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh. Trước áp lực mở rộng cửa thị trường, các DN bắt buộc phải thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Khó cạnh tranh nếu công nghệ lạc hậu

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK), cho biết xuất khẩu dệt may các tháng đầu năm nay sụt giảm so với cùng kì các năm bởi đã có sự cạnh tranh mạnh. Nếu như các năm trước, tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 10% thì năm nay chỉ đạt 5,3 - 5,5% so với cùng kỳ. Theo đó, ngoài nguyên nhân như thị trường lớn là Mỹ, châu Âu và Nhật giảm cầu, sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực như Campuchia, Myanma dẫn đến có sự dịch chuyển đơn hàng thì còn phải nói đến lý do năng lực cạnh tranh yếu do công nghệ lạc hậu. Mặc dù ngành dệt may đã có nhiều cố gắng trong dầu tư đổi mới công nghệ nhưng cho đến nay, trình độ kỹ thuật của ngành vẫn còn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Máy móc thiết bị lạc hậu, tính vận hành tự động kém nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành sản xuất cao.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử dân dụng tại Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng.

“Để có thể cạnh tranh được trong thời gian tới thì các DN cần có sự đổi mới, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để hạ giá thành; đồng thời chuyển hướng cạnh tranh sang làm FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian), bởi làm gia công hiện nay có lời là cực kì khó”, ông Hồng khuyến cáo.

Các DN tư nhân đã nhận thức được rằng, yếu tố đổi mới công nghệ trong sản xuất là một vấn đề sống còn nhưng vì nguồn vốn có hạn, hầu hết chấp nhận "an phận" nhập khẩu máy móc giá rẻ để sản xuất hàng hóa theo kiểu "gia công", chất lượng thấp.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện hầu hết máy móc thiết bị của các DN trong nước có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới. Đặc biệt có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang... Trung bình một vòng đời công nghệ vào khoảng 10 năm, nhưng tại Việt Nam khoảng 75% DN sản xuất đang sử dụng máy móc hết khấu hao, chậm thay đổi, loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ.

"Việc DN rơi vào bẫy của sự chuyển dịch công nghệ lạc hậu không chỉ tác động tới sức cạnh tranh của DN mà còn tác động tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Điều này đi ngược lại với những nước phát triển vì họ luôn đổi mới công nghệ để nâng cao cạnh tranh", ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại phân tích.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo tính toán của các DN, lợi ích từ đổi mới công nghệ hiện đại có thể giúp doanh thu tăng trưởng từ 25 - 40%. Tuy nhiên điều các DN trong nước đang "đau đầu" là không biết “đào” đâu ra nguồn kinh phí để đầu tư, trong khi nhiều máy móc, công nghệ mới

Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên nhiều chỉ số về công nghệ lại đạt rất thấp, bao gồm: Mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, hấp thụ công nghệ của DN thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia... Điều này cho thấy các nhà quản lý vẫn đang thiếu các chế tài mạnh giúp kiểm soát và ngăn chặn được những luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào trong nước tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

giá thành cao vượt khả năng.

"Hiện trung bình mỗi năm Công ty Nhựa Rạng Đông đầu tư 80 - 120 tỉ đồng để đổi mới công nghệ cho hai dòng hàng chủ lực là nhựa giả da và nhựa bao bì. Nhờ vậy đã giúp DN luôn duy trì được mức tăng trưởng 25 - 40%. Công nghệ hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế thường có giá đầu tư rất cao. Đơn cử như việc đầu tư một máy thổi bao bì nhựa màng đa lớp hiện đại có giá tới 46 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc dầu tư này sẽ giúp tiết kiệm được phế liệu, kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, giảm được 20% giá thành sản xuất. Do vậy, các DN cần đầu tư nhiều hơn cho đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm", ông Nguyễn Đắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhựa Rạng Đông nhận định.

"Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách đầu tư, tài chính, chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ nhưng việc tiếp cận và triển khai các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ trong thực tế vẫn hết sức khó khăn. Hiện hầu hết các DN gặp khó khăn về tài chính phải vay vốn với lãi suất cao nên khó có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện nghiên cứu phát triển hoặc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Nếu chúng ta không vạch ra chiến lược bài bản với những bước đi thích hợp thì cuộc cạnh tranh sắp tới dự báo sẽ rất khốc liệt đối với Việt Nam", Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách đầu tư công nghệ: “Công nghệ là chìa khóa thành công trong hội nhập và nhiều DN trong nước đã ý thức sâu sắc vấn đề sống còn này chú trọng đầu tư đổi mới. Hiện 30% thành viên của hội đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và nhiều DN đang chuyển hướng mua thiết bị, công nghệ từ châu Âu, Mỹ, Nhật. Để khuyến khích DN mạnh tay đầu tư cho công nghệ, theo tôi Chính phủ nên tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách đầu tư công nghệ hiện nay; trong các quy định cần có những tiêu chí cụ thể nhằm giúp các DN hiểu rõ những tác động tích cực, tiêu cực khi nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều quy định của Luật Chuyển giao công nghệ chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Ví dụ, Luật quy định không bắt buộc DN đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Quy định này đã khiến Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Cần đánh giá lại thực trạng công nghiệp

Sau 30 năm đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chúng ta đã đạt thành tích tăng trưởng khá tốt khi tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã tăng 16% trong cơ cấu GDP và tính đến quý I/2016, khu vực này đóng góp 32,4% GDP. Trong điều kiện hội nhập sắp tới, Việt Nam phải đánh giá lại thực trạng công nghiệp, đâu là mũi nhọn, đâu là ngành tiềm năng; ngành công nghiệp Việt Nam phải có chiến lược, tầm nhìn mới khi những lợi thế về lao động giá rẻ, vị trí địa chiến lược suy giảm, khai thác tài nguyên cạn kiệt… DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước rất cần, rất quan trọng nhưng đã đến lúc chúng ta phải xem trọng vai trò của DN tư nhân. Vì với tầm nhìn xa, năng động, phát triển theo chiều sâu… chính DN tư nhân mới là trụ cột trong việc mạnh dạn đổi mới công nghệ đem lại sinh khí mới cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: Công nghệ lạc hậu khiến ngành nông nghiệp chưa thể cạnh tranh

Do công nghệ lạc hậu, tỷ lệ thất thoát ở các khâu thu hoạch, vận chuyển, làm khô, xay xát và bảo quản trong nông sản của ta chiếm hơn 12%, tương đương gần 800 triệu USD. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm được tỷ lệ thất thoát, sau thu hoạch là việc làm cấp bách hiện nay. Các thiết bị tồn trữ lúa gạo đã góp phần giảm được thất thoát sau thu hoạch nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nếu các DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thiết bị phù hợp để đảm bảo chất lượng lúa gạo tốt hơn. Nếu các DN kéo dài được thời gian bảo quản, chúng ta sẽ chủ động được thị trường xuất khẩu, từng bước có thể xuất khẩu đều đặn từng tháng theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu, giảm được đáng kể tình trạng ùn ứ, bị động trong xuất khẩu hiện nay.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Chip bán dẫn - Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ

Sáng 4/4, diễn giả Nguyễn Trung Dân, Phó giáo sư của Trường đại học Arizona Mỹ có buổi talkshow, chia sẻ với giảng viên, sinh viên và học sinh Trường đại học Khoa học, Đại học Huế với chủ đề “Chip bán dẫn – Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ”

Chip bán dẫn - Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top