ClockThứ Bảy, 25/11/2017 05:36

Cùng công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao động

TTH - Công đoàn cơ sở và người lao động (NLĐ) vẫn còn e ngại, không muốn ủy quyền cho công đoàn cấp trên kiện “ông chủ” của mình dẫu bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Nhiều lao động ở Công ty Hoàng Đức từng phản đối chủ doanh nghiệp (ảnh tư liệu)

Từ chuyện của Công ty Hoàng Đức

31 lao động làm việc ở Công ty TNHH TM DV Hoàng Đức (gọi tắt là Công ty Hoàng Đức) từng khốn đốn vì đơn vị nợ BHXH. Nhiều lao động không được chốt sổ BHXH để hưởng các chế độ theo luật định. Tranh chấp lao động kéo dài hơn 2 năm do thái độ bất hợp tác của chủ doanh nghiệp nên mọi thương lượng, đối thoại, kể cả biện pháp hành chính… rơi vào bế tắc. Công ty có 57 công nhân bị nợ BHXH với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, tuy nhiên, chỉ có 31 người đứng ra ủy quyền và nộp đơn khởi kiện. Sau hơn 2 tháng theo đuổi vụ kiện, cuối tháng 8/2017, tại Tòa án Nhân dân TP. Huế, Công ty Hoàng Đức đồng ý trả đủ số tiền gần 680 triệu đồng, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Từ vụ khởi kiện đòi nợ BHXH thành công, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã "đòi" thêm được hơn 15 tỷ đồng trên tổng số hơn 50 tỷ đồng mà các doanh nghiệp còn nợ BHXH. Toàn tỉnh vẫn còn hơn 50 doanh nghiệp đang nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, gây bức xúc cho NLĐ. Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thông tin: "Sau khi tiếp nhận danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm từ cơ quan BHXH tỉnh, chúng tôi phải xác minh, kiểm tra xem những doanh nghiệp, đơn vị đó có tồn tại và có đủ khả năng chi trả hay không. Những đơn vị còn đủ khả năng thì LĐLĐ tỉnh có văn bản thông báo và cho họ thời gian cụ thể để chi trả; nếu hết thời gian mà doanh nghiệp chưa chi trả thì chúng tôi sẽ vận động NLĐ ủy quyền để đứng ra khởi kiện".

Cần phối hợp với công đoàn

Để khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên trực tiếp. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp nợ BHXH, nhưng ở đó không có tổ chức công đoàn cơ sở, nên không thể ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở cũng khó có thể khởi kiện, bởi cán bộ công đoàn vẫn đang trực tiếp nhận lương của chủ doanh nghiệp. Cho nên, việc họ đứng đơn để khởi kiện ông chủ của mình là khó xảy ra.

Một thực tế là, nhiều NLĐ không muốn ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp vì ngại ảnh hưởng đến công việc. Mặt khác, khi muốn ủy quyền cho công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên khởi kiện thì phải tuân theo thủ tục: Xin xác nhận của UBND xã, phường hoặc cơ quan công chứng làm thủ tục, đóng lệ phí 130.000 đồng/người. Những doanh nghiệp có hàng trăm người bị vi phạm quyền lợi BHXH thì việc ủy quyền với công đoàn sẽ phức tạp. Trong quá trình làm thủ tục khởi kiện, các doanh nghiệp thường trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện. Có doanh nghiệp tiếp tục đóng thêm một ít tiền BHXH cho lao động và như vậy, các thủ tục lại phải tiến hành lại từ đầu. Đây là cách lách luật để không thể khởi kiện được doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Cơ quan BHXH sẽ tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực thi quyền khởi kiện. Tuy nhiên, sẽ rất phức tạp vì công đoàn không nắm toàn bộ quá trình tham gia cũng như nợ của đơn vị sử dụng lao động…”. Điều này cho thấy, công đoàn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các cơ quan BHXH và các cơ quan thanh tra quản lý nhà nước khác. Thế nên, dù được trao quyền, song các cấp công đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh Hoàng Văn Nam, trong quá trình thực hiện khởi kiện, cơ chế pháp luật giải quyết tranh chấp lao động chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ nên các quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động còn nhiều bất cập, khó thực thi. Trong quá trình giải quyết vụ án, công đoàn với tư cách người khởi kiện theo ủy quyền của NLĐ thường bị rơi vào thế thụ động, lúng túng trong cơ chế như “xin - cho”.

Sử dụng chức năng thanh tra đã được giao để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt theo quy định là một hướng giải quyết của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, cũng cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức pháp luật về khởi kiện và tranh tụng tại tòa cho cán bộ công đoàn, góp phần bảo vệ thành công quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỔ XÔ RÚT BẢO HIỂM MỘT LẦN VÌ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỬA ĐỔI:
Cần truyền thông sâu rộng

Thông tin từ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi liên quan đến 2 phương án rút BHXH một lần thời gian qua khiến nhiều người lao động (NLĐ) hoang mang và đổ xô nghỉ việc để rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Cần truyền thông sâu rộng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Return to top