ClockThứ Tư, 19/10/2016 14:19

Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội nâng cao ý thức, trách nhiệm

Trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đưa ra nhiều vấn đề còn băn khoăn, lo lắng

Ngày 20/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Với các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, nhiều vấn đề nóng được cử tri đề cập như: phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo việc làm cho sinh viên ra trường. Cử tri đề nghị, để luật đi vào cuộc sống, tránh sai sót như Bộ luật Hình sự vừa qua, thì trước khi trình dự án luật trước Quốc hội, Cơ quan soạn thảo phải tham vấn cộng đồng, cử tri, cơ quan điều chỉnh luật. Đồng thời, cần sửa Luật Phòng chống tham nhũng, phải có cơ chế, chính sách để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng.

Một phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIV. Trong ảnh, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu) (Ảnh: quochoi.vn)

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp cho thấy: Đa số cử tri cả nước phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhân dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế đất nước phát triển chưa bền vững, nợ công ở mức cao. Việc tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, một số sản phẩm nông nghiệp giá thấp, tiêu thụ khó khăn. Tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm còn diễn ra.

Tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đôn Tuấn Phong cho biết: “An Giang là tỉnh thuần nông, có biên giới đông đồng bào dân tộc thiểu số, có khó khăn về phát triển kinh tế- xã hội nhất định. Cử tri quan tâm đến những biện pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, những khó khăn mà nông dân gặp phải như phân bón, thuốc trừ sâu không đảm bảo chất lượng, làm ra sản phẩm khó khăn tiêu thụ, mất giá. Cử tri quan tâm đến thực trạng thiếu việc làm, nhất là việc làm trong thanh niên, kể cả thanh niên đã qua đào tạo. Những khó khăn đời sống dân sinh đoàn đại biểu Quốc hội An Giang đã ghi nhận, gắn với đó đã tập hợp những kiến nghị cụ thể của cử tri để phản ánh đến Quốc hội và các cơ quan thẩm quyền của Quốc hội”.

Tại kỳ họp thứ 2 này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp). Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật là: Luật về Hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Trong công tác xây dựng luật nên có những đổi mới, phải gắn liền với cuộc sống để tránh sai sót và không để xảy ra sai sót như Bộ luật Hình sự vừa qua.

Ông Nguyễn Viết Chức đề nghị, để luật đi vào cuộc sống, trước khi trình luật ra Quốc hội, phải tham vấn cộng đồng, cử tri, nhân dân, cơ quan tổ chức cá nhân được Luật đó điều chỉnh. Tham vấn một cách nghiêm túc và cầu thị để pháp luật đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: Cử tri đã giao cho đại biểu Quốc hội nhiệm vụ giám sát tối cao, xây dựng Luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

“Tư tưởng chỉ đạo xây dựng Luật phải rõ ràng. Có người ví luật như hành lang, lan can để cho người ta đi thoải mái chứ không phải Luật làm khó cho công dân, hay Luật làm khó cho cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân có liên quan hay chịu sự điều chỉnh của Luật. Nhiệm vụ thông qua các luật phải trên tinh thần làm luật để đẩy mạnh tiến bộ xã hội, làm Luật để mọi công dân, mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật, đều được thực hiện dễ dàng chứ không  phải Luật để phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước”.

Cử tri cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Thời tiết diễn biến bất thường, bão lũ, mưa lớn gây ngập úng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Cử tri cũng kiến nghị sửa Luật phòng chống tham nhũng; phải có cơ chế, chính sách mới để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng; đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cử tri Đỗ Duy Thường ở Hà Nội cho rằng tham nhũng hiện nay gắn với các nhóm lợi ích, vì vậy phải làm sao không để các nhóm lợi ích liên kết với nhau.

“Giải pháp kê khai tài sản phải thay đổi. Hiện nay chỉ khi bầu cử thì mới kê khai, sau đó lại thôi. Báo cáo trên 1 triệu người kê khai thì chỉ phát hiện mấy trường hợp kê khai không đúng. Vì kê khai theo lương không vấn đề gì, vấn đề ngoài lương mới quan trọng. Nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này vì vấn đề kiểm soát thu nhập chưa có giải pháp để chống tham nhũng hiệu quả”, cử tri Đỗ Duy Thường nêu vấn đề.

Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Có như thế, mỗi đại biểu Quốc hội mới xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri để thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao, xây dựng luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri
Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ

Tuổi trẻ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh trên hai tuyến biên giới phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tích cực tham gia có hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng xây dựng biên giới giàu đẹp.

Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ
Return to top