Thế giới

COVID-19: Sự thật và tin giả

ClockThứ Bảy, 16/05/2020 15:24
TTH.VN - Thống kê cho thấy, tính đến nay, hơn 4,5 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại Mỹ, virus này được cho là lây lan chủ yếu từ người sang người, thông qua các giọt bắn được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và rơi vào mũi, miệng của những người ở gần đó hoặc có thể bị hít vào phổi.

Hàng nghìn địa chỉ email và mật khẩu của WHO, NIH, CDC bị đánh cắp“Tin giả” có thể làm dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn

Tin giả lan truyền trên các mạng xã hội càng khiến người dân hoang mang và có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ: Reuters/Tuoitre

Lo lắng và hoang mang là điều phổ biến khi đối mặt với đại dịch, nhất là với một dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và được dự đoán sẽ sớm gây ra suy thoái. Tuy nhiên, thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng truyền thông phổ biến, như WhatsApp, càng làm tăng thêm sự hoảng loạn trong công chúng. Nhiều chính phủ và quan chức đã phải kêu gọi người dân kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi chia sẻ với bạn bè và những người khác.

Trong một hành động cụ thể, tháng trước, Việt Nam đã áp dụng một nghị định mới, theo đó sẽ phạt tiền đối với hành vi lan truyền tin giả hoặc tin đồn về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông xã hội. Khoản tiền phạt từ 10 đến 20 triệu đồng VND được áp dụng đối với những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ thông tin sai lệch, không trung thực, hoặc bị bóp méo. Một số quốc gia khác thậm chí còn mạnh tay hơn khi bắt giữ những người truyền bá tin giả về dịch COVID-19. Đầu tháng 2, cảnh sát địa phương và Ủy ban truyền thông và đa phương tiện Malaysia (MCMC) đã bắt giữ tổng cộng 12 người ở nước này vì đăng tin giả về dịch COVID-19. Trong khi đó ở Philippines, 32 người đã bị buộc tội truyền bá thông tin sai lệch liên quan đến virus này trong tháng 4.

Một số quan niệm sai lầm được thảo luận rộng rãi về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể được kể đến như sau:

Chất tẩy

Đã có một tin đồn lan rộng gây kinh hoàng cho các chuyên gia y tế rằng: sử dụng chất tẩy có thể bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm COVID-19.

Cách đây vài ngày, một nhà thờ ở Australia đã bị phạt 151,200 AUD (97.709 USD) vì đã quảng cáo bất hợp pháp một loại thuốc “thần thánh” chữa COVID-19 có chứa một sản phẩm tẩy trắng.

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), súc miệng hoặc tiêm thuốc tẩy sẽ không thể bảo vệ bạn khỏi virus. “Trong bất kỳ trường hợp nào, không được xịt hoặc đưa chất tẩy hoặc bất kỳ chất khử trùng nào khác vào cơ thể bạn. Những chất này có thể gây độc nếu nuốt phải, gây kích ứng và tổn thương cho da và mắt của bạn. Chất tẩy trắng và chất khử trùng chỉ nên được sử dụng một cách cẩn thận để khử trùng bề mặt”, WHO nêu rõ trên trang web của mình.

Thời tiết

Gần đây đã có báo cáo rằng nhiều người Indonesia đang cố phơi nắng với hy vọng rằng hấp thu ánh nắng mặt trời dồi dào sẽ tránh được virus SARS-CoV-2. Điều này diễn ra sau nhiều lời đồn lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội cho rằng thời tiết ấm áp có thể làm chậm sự lây lan của COVID-19.

Tuy nhiên, bác sĩ Dirga Sakti Rambe tại một bệnh viện ở Jakarta giải thích rằng để cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp chỉ có tác dụng tổng hợp vitamin D, nhưng nó không hữu ích trong việc ngăn ngừa trực tiếp bệnh COVID-19.

Theo WHO, virus COVID-19 có thể lây truyền ở tất cả các khu vực, kể cả những khu vực có thời tiết nóng ẩm. Ông Tikki Pangestu, một giáo sư ở Singapore nói rằng "lý thuyết nhiệt độ không thực sự hợp lý với những gì đang xảy ra ở phần lớn các nước Đông Nam Á", khi các trường hợp nhiễm COVID-19 tăng vọt ở nhiều quốc gia thành viên ASEAN.

Tiến sĩ Amalina Bakri – một bác sĩ nổi tiếng người Malaysia, cũng đồng ý và chỉ ra rằng việc lan truyền và tăng nhanh số ca mắc bệnh có thể xảy ra trong một loạt các điều kiện độ ẩm từ các tỉnh khô và lạnh ở Trung Quốc cho đến các vùng nhiệt đới, dựa trên các nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Harvard. Bà cũng kêu gọi công chúng ngừng lan truyền tin tức chưa được xác minh.

Tử vong

Một giai thoại khác đã khiến mọi người sợ hãi, đó là quan niệm sai lầm rằng tất cả những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cuối cùng cũng sẽ phải đối mặt với cái chết. Đã có rất nhiều trường hợp tử vong vì COVID-19, nhất là ở những người già và những người có nền bệnh từ trước. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng một số lượng lớn người bị nhiễm COVID-19 cũng đã hồi phục. Số liệu thống kê mới nhất tính đến hôm nay cho thấy, hơn 1,7 triệu bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục và hy vọng, con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

BẢO NGHI (Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top