ClockThứ Năm, 26/04/2012 04:55

Cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp: Ngư dân thiệt hại hàng tỷ đồng

TTH - Vùng đầm nước lợ Hải Phú, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, là vùng nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá hồng, ốc hương, hàu, vẹm... Đặc biệt, đây là nơi nuôi trai lấy ngọc duy nhất tại Thừa Thiên Huế. Nhưng từ hai năm trở lại đây, bà con ngư dân đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng vì nguồn nước bị ngọt hóa và ô nhiễm. Nguyên nhân xuất phát từ việc cửa biển Tư Dung bị bồi lấp đã làm cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tự nhiên và đi lại của ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cửa biển Tư Dung, trước khi đổ ra biển nó đi qua vùng đầm Hải Phú - (một phần của đầm Cầu Hai) rộng chừng 65ha. Vùng đầm này tuy diện tích không lớn so với hệ thống đầm phá Cầu Hai - gần 10 ngàn ha; nhưng là nơi rất thích hợp cho sự phát triển của nhiều loài thủy, hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao. Theo bà con ngư dân, trước đây các loại tàu thuyền lớn vẫn ra vào dễ dàng. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, cửa biển Tư Dung liên tục bị bồi lấp với tốc độ chóng mặt, và đến giờ cửa biển chỉ còn là một lạch nước nhỏ rộng hơn 3 mét và sâu chưa không đầy 30cm.

Ông Lê Túy, Chủ tịch HĐND xã Lộc Bình, đưa chúng tôi ra tận cửa biển để nhìn mắt mức độ bồi lấp, trước mắt chúng tôi là những bãi cát mênh mông. Cửa biển chỉ còn là một cái lạch nhỏ, nước chảy rỉ rả. Phía bờ tây là những đụn cát lớn bị gió, sóng biển đẩy vào đang từng ngày bồi lấp toàn bộ cửa biển. Nhìn cửa biển bồi lấp mỗi ngày mà lo cho hàng tỷ đồng của ngư dân đứng trước nguy cơ mất trắng, nhất là cơ sở nuôi trai lấy ngọc của Công ty Ngọc Việt - ông Túy lo lắng.

Ông Phạm Đình Toại, Giám đốcCông ty TNHH Đầu tư và sản xuất Ngọc Việt cho biết: Sau thời gian nghiên cứu môi trường tự nhiên ở đầm Hải Phú, năm 2009 Công ty đã đầu tư nuôi hơn 1 triệu con trai lấy ngọc với vốn đầu tư gần tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều ngư dân trong vùng. Công ty đầu tư vốn, giống, kỹ thuật, bà con ngư dân có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, khi thu hoạch công ty thu mua toàn bộ sản phẩm ngọc.

Tuy nhiên, năm 2011 do cửa Tư Dung bị bồi lấp hoàn toàn, dẫn đến việc lưu thông nước mặn trong đầm với biển tắc nghẽn. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ các đầm tôm khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, nguồn nước bị ngọt hóa, độ mặn đã giảm với tỷ lệ từ 30/1.000 xuống còn 0/1.000. Không chỉ nước ngọt hóa nà nhiệt độ trong nước cũng thay đổi. Bị ảnh hưởng đầu tiên là những con trai nuôi lấy ngọc bị chết hàng loạt. Ngoài ra các loại thủy sản nuôi trồng khác như cá hồng, cá mú, ốc hương, hàu...cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Toại cho biết thêm, khoảng 50% số trai còn sống sót hiện nay đang phát triển rất khả quan, khoảng một năm nửa là đến kỳ thu hoạch. Ông gọi công nhân đưa vào một số và mổ từng con trai để chúng tôi xem. Trong bảy con trai được mổ thì đã có đến năm con có ngọc. Theo ông Toại, tỷ lệ trai cho ngọc như thế này là cực cao. Ở Hạ Long tỷ lệ trai cho ngọc chỉ từ 27 - 30%, nhưng ở đây tỷ lệ đạt từ 50-70%, và ngọc cũng có chất lượng rất cao - chất lượng ngọc được đánh giá theo các tiêu chí̉ như màu sắc, độ tròn, kích cở, độ bóng, tỳ vết...

