Thế giới

COVID-19: Số ca sinh dự kiến giảm 10% ở Nhật Bản và Hoa Kỳ

ClockThứ Hai, 24/08/2020 07:01
TTH.VN - Số ca sinh ở Nhật Bản và Hoa Kỳ được dự báo sẽ sụt giảm vào năm tới, do thiệt hại kinh tế từ đại dịch COVID-19 khiến những người trẻ tuổi phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc kết hôn và sinh con.

Chạy đua điều chế vaccine COVID-19: 165 loại vaccine đang được nghiên cứuWHO hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài không quá 2 nămĐại dịch COVID-19 “gây ra nhiều cú sốc” cho thanh thiếu niên

Người dân tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tại Nhật Bản, quốc gia đã chứng kiến ​​dân số giảm năm thứ 11 liên tiếp vào năm 2019, số ca sinh sẽ giảm khoảng 10% trong năm 2021, nhà kinh tế học Hideo Kumano tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life dự báo. Có 860.000 ca sinh hồi năm ngoái, lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 900.000 ca sinh kể từ khi việc theo dõi số liệu được bắt đầu.

Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 nền kinh tế châu Á vốn đã phải đối mặt với những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học, đại dịch gây thêm trở ngại mới cho nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc khuyến khích tạo lập gia đình.

“Những hạn chế về kinh tế như mất việc làm ở những người lao động không thường xuyên sẽ dẫn đến việc gia tăng những người trẻ tuổi tránh kết hôn và sinh con trong một thời gian”, ông Hideo Kumano cho biết.

Theo số liệu từ Bộ Y tế Nhật Bản, quốc gia này đã ghi nhận 32.544 cặp kết hôn trong tháng 5. Con số này giảm 2/3 so với cùng kỳ một năm trước, và giảm hơn 30% so với tháng 5/2018.

Trong khi đó ở Hàn Quốc, số cặp kết hôn vào tháng 4 cũng sụt giảm 20%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp trong 12 năm, ở mức 1,36 (số lần sinh trên mỗi phụ nữ) vào năm 2019. Một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Nhật Bản cảnh báo, con số này có thể sẽ tiếp tục giảm hơn nữa trong năm nay và năm tới.

Đáng chú ý, sự sụt giảm như vậy không chỉ giới hạn ở khu vực châu Á. Theo một nghiên cứu do Viện Brookings, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ), số trẻ em được sinh ra ở Hoa Kỳ có thể giảm từ 300.000 - 500.000 trẻ vào năm tới, so với năm 2020. Con số này sẽ làm giảm khoảng 10% số ca sinh trung bình hàng năm ở mức 3,7 triệu ca sinh của quốc gia này.

"Một cuộc suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn sẽ đồng nghĩa rằng, thu nhập trong cuộc đời của một số người sẽ thấp hơn, có nghĩa là một số phụ nữ sẽ không chỉ trì hoãn việc sinh con mà sẽ còn quyết định sinh ít con hơn", nghiên cứu nói thêm.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, số ca sinh giảm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Viện Brookings cho hay, suy thoái kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một yếu tố đằng sau sự sụt giảm khoảng 400.000 ca sinh ở Hoa Kỳ.

Những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh sự lo lắng về việc làm và thu nhập lan rộng khắp thế giới. Một cuộc khảo sát trực tuyến do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, trong số những người từ 18 - 29 tuổi trên khắp thế giới, 17,1% cho biết họ đã không làm việc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngay cả những người đang làm việc cũng báo cáo số giờ làm việc của họ giảm 23%, dẫn đến thu nhập ít hơn.

Trong một động thái liên quan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Những ảnh hưởng của đại dịch sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới”. Càng mất nhiều thời gian để kiểm soát đại dịch bằng việc phát triển một loại vắc-xin, thì các hoạt động kinh tế càng bị ảnh hưởng lâu hơn.

Ở các quốc gia đang phát triển, có những lo ngại rằng sự căng thẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ làm tổn thương những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo, tử vong ở những trẻ em dưới 5 tuổi do các căn bệnh có thể phòng ngừa sẽ tăng thêm 1,2 triệu trong 6 tháng, khi những biện pháp để đối phó với đại dịch COVID-19 tiêu tốn nguồn lực y tế.

Một nghiên cứu của Đại học Washington (Hoa Kỳ) đã dự báo rằng, dân số thế giới sẽ đạt đỉnh 9,7 tỷ người vào những năm 2060, và sau đó giảm xuống khoảng 8,8 tỷ người vào cuối thế kỷ này. Đại dịch có thể đẩy nhanh sự sụt giảm này. Mặc dù dân số ít hơn sẽ làm giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên và dịu bớt gánh nặng lên môi trường, nhưng lại dẫn đến nhu cầu yếu hơn và hạn chế nguồn cung lao động. Sáng tạo đổi mới về công nghệ sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tiềm năng.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asian Review)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Nhật Bản: Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20% tổng số hộ gia đình vào năm 2050

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản cho biết, đến năm 2050, 10,8 triệu người cao tuổi ở nước này sẽ sống một mình, chiếm 20,6% tổng số hộ gia đình, đánh dấu sự gia tăng kể từ năm 2020, khi chỉ 7,37 triệu người già - tương đương 13,2% tổng số hộ gia đình, sống một mình.

Nhật Bản Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20 tổng số hộ gia đình vào năm 2050
Return to top