ClockThứ Tư, 01/09/2021 14:18

Cung đường Mỹ Lý

TTH.VN - “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”.

Sông Phổ Lợi sẽ được nạo vét, khơi thông...Mở rộng cống đập La Ỷ: Sạch sông Phổ Lợi, nối dài du lịch đường sông

Đó là đoạn mở đầu bài văn "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh, thường được nhắc đến mỗi khi bắt đầu năm học mới. Nếu tính từ ngày đầu đi học của nhà văn Thanh Tịnh (sinh 1911, đi học từ khoảng 1915-1917), "buổi mai hôm ấy" đến nay (2021) cũng đã chừng 105 năm.

Dòng Phổ Lợi và khu vực dân cư ở Phú Dương (TP. Huế)

Cung đường hiện thực

Có nhiều người cho rằng con đường đi đến trường trong truyện ngắn “Tôi đi học” là con đường hiện thực, và ngôi trường Mỹ Lý trong truyện ngắn cũng chính là ngôi trường mà Thanh Tịnh miêu tả rất thực trong bài thơ “Trường học làng tôi” ông viết năm 19 tuổi: “Trường học làng tôi ở cạnh đình / Một trường ba lớp vẻ xinh xinh / Trước trường có mấy cây đào lớn / Thường quyến lòng tôi những cảm tình / Trường tôi mặt trước ngó ra sông / Còn mặt đằng sau ngó cánh đồng...”Ngôi trường “ở cạnh đình” được nhiều người xác định là Trường tiểu học Dương Nổ nằm gần khu vực đình làng Dương Nổ hiện nay.

Rồi lại nói cung đường cậu học trò Thanh Tịnh đi học chính là con đường dọc sông Phổ Lợi từ chợ Gia Lạc (nơi nhà văn sinh ra và lớn lên), đến làng Dương Nổ. Phổ Lợi Hà, tức sông Phổ Lợi, dân gian thường gọi là sông chợ Nọ. Sông này nguyên xưa chỉ là một con ngòi nhỏ, năm Minh Mạng thứ 17, Vua cho đào tiếp và mở rộng, phía trên thông với sông cũ La Ỷ, phía dưới giáp với đường sông Diên Trường; ở hạ lưu sông Diên Trường lại cho đào thêm một đoạn thẳng đến sông cũ La Ỷ, dưới tiếp với đường sông Diên Trường chảy vào sông Hương để ra cửa biển Thuận An. Khi đào xong, vua ban cho tên sông Phổ Lợi, trên bờ sông dựng nhà bia và khắc bia đá để ghi dấu. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu Đỉnh, Vua cho khắc hình ảnh sông Phổ Lợi vào Nhân Đỉnh. Vua Thiệu Trị từng có thơ ngự chế “Quá Phổ Lợi Hà cảm tác” khắc bia dựng cạnh bờ sông…

Ngày trước, sông Phổ Lợi có dòng nước trong xanh như nước sông Hương và rất sạch. Là dòng nước sau này đã chảy vào nhiều trang văn của ông. Con sông êm đềm chảy qua những bến bờ xanh ngắt đồng lúa và lũy tre, có những con thuyền chở những cô gái làng đi lấy chồng xa trở về quê mẹ (trong truyện “Con so về nhà mẹ”, “Quê mẹ”), chở những ước vọng thầm lặng về hạnh phúc (Bến nứa), hay chở những câu hò điệu hát làm xao động lòng người (“Quê bạn”, “Tình trong câu hát”...).

Cung đường của mộng tưởng

Nhưng có người thích tưởng nghĩ cung đường từ nhà cậu học trò đến trường Mỹ Lý là cung đường mộng mơ, cung đường hư cấu về một cõi uyên nguyên trong veo thơ trẻ, như cái tên Mỹ Lý vốn đầy hư cấu và mộng tưởng.

