ClockThứ Năm, 29/09/2016 13:46
TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:

“Công trình” trách nhiệm - Kỳ I: Gian nan những bước chân

TTH - Sinh sống ở miền cao, ảnh hưởng nhiều hủ tục lạc hậu từ xa xưa, nhận thức về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều “góc khuất”, hạn chế. Lực lượng bộ đội biên phòng theo chân đồng bào mỗi ngày, lội suối băng đồi, “theo” lên nương lên rẫy để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật.

Người dân A Lưới tham gia một buổi tuyên truyền pháp luật do đồn Hồng Vân tổ chức

Trách nhiệm và kỳ công

Bản báo cáo ngày 19/4/2016 về sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ giai đoạn 1 năm 2016 của Đồn biên phòng Nhâm (phụ trách 4 xã Hồng Bắc, Nhâm, Hồng Thái, Hồng Thượng, thuộc huyện A Lưới) nêu: “...Do điều kiện địa hình rừng núi cao, hiểm trở nên đời sống của số đông Nhân dân còn nhiều khó khăn, ý thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Các hoạt động mua bán, khai thác lâm khoáng sản, vũ khí, chất nổ trái phép, vượt biên săn bắt động vật hoang dã trái phép..., gây mất ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Số người thường xuyên mưu sinh bằng săn bắn động vật hoang dã chế tạo các loại súng tự chế (súng bắn hơi cồn) ngày càng nhiều... Trước tình hình trên, các lực lượng biên phòng Nhâm đã phối hợp với lực lượng công an, quân sự các xã vận động Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật, giao nộp vũ khí. Sau hơn một tháng đơn vị triển khai, kết quả: thu nộp được 43 khẩu súng”. Đó là những “sơ kết” ngắn gọn, là con số. Nhưng đằng sau là không biết bao nhiêu gian nan, vất vả, trách nhiệm và tâm huyết…

Thấy chúng tôi mặt mũi phờ phạc sau mấy chục phút vất vả điều khiển “con ngựa sắt” vượt nhiều đồi dốc. Đồn biên phòng Nhâm đến thôn Ka Lèng xã Nhâm, ông A Viết Cam (47 tuổi, người đã tự nguyện giao nộp khẩu súng tự chế của mình, sau đó vận động thành công hai anh em ruột tự nguyện giao nộp) cười cười có vẻ rất chi là “ẩn ý”. Cái “ẩn ý” đó được “giải mã” ngay, khi ông so sánh với chuyện Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn biên phòng Nhâm, Bùi Văn Hùng “theo” ông trong quá trình tuyên truyền, vận động. “Các chị đi xe máy đã thấy mệt? Vậy mà chú Hùng nhiều ngày liền “theo” tôi, đến bìa rẫy phải để xe máy lại, cuốc bộ 3 giờ đồng hồ. Lần nào tới nơi, áo chú Hùng cũng ướt đẫm mồ hôi. Chú Hùng bảo dùng súng bắn con thú nhưng chẳng may bắn trúng người đang đi rừng, làm rẫy thì rất nguy hiểm. Và nếu bắn hết thú quý sau này đời con cháu mình không có nữa. Áo chú Hùng ướt đến lần thứ năm, thì tôi chấp nhận”.

Ông Cam giãi bày, đồng bào chế súng là để săn bắn thú rừng, phục vụ cuộc sống. Giá nguyên vật liệu để làm được 1 khẩu súng (bắn hơi cồn) dao động từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Đó là chưa tính phải mất nhiều ngày tỉ mẩn công phu mới hoàn thành được. Cuộc sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn thiếu thốn, số tiền trên là cả một tài sản. Vả lại, trong suy nghĩ của bà con, khẩu súng do họ bỏ tiền, bỏ công ra làm, là tài sản của họ. “Của mình thì mình giữ, có chi sai. Sau khi nghe bộ đội biên phòng giải thích, biết sử dụng súng và săn bắn động vật hoang dã quý hiếm là vi phạm pháp luật, nhưng cái bụng tiếc, chưa ưng giao nộp. Nếu giao nộp, mình mất của, mất nguồn thực phẩm cho gia đình. Nhưng thấy chú Hùng mồ hôi ướt áo và những điều chú Hùng nói đều đúng cả, thì thôi tôi chấp nhận” - ông Cam nhắc lại.

