ClockThứ Tư, 04/08/2010 17:27

Cung bậc sen

TTH - Làng tôi bắt đầu bằng một cánh đồng sen không biết được trồng từ bao giờ. Các thế hệ con em của làng dường như đã hít thở cái khí trời ướp đẫm hương sen ấy mà lớn. Con đường đến trường cũng ngang qua cánh đồng sen.

Lũ trẻ đếm thời gian theo những cánh sen tàn rồi nở. Mùa đông, những gốc sen úa vàng, trơ lại mặt nước hồ đơn lặng với vài con chim bói cá im thin thít. Rồi mùa xuân, những chồi xanh bắt đầu nhú, để một sớm mai thức dậy, ngỡ ngàng với những lá sen mơn mởn bung kín mặt hồ như một phép màu của bà tiên già. Cho đến khi cả đồng sen ngập một màu hồng phơn phớt, mọi người thường thức dậy sớm hơn, để ngắm sen và hít căng lồng ngực cái mùi thơm thoang thoảng quyện tỏa trong từng ngọn cỏ.



Thời cuộc khiến cánh đồng sen đa đoan. Một dạo, nó được nhổ bỏ, bồi lấp để trồng khoai lang bởi lúc đói kém, sen là thứ không thể ăn no. Rồi có lúc, cánh đồng khoai ấy lại được đào bới, thành hồ nuôi tôm xuất khẩu…
 
Cánh đồng sen quê tôi nay chỉ còn trong ẩn ức. Nhưng nó đã hóa thân vào ca dao. Câu ca dao mộc mạc như cây sen quê chân chất: “Nhụy vàng. Bông trắng. Lá xanh”. Nhưng cái kết của bài ca dao ấy, đầy ngụ ý thâm thúy (“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”) thì ít nhiều, vẻ đẹp vô ưu của hoa sen bắt đầu nhuốm ít bụi trần. Người nói như thế là hoa sen thanh tao, tiết hạnh. Người bảo, hóa ra sen là giống bạc tình. Nương tựa bùn non mà sống. Chắt lọc tinh túy từ bùn mà ra hoa kết trái. Để cuối cùng lại chê bùn tanh…
 

 
Mặc kệ nỗi oan khiên ấy, sen đã hóa thân vào lễ hội. Những đóa sen ngây ngất ở không gian trường Đồng Khánh (Hai Bà Trưng) trong Festival nghề thuyền thống Huế lần đầu tiên tổ chức. Những bông sen tả thực trên nền những bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh từng phiêu diêu trên sân khấu thời trang quốc tế. Những khóm hoa sen trái vụ được trồng làm nền cho sân khấu bế mạc Festival nghề 2009 dưới chân Đập Đá đẹp mê hồn.
 
Rồi ở Festival Huế 2010, chưa bao giờ, dấu ấn sen lại đậm đến thế: Những đóa sen tươi điểm xuyết hồn Việt trên một sân khấu khai mạc hiện đại chưa từng thấy. Những bông sen trắng bằng giấy mênh mang, phiêu bồng ở bãi bồi Gia Hội. Sen trong nhiếp ảnh. Sen trong hội họa. Sen níu chân du khách ở khu nhà vườn của họa sĩ Thân Văn Huy… Những cung bậc biến tấu ấy của sen, đã làm nên những ký tự lễ hội riêng cho Huế, không lẫn vào đâu được.
 

 
Xa hơn, những cánh sen phơn phớt hồng đã trở thành một biểu tượng đáng yêu trên những chuyến bay của Việt Nam Airline. Nó cũng đã thành biểu tượng của du lịch Việt trên khắp nẻo thế giới. Và mới đây, trên một diễn đàn về Quốc hoa, bông sen đang là ứng viên số một.
 
Có thể ở đâu đó, nhu cầu mưu sinh, biến đổi môi trường, xu hướng đô thị hóa… đang đặt thân phận hoa sen trước sự éo le. Nhưng với hành trình từ nhân gian mà đi vào ca dao, đi vào lễ hội, đi vào nghệ thuật, đi vào tâm thức ấy, cây hoa sen dường như đã được hóa kiếp, thành một biểu tượng vĩnh hằng.
 
Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top