ClockThứ Năm, 16/01/2014 05:49

Cùng chia sẻ với IIP

TTH - Bắt đầu từ năm 2009, ngoài việc công bố chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp giá cố định (GTSXCN), ngành thống kê công bố thêm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) để cung cấp rõ hơn về sự phát triển của các ngành kinh tế theo sản phẩm/ mặt hàng. Năm 2013 kết thúc, với Thừa Thiên Huế là con số dương khi chỉ số IIP ước tăng 7,20%. So với một số địa phương như Vĩnh Phúc tăng trên 14%, Thừa Thiên Huế chưa có được sự bứt phá, vậy nhưng so với mặt chung của cả nước, ước tăng 5,9%, đó được xem là dấu hiệu tích cực.

Sản xuất công nghiệp - TTCN Thừa Thiên Huế đạt được kết quả tăng trưởng khá, chủ yếu nhờ các ngành công nghiệp chủ lực, như: dệt may, bia, sản xuất dăm gỗ, sản xuất và phân phối điện... giữ vững tốc độ tăng trưởng; đồng thời, các dự án đầu tư mới có quy mô và công suất lớn đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2013, như: nhà máy chế biến thủy sản của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, nhà máy sản xuất Sợi Phú An, Phú Anh, nhà máy sản xuất thủy tinh lỏng của công ty TNHH khoáng sản Khánh Hòa... Cụ thể, thực chất chỉ số IIP tăng 7,2% là do có sự tăng trưởng mạnh từ ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá (ước tăng 15,6%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ước tăng 7,45%), trong khi ngành công nghiệp khai khoáng nhiều kỳ vọng đã giảm đến 4,58%.  

Chỉ số GTSXCN tính toàn bộ kết quả sản xuất, gồm các yếu tố chi phí trung gian (nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng…) và giá trị tăng thêm, do vậy có sự tính trùng kết quả của các ngành công nghiệp. Khi sản xuất công nghiệp phát triển, mức độ chuyên môn hóa sản xuất trong nền kinh tế càng cao thì mức độ tính trùng càng lớn. Chỉ số IIP sử dụng quyền số là giá trị tăng thêm nên đã giảm thiểu mức độ tính trùng. Chỉ tiêu GTSXCN được tính bằng cách lấy khối lượng sản phẩm sản xuất của thời kỳ tính toán nhân với đơn giá của sản phẩm đó của năm gốc (năm 1994). Với cách tính này, nhiều sản phẩm mới xuất hiện nhưng không có giá trị của năm gốc, nên việc tính toán không loại trừ hết được yếu tố tăng giá, dẫn tới GTSXCN thường tính cao hơn so với thực tế. Bản chất của phương pháp IIP là xác định tốc độ tăng trưởng của nền sản xuất công nghiệp dựa vào khối lượng sản phẩm sản xuất. Toàn bộ doanh nghiệp lớn, vừa và một phần các doanh nghiệp nhỏ cùng các sản phẩm chủ yếu do tỉnh sản xuất đều được tham gia vào tính toán tốc độ tăng trưởng. Với phương pháp IIP, ta có thể đánh giá được tốc độ tăng trưởng của một sản phẩm, một ngành cụ thể hay toàn bộ ngành công nghiệp một cách chính xác, kịp thời, đáp ứng nhu cầu điều hành nhanh, linh hoạt của các cấp quản lý.

Với cách tiếp cận theo IIP, có thể nhận diện các ngành và sản phẩm chủ yếu của Thừa Thiên Huế trước mắt bao gồm: Bia, dệt may, xi măng. Đáng mừng là cả ba đang có cơ hội tiếp tục phát triển và tăng trưởng trong những năm tới. Chẳng hạn, Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam có kế hoạch tái cơ cấu tổ chức sản xuất kinh doanh và chuyển địa điểm trụ sở từ Hà Nội về Thừa Thiên Huế và đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Carlsberg Việt Nam. Đồng thời. đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy bia tại Phú Bài thêm 200 triệu lít, nâng tổng công suất của nhà máy bia Huế lên 390 triệu lít, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 6 năm 2014. .Những năm đến, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành trung tâm dệt may của vùng và cả nước. Dự kiến năm 2014 ngành dệt may Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ các dự án đầu tư mới sẽ đưa vào hoạt động như: nhà máy may Vinatex Hương Trà, nhà máy sản xuất Sợi Phú Hưng, nhà máy may của Công ty Cp may xuất khẩu Ngọc Châu... Hay, dự kiến đầu năm 2014 Nhà máy xi măng Đồng Lâm (công suất 1,4 triệu tấn xi măng/năm) hoạt động sẽ đưa ngành sản xuất xi măng tăng trưởng mạnh trong năm 2014 và góp phần vào tăng trưởng chung của ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Còn muốn có sự tăng trưởng IIP mang tính lâu dài và bền vững, bài tính đặt ra khá rõ ràng. Đó là, cùng với sự giữ vững và phát triển các ngành và sản phẩm chủ lực hiện có, phải nghĩ đến việc mở rộng, làm giàu và phong phú thêm bằng những ngành và sản phẩm mới.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top