ClockThứ Ba, 23/02/2016 15:31

Cử nhân đầu quân cho hợp tác xã

TTH - HTX nông nghiệp (NN) Phú Thuận (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), đội ngũ quản lý có đến 6/7 “vị” là cán bộ trẻ tuổi đời bình quân chưa đến 30; trong đó 4 người có trình độ đại học (ĐH), còn lại là cao đẳng và trung cấp.

Thu hút người có trình độ

Thành lập từ năm 1978, nhưng suốt một thời gian dài, HTX NN Phú Thuận chỉ phát triển cầm chừng, kém hiệu quả; hoạt động sản xuất NN đơn điệu, lực lượng cốt cán phần đông đã lớn tuổi. “Trong 8 thành viên lúc đó (trước 2013) chỉ có mình tôi là trẻ nhất”, anh Trương Vĩnh Tồn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Phú Thuận kể. Từ khi được bầu làm chủ nhiệm, ngoài học hỏi kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm, vị giám đốc trẻ còn để ý tìm và vận động những sinh viên là con em xã viên địa phương về hợp sức với mình trong việc chèo lái “con thuyền” HTX ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trao đổi về chăn nuôi cùng Phó Giám đốc HTX Nguyễn Hải Bình

Được sự hỗ trợ và giúp sức của huyện trong việc cơ cấu lại độ tuổi cũng như trình độ cán bộ, tháng 3/2015, HTX tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Lần lượt 7 thành viên lớn tuổi lúc đó đều được thay thế bằng lớp trẻ, có trình độ.

 Ngoài vận động, HTX còn có các chế độ đãi ngộ để thu hút “người tài” về làm việc. “Không chỉ có vị trí làm việc đúng sở trường, mức lương phù hợp, được đóng bảo hiểm đầy đủ (kể cả BHXH) mà quan trọng hơn, chúng tôi còn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh lâu dài mà trong đó, mỗi người đều phải chung tay, góp sức mới thành công. Nhờ đó, HTX đã “mời” được 4 sinh viên ĐH chính quy (kinh tế, nông lâm và sư phạm toán) phụ trách các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, kiểm soát... cho đơn vị”, anh Tồn cho biết.

Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Nguyễn Hải Bình, một trong những sinh viên tốt nghiệp ĐH Kinh tế về “đầu quân” cho HTX chia sẻ:  “Mình được “rủ rê” về làm tại HTX từ khi chưa ra trường. Ban đầu cũng chỉ học hỏi kinh nghiệm nhưng sau khi gắn bó, chia sẻ khó khăn và “gặp nhau” ở chí hướng cùng góp sức phát triển cho quê hương, mình đã quyết định chọn HTX là “nơi dừng chân” để phát huy năng lực”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, xã viên HTX kể: “Với một ban quản trị điều hành HTX “mới toanh” lại quá trẻ, ban đầu, bà con ai cũng hồ nghi, chưa tin tưởng. Nhưng sau một thời gian mới thấy, mấy “đứa nhỏ” làm việc có hiệu quả, lại năng động, khoa học hơn nên xã viên đều an tâm”.

Năng động trong sản xuất kinh doanh

Gắn bó và cùng chia sẻ khó khăn nên các thành viên đều không nề hà việc lớn nhỏ khi thiếu người “dù Chủ tịch HĐQT hay phó giám đốc đều xắn tay áo để đúc bờ lô hay cắt cỏ cho bò ăn”, anh Bình vui vẻ nói.

 Giám đốc HTX Trương Vĩnh Tồn kiểm tra chất lượng bờ lô do HTX sản xuất

Được động viên và tạo mọi điều kiện làm việc, đội ngũ cán bộ trẻ tìm thấy “đất dụng võ” ngay tại địa phương. “Thậm chí, một số doanh nghiệp ở Huế đã đặt vấn đề mời về làm việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng nhưng bọn mình đều từ chối. Lý do cũng vì mấy anh em đều xem đây là gia đình thứ hai của mình”, vị Phó giám đốc trẻ tự hào.

Dưới sự điều hành, quản lý của đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, bước đầu doanh thu của HTX Phú Thuận đã tăng từ 860 triệu đồng (trước chuyển đổi) lên hơn 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận cũng tăng gấp 3 so với trước.

Từ chỗ chỉ cung cấp các dịch vụ nông nghiệp đơn thuần cho xã viên, dưới sự điều hành của ban quản trị mới, HTX mở rộng thêm dịch vụ sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. “Nhận thấy, lâu nay, người dân Quảng Phú sản xuất bờ lô hoàn toàn thủ công, HTX đã mạnh dạn đi đầu trong việc đầu tư máy móc để tăng năng suất và sản lượng. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư khu chăn nuôi bò, lợn tập trung khép kín (từ trồng cỏ nguyên liệu đến chăn nuôi). Tận dụng lợi thế diện tích đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ (340 ha) chưa khai thác hết, HTX đã hợp tác với Trường ĐH Nông Lâm Huế trong việc trồng thử nghiệm cây chùm ngây để sau này nhân rộng trong các hộ thành viên và đầu ra sẽ do trường bao tiêu toàn bộ; nhập hàng vật tư nông nghiệp ngay từ cảng Đà Nẵng chứ không qua trung gian để được giá rẻ. Dự kiến, sắp tới, HTX sẽ liên kết với các doanh nghiệp ở một số tỉnh miền trung để bao tiêu sản phẩm (lúa, mía, lạc) cho thành viên, anh Tồn cho biết thêm.

Không dừng lại ở đó, sau chuyển đổi, số lượng thành viên từ 1.100 người tăng lên 1.300 người. Với các dịch vụ hiện có, để “giữ chân” xã viên và không để tư thương ép giá, chúng tôi đều tính toán lại làm sao để có lợi cho bà con, như mua vật tư cho nợ không tính lãi, đến cuối vụ mới trả...

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các hợp tác xã phục hồi sản xuất kinh doanh

Sáng 23/1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Tham dự hội nghị có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ.

Các hợp tác xã phục hồi sản xuất kinh doanh
Chủ động thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã

Ngày 25/12, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã”.

Chủ động thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã
“Bà đỡ” cho hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã khẳng định vai trò, vị thế “bà đỡ” cho kinh tế tập thể, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

“Bà đỡ” cho hợp tác xã
Return to top