“Khi đã thông”

Suy nghĩ “thông”, không những tự nguyện đem súng giao nộp, ông Cam vận động hai em ruột của mình. Ông bảo: “Chuyện ni (vận động hai em trai) hơi lâu đấy chứ không đơn giản. Tôi phải mất mấy bữa rượu, “kề cà” tỉ tê, phân tích thiệt hơn. Tôi bảo giao nộp súng của mình làm ra tiếc thật, nhưng giữ lại để sử dụng lại sai trái. Mình là bố, mình không làm gương sao dạy được con cháu. Không có súng săn bắn, mình kiếm tiền bằng cách khác để mua thức ăn. Ngoài làm rẫy, mình có thể đi làm thuê làm mướn, miễn đừng vi phạm pháp luật”. Kết quả: Hai em trai ruột của ông Cam vui vẻ tự nguyện giao nộp hai khẩu súng tự chế, “cần câu” thực phẩm bấy lâu nay của gia đình.

Anh Hồ Văn Kưm (19 tuổi, thôn Ka Lèng) là một “ca khó” trong những trường hợp khó nhất, nhưng cũng đã “mềm lòng” sau gần mười lần bộ đội biên phòng Hùng “mòn đường chết cỏ” đến phân tích, thuyết phục. “Ban đầu cậu ta không công nhận mình có súng. Cậu ta “đánh đố”, mấy anh lên rẫy tìm đi. Mà Kưm đâu có ở rẫy. Cậu ta ở rừng sâu bắn động vật quý hiếm về nhậu với bạn bè. Chúng tôi uống rượu với Kưm ba lần, cậu ta mới chịu “khai””- anh Hùng vui vẻ kể. Dù ở hai thế hệ, nhưng khi đã “thông”, Kưm cũng chung suy nghĩ với ông Cam, dù tiếc nhưng phải “vứt bỏ” súng kẻo sợ ảnh hưởng nguy hại đến bản thân và xã hội.

Tương tự, các lực lượng bộ đội biên phòng Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân… cũng “ướt áo” khi mỗi ngày “bám” dân để tuyên truyền, giải thích pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, thuyết phục đồng bào vứt bỏ nỗi sợ bắt nguồn từ sự hạn chế về kiến thức khoa học. Nhờ bộ đội biên phòng đồn Hồng Vân kết hợp các tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương, câu chuyện buồn về mẹ con chị Kăn H (xã Hồng Vân) đã “vui trở lại”. Mẹ chị H mắc bệnh phong, bị dân bản xa lánh kỳ thị. Có lẽ cũng vì nguyên nhân đó, chị H không lấy được chồng (chỉ “kiếm” được đứa con). Bộ đội biên phòng ngày ngày đến giải thích đây là căn bệnh không lây. Trăm lời nói không bằng hành động. Khi đến thăm, giúp đỡ mẹ con, bà cháu Kăn H, các anh ngồi trên giường người bệnh, cầm tay bà. Lúc bà mất, bộ đội biên phòng và các lực lượng ở địa phương tự tay chôn cất. Chứng kiến tất cả những điều đó, nỗi sợ lâu nay “ám” vào người dân bản “bay” đi. Khi anh Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân dẫn chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ của chị H nằm bên bờ suối, dân bản vui vẻ báo tin, chị H mới đi lấy chồng mấy hôm trước. Chồng chị H cũng là người trong thôn. Chị H đem con riêng về ở nhà chồng.

4 đồn biên phòng Hồng Vân, Nhâm, A Đớt, Hương Nguyên (trên địa bàn huyện A Lưới) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 14 tủ sách pháp luật (mỗi xã 1 tủ sách), 14 tổ tư vấn pháp luật, 64 tổ hòa giải tại khu dân cư; mỗi đồn tổ chức 2 đến 3 buổi tuyên truyền pháp luật/1 tháng với khoảng 800 lượt người tham gia.

Quỳnh Anh

(còn nữa)

Bài 2: Cùng chung tay

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp
Phổ biến Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã

Ngày 20/3, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ 1/1/2024) và Luật Hợp tác xã (có hiệu lực từ 1/7/2024).

Phổ biến Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã

TIN MỚI

Return to top