Để giữ lại được 50% số trai này, năm 2011, Công ty Ngọc Việt đã bỏ ra hơn 400 triệu đồng thuê máy về nạo vét cửa Tư Dung, nhưng được vài tháng cửa biển lại tiếp tục bị bồi lấp trở lại. Theo tính toán, với khoảng 50 vạn con trai chết không cho thu hoạch, thiệt hại trực tiếp của công ty hơn 500 triệu đồng. Hơn 20 lao động không có việc làm và thu nhập. Ngoài ra các loại thủy sản nuôi trồng khác của ngư dân cũng bị thiệt hại trên 50% như cá lồng, ghẹ, tôm, hàu... Riêng ốc hương, trước đây mỗi mùa bà con thả nuôi hơn 40 vạn con, nhưng từ năm 2011 đến nay không còn thả nuôi được nữa.

Theo anh Nguyễn Thiện ở thôn Hải Bình, sau vụ nuôi năm 2010, ốc hương chết hàng loạt nên hai năm nay không còn ai thả nuôi ốc hương. Bà con chỉ thả nuôi cá lồng và nuôi trai lấy ngọc của Công ty Ngọc Việt. Tuy nhiên, dù chỉ mới đầu mùa khô nhưng cửa biển mới được nạo vét giữa năm 2011 đã bị bồi lấp lại gần như hoàn toàn. Không chỉ các loài nuôi trồng bị chết, trong những ngày gần đây các loài thủy sản sống trong tự nhiên cũng bị chết nổi khắp mặt đầm.

Gần triệu con trai lấy ngọc cũng đang đứng trước thảm họa chết hàng loạt như năm trước. Trước tình hình này, Công ty Ngọc Việt đã mua về 3 chiếc bể lớn để khi điều kiện tự nhiên trong đầm không còn đảm bảo thì đưa trai vào bề “tạm trú” chờ thông cửa biển.

Ông Lê Túy, Chủ tịch HĐND xã Lộc Bình đề nghị các cơ quan chức năng, các nhà khoa học sớm nghiên cứu để đưa ra giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài vấn đề khơi thông cửa biển Tư Dung. Khi việc lưu thông nước giữa đầm Hải Phú và biển qua cửa Tư Dung ổn định thì có thể đưa đầm Hải Phú trở thành nơi nuôi trai lấy ngọc bền vững và không chỉ nuôi 1 triệu con mà có thể thả nuôi gấp nhiều lần hiện nay. Ông cũng đề xuất giải pháp, trong điều kiện khó khăn về ngân sách trước mắt tiến hành nạo vét cửa biển dài khoảng 100 mét và xây kè ở phía bờ Tây để ngăn cát bồi lấp và lâu dài nên tiến hành kè cả phía bờ Đông.

Theo tính toàn bước đầu của ông Phạm Đình Toại, Giám đốc Công ty Ngọc Việt, để tiến hành kè cả hai bờ cửa biển Tư Dung với chiều dài mỗi bên 100 mét, cao 3 mét thì cần khoản kinh phí hơn 4 tỷ đồng, số kinh phí này là khá lớn, công ty không có điều kiện để thực hiện nên chỉ mong vào sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách của Nhà nước.

Ông Lê Túy cho biết thêm, việc cửa biển Tư Dung bị bồi lấp không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ nguồn gen các loài thủy sản nước lợ cũng như việc thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới hiện nay không chỉ của xã Lộc Bình mà còn ảnh hưởng đến xã Vinh Hiền, vì vậy rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng của huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Bài, ảnh: Văn Nhân
 

Cơ sở nuôi trai lấy ngọc ở đầm Hải Phú đang đứng trước “thảm họa” chết hàng loạt.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top