ClockThứ Năm, 04/11/2021 08:51

COVID-19 tác động tiêu cực như thế nào đến giáo dục Việt Nam?

Theo Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch.

Giám sát y tế học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ đến trườngBộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế triển khai mở cửa trường học đảm bảo an toànBộ GD-ĐT đề nghị các địa phương báo cáo tình hình dạy học trực tiếpChuẩn bị kỹ phương án dạy thể dục onlineNghiên cứu đề xuất hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Sinh viên bị kẹt lại ở ký túc xá (Hà Nội) cố gắng hoàn thành năm học trong điều kiện học online. Ảnh: Lê Vân

Nhiều giáo viên rơi vào cảnh thất nghiệp 

Giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp.

Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ. Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện trong thực tế, chưa phù hợp và bảo đảm công bằng trong tiếp cận với trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thiếu kinh phí để chi trả cho giáo viên, nhân viên và duy trì hoạt động; một số cơ sở có nguy cơ bị đóng cửa. Nhiều giáo viên mầm non bị mất việc làm, gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, hàng trăm trường mầm non dân lập, tư thục tại TP Hồ Chí Minh đã gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ do những tác động của dịch COVID-19 trong hai năm qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao vấn đề này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các giải pháp và chính sách để hỗ trợ các trường mầm non, thư thục trong đại dịch và hậu COVID-19. 

Bên cạnh đó, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá, việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Mặc dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet. Tuy nhiên, hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. 

Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả. 

Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất (đường truyền, trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến...) không đáp ứng, nhiều gia đình không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị học tập cho con em; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên và việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh nhìn chung còn hạn chế. 

Phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Ở nhiều địa phương, việc dạy và học trên truyền hình, qua internet chưa thực sự hiệu quả. Hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng lớn. Một số cơ sở giáo dục tổ chức dạy trực tuyến nhưng nguồn thu từ học phí không đủ trang trải chi phí; nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học phải đóng cửa hoặc giải thể. Số lượt người tham gia học tập các chương trình giáo dục thường xuyên giảm.

Các địa phương được chủ động lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển vào THPT tùy vào tình hình thực tế nhưng đa số còn lúng túng trong lựa chọn thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai phương thức. Chất lượng và công bằng của kỳ thi vào các lớp đầu cấp khó đạt yêu cầu; việc phân luồng sang đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo tổ chức kỳ thi thành 2 đợt phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm thi; có giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi; xem xét đặc cách xét công nhận tốt nghiệp cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 nhưng không thể dự thi do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có nguyện vọng. Phổ điểm từng môn thi (theo đợt thi và địa phương) và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích chi tiết và thông tin công khai. 

Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và Chương trình đào tạo (đào tạo lại) giáo viên phổ thông bị chậm tiến độ. Thời lượng học lý thuyết, học thực hành, học thực nghiệm, trải nghiệm thực tế, thí nghiệm chưa bảo đảm. Việc xây dựng, cải tạo các công trình, mua sắm trang thiết bị phục vụ gặp nhiều khó khăn. Một số hoạt động quản lý, quản trị như công tác thanh tra, kiểm tra, khảo thí và kiểm định chất lượng phải tổ chức trực tiếp ở cơ sở giáo dục không thực hiện được trong điều kiện giãn cách xã hội. 

Chất lượng nguồn nhân lực bị ảnh hưởng

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá, chất lượng đào tạo nghề nghiệp bị ảnh hưởng do thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thể thực hiện theo kế hoạch, nhất là đối với các chương trình chuyển giao đào tạo nghề chất lượng cao đang thí điểm thực hiện. Nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động chuyên môn bị hoãn, hủy thực hiện, như Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, hội thao giáo dục quốc phòng, an ninh…

Việc tổ chức đào tạo theo hình thức trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế để duy trì, giữ học sinh, sinh viên không bỏ học mà chưa có kế hoạch bài bản và sự chuẩn bị chu đáo do còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của đội ngũ giáo viên. Hình thức đào tạo trực tuyến cũng chỉ phù hợp với nội dung môn học lý thuyết, không thể thực hiện đối với các nội dung thực hành kỹ năng nghề vốn là yêu cầu chính trong chương trình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn do hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp tại các địa phương, các trường phổ thông hầu như không được thực hiện. Tài chính của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các cơ sở tư thục, tự chủ gặp khó khăn do không cân đối được thu, chi; nhiều khoản vay ngân hàng đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp không bảo đảm khả năng trả nợ. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nguy cơ phá sản cao. Hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và công tác tài chính của cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn. Việc thay đổi hình thức đào tạo có ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo. Hoạt động giảng dạy và đánh giá trực tuyến mới chỉ thực hiện nhỏ lẻ với một số học phần, chưa được triển khai toàn chương trình; nhiều chương trình đào tạo, nhất là các chương trình thuộc nhóm ngành đặc thù như nghệ thuật phải nghỉ thường xuyên. 

Nhiều cán bộ, giảng viên, người lao động của các cơ sở giáo dục đại học phải giảm giờ làm, phải nghỉ việc; sinh viên phải làm quen với việc giảng dạy và học tập bằng hình thức trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong bối cảnh học tập trực tuyến còn nhiều lúng túng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận trong kiểm tra, đánh giá chất lượng. Công tác tuyển sinh và tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học cũng bị thay đổi, điều chỉnh.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục chưa đạt kế hoạch. Nhiều đoàn đánh giá ngoài phải hoãn việc đánh giá trực tiếp tại cơ sở giáo dục đại học. Kiểm định chất lượng giáo dục chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học bị chậm tiến độ so với chỉ tiêu của một số đề án, dự án. 

Dịch bệnh cũng làm bộc lộ rõ những điểm yếu, tính thiếu bền vững trong mô hình, cơ cấu tài chính của các cơ sở giáo dục đại học. Nguồn thu sự nghiệp từ học phí của các trường chưa thực hiện được, thu dịch vụ từ các nguồn khác đều giảm sút trong khi các khoản chi khác vẫn phải bảo đảm, như chi lương cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; chi phí vận hành, thuê mặt bằng; chi phí phát sinh cho việc tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch trong thời gian khá dài.

Theo Tin tức TTXVN  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Return to top