ClockThứ Năm, 26/01/2017 10:09

Củng cố niềm tin vào môi trường kinh doanh

Năm 2016 vừa qua là năm đầu tiên của Chính phủ mới thực hiện công tác chỉ đạo điều hành. Dù thời gian chưa được 1 năm nhưng cộng đồng kinh doanh đã thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

Cởi trói về điều kiện  kinh doanh

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra rất nhiều thông điệp và hành động mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng nêu trong các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu rất rõ là nước ta có một môi trường kinh doanh thuận lợi thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.  “Các chương trình hành động này đang được bước đầu thực thi có hiệu quả, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Sự thăng hạng của Việt Nam trong các bảng tổng sắp của Ngân hàng Thế giới, của Diễn đàn Kinh tế thế giới và con số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp trong năm nay là những minh chứng sống động”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Đặc biệt, năm qua, Chính phủ đã đảm bảo những quy định đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được thực hiện nghiêm túc khi hàng nghìn điều kiện kinh doanh được quy định tại thông tư được rà soát, bãi bỏ và thay bằng gần 50 nghị định. Một khối lượng công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian ngắn, bảo đảm được mốc thời gian 1/7/2016 là các điều kiện kinh doanh tại thông tư phải bãi bỏ như luật quy định, nhưng cũng đảm bảo chất lượng các điều kiện kinh doanh. Nhờ những nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, năm 2016, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện mạnh mẽ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng được 9 bậc, xếp thứ 82/189 quốc gia được xếp hạng. Năm 2016 là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cả hệ thống chính trị và xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, cả nước có 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Rút ngắn khoảng cách  ­giữa chính sách và thực thi

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, khi mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới... Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế và sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam. 

Sản xuất quần áo tại công ty TNHH MTV Dệt may Panko Tam Thắng

Về cải cách môi trường kinh doanh, so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN, một loạt chỉ số  cho thấy Việt Nam ở mức trung bình trong nội dung này. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng thứ 116 - 120. Trong tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, để đạt được mục tiêu mức trung bình của ASEAN - 4, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững. “Điểm tích cực đối với phát triển doanh nghiệp là Chính phủ đang triển khai chương trình thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trình ra Quốc hội dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nỗ lực đáng kể. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát lại chính sách đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. Nhiều địa phương coi trọng doanh nghiệp FDI mà coi nhẹ đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có những chương trình để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực về quản trị và công nghệ”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Đặc biệt, điều quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp là cần rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi. “Thời gian tới

Năm 2016 là năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cả hệ thống chính trị và xã hội.

cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát và đánh giá kết quả thực thi. Những tinh thần rất cải cách của nghị quyết của Chính phủ cần được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế. Để tạo ra bước phát triển đột phá thực sự, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và doanh nghiệp. Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thúc đẩy thực thi giám sát thực hiện công tác cải cách môi trường kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương là một giải pháp tốt để đưa chính sách vào thực thi”, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Đánh giá về cải thiện môi trường kinh doanh, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối tháng 12/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ văn bản đến thực tế. Đáng chú ý, tuy hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng các nước khác cải cách nhanh hơn rất nhiều. “Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi còn khoảng cách và để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc cùng Trung ương.

Hay trong khởi sự kinh doanh thì đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.  Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương để các chủ trương về cải cách môi trường kinh doanh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội của đất nước.“Nếu Nghị quyết 19 thực hiện tốt thì Việt Nam sẽ xếp thứ hạng cao về môi trường kinh doanh, chắc chắn kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn và Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, Phó Thủ tướng nói.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Niềm tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV

Tại Phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban đã có bài phát biểu quan trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”. Tiếp thu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên ở Quảng Bình bày tỏ niềm tin sâu sắc về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng sắp diễn ra…

Niềm tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV
ASEAN thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế kỹ thuật số

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ, trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, những thách thức như sự khác biệt về kinh tế - xã hội và các cơ chế quản lý cần phải được giải quyết.

ASEAN thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế kỹ thuật số

TIN MỚI

Return to top