ClockThứ Bảy, 28/10/2017 14:03

Cung bậc hoài niệm trong tranh họa sĩ Mai Châu

TTH - Vốn là một thầy giáo xưa, nhưng với niềm đam mê hội họa từ thời ấu thơ, người họa sĩ của miệt vườn Kim Long đã khẳng định tên tuổi mình trong giới tạo hình ở Huế.

Say mê và khả năng tự học đã dẫn đưa người thầy giáo đến một lối rẽ vào mảnh vườn của các sắc màu ẩn mình giữa đất trời Cố đô. Trong khu vườn đó là những đóa hoa hư ảo, những bờ vai gầy guộc, những làn tóc mộng mị đẫm hương giữa mù sương Thành nội.

Tác phẩm: Tiết sương giáng

Hình ảnh người thiếu nữ trong tà áo dài xuất hiện trong tranh của Mai Châu khơi dậy vùng ký ức của họa sĩ một thời làm thầy giáo tại Trường Nữ trung học Đồng Khánh. Trong các tác phẩm vẽ thiếu nữ là phần chính, phần phụ là những vườn hoa, bóng dáng kinh thành, cổng trường Nữ trung học Đồng Khánh hay là những núi đồi thênh thang. Ngoài ra, những phím dương cầm, cây đàn guitar,... ẩn hiện sau bờ vai người con gái như đang ngân vang giai điệu slows chậm và sâu lắng.

Trong các tác phẩm của Mai Châu, hầu hết phần nền (background) đã được xử lý rất kỹ bởi nhiều lớp màu, người xem có thể nhận ra độ loang của từng sắc màu hòa quyện vào nhau như một sự giao thoa tự nhiên của từng áng mây giữa bầu trời. Trên mỗi tác phẩm của họa sĩ Mai Châu dập dìu những tiết nhịp của thiên nhiên xứ Huế, được chuyển tải qua những gam màu nhẹ nhàng khiến người xem nao lòng.

Nhưng còn những đảo phách đầy cảm hứng của người nghệ sĩ đã khiến người thưởng ngoạn cùng chuyển động trong giai điệu ngẫu hứng qua các tác phẩm: “Như là”, “An nhiên”  và “Phóng sanh phóng đăng”. Bức “Như là” chứa cả một ước mơ của thế giới tuổi thơ trên chiếc tàu bay giấy, bên dưới là chiếc chìa khóa vàng như một thông điệp gửi đến thế hệ trẻ rằng, trong cuộc sống phải luôn luôn có ước mơ. Ước mơ chính là chìa khóa để cất cánh bay vào tương lai và cũng là hành trang xuyên suốt trong cuộc sống khởi đi từ mẫu tự đầu tiên (A) đến mẫu tự cuối cùng (Z). Tác phẩm “An nhiên” gần với siêu thực, cũng hình thể chiếc chìa khóa vàng nằm giữa hai bàn tay. Vâng, mỗi người phải tự mở khóa cho cuộc đời trên đôi tay chính mình để khám phá con đường ngoằn nghèo đầy bí ẩn trong tương lai.

“Phóng sanh phóng đăng” là một biến tấu lung linh giữa nền toan đã khiến người xem liên tưởng đến nét văn hóa đặc biệt của xứ sở Thần kinh, là vẻ đẹp được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng với người họa sĩ, sự sáng tạo đã đưa đến một động từ “phóng đăng” cùng song hành cạnh từ “phóng sanh”, phải chăng đưa ánh sáng nhân văn, ánh sáng chân thiện mỹ đến những vùng tối cũng là một phương cách “phóng sanh” rất cần được phổ biến trong xã hội ngày nay.

Họa sĩ Mai Châu sinh năm 1935. Ông đã có triển lãm vào cuối năm 1993 với các họa sĩ Phan Công Dương, Ngô Đình Đại, Nguyễn Hữu Ngô tại Huế. Đây là lần đầu tiên họa sĩ Mai Châu tham gia triển lãm. Sau này ông tiếp tục tham dự các cuộc triển lãm chung về mỹ thuật tại tỉnh nhà. Tháng 4/2013, họa sĩ Mai Châu dù đã cận kề tuổi 80 nhưng ông đã ra mắt công chúng yêu nghệ thuật một triển lãm rất ấn tượng có chủ đề “Ước mơ xanh” tại Trung tâm Liễu Quán, Huế.

Tôi đã được xem tranh họa sĩ Mai Châu treo trong nhà của những người bạn và cả những lần họa sĩ triển lãm. Điều gây ấn tượng cho tôi chính là sự lung linh của màu sắc, trong không gian nhỏ bé đó như dậy lên những cung bậc dẫn đưa người xem trở về với hoài niệm, những hoài niệm đẹp và mênh mang, mơ hồ giữa đất trời Cố đô.

Bài, ảnh: Lê Huỳnh Lâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”

TIN MỚI

Return to top