Theo nhà phê bình Đặng Tiến:Người xưa đã từng viết: xem trong âu yếm có chiều lả lơi, nhưng không nói: mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi. Câu văn hay còn vì cách chấm câu, uyển chuyển, thong thả, nhịp điệu kéo dài, để đưa đến câu ngắn kết thúc: hôm nay tôi đi học. Câu văn còn mới mẻ ở nội dung tả tâm trạng một đứa bé, nội dung này ước lệ, đặt lý tưởng người lớn vào tâm lý, ngôn ngữ trẻ con, nhưng vẫn quý hiếm, vì nó quan tâm đến trẻ con, điều mà, xưa kia, ít thấy trong văn chương”. 

Nhịp sống nơi bến sông quê Dương Nổ

Và ông kết luận: Đoạn văn không hiện thực. Vì thời ấy trường học, và người đi học, còn ít. Trẻ con nhiều em sợ học, sợ đến trường; vì đi học… là chuyện không bình thường”. Thời xưa, học trò rất sợ đi học. Các nhà thơ Huy Cận, Thế Lữ kể lại là các ông thường trốn học, người nhà phải trói tay trói chân gánh đến lớp, mới chịu vào lớp.

Trong các tác phẩm “Quê mẹ”, người ta thấy Thanh Tịnh trở đi trở lại với một địa danh đầy ám ảnh: làng Mỹ Lý. Nhà văn Thạch Lam nhận xét, cái làng ấy không có thật trên bản đồ. Đặt cho làng một cái tên đẹp và thơ như thế, hẳn Thanh Tịnh không vô tình. Bởi ông đã chọn một góc nhìn riêng khi viết về làng quê. Các nhà văn hiện thực thời đó thường mô tả cái làng quê khốn khổ nhọc nhằn; làng trong văn của ông hiện diện dưới một ánh sáng khác: nghèo mà nhân nghĩa.

Cung đường tâm thức văn hóa

Dù con đường đến trường của cậu học trò trong “Tôi đi học” có hiện thực hay hư cấu thì luôn có một hiện hữu: cung đường của tâm thức văn hóa, dòng chảy văn hóa làng. Để hoài niệm quê nhà, Thạch Lam kể về một tỉnh lẻ, phố huyện, vừa thị thành vừa thôn quê; Hồ Dzếnh chọn một quê hương đẹp đẽ nhưng không thực; Thanh Tịnh chọn “làng”.

Ông nhìn làng mạc qua câu hát dân gian, nhiều truyện ngắn của ông được cấu trúc theo một câu ca dao, ví dụ truyện Quê Mẹ neo vào câu: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Trong ngôi làng của ông, người nghèo nhất là người đi mót lúa, nhưng họ không cùng cực, vì tình nhân nghĩa của chủ ruộng và thợ gặt: “cách gặt của họ cũng biết điều chớ không phải vơ vét hết sạch đâu. Họ còn phải để lại ít nhiều cho người nghèo nữa ”. Trên cánh đồng ấy, nếp nghĩ nhân nghĩa càng làm cho mùa màng bội thu: “Tôi đến đây mót lượng từ bi/ Mót điều nhân nghĩa chớ mót chi lúa ngài”.

Không gian của Thanh Tịnh dày đặc những biểu trưng: dòng sông, câu hát, con đò… Nhưng theo biến động thời thế, làng quê của ông cũng biến cải. Làng Mỹ Lý bị xé làm đôi bởi một cung đường sắt. Từ đó, làng bắt đầu nhịp sống giằng xé khi bị cuốn theo lực hút vô hình đến từ bên ngoài một cách không thể chống đỡ: vừa muốn vứt bỏ, vừa ra sức níu giữ những giá trị cũ.

Có người đã ví so sánh làng Mỹ Lý của Thanh Tịnh với làng Nghĩa Đô của Tô Hoài. Quả là vào những năm đầu thế kỷ XX, ngôi làng Việt Nam nào cũng có những đổi thay xao xác. Làng Nghĩa Đô thì khốn khổ vì sự thay đổi nhanh chóng của quan hệ sản xuất mới và sự xâm nhập mới của hàng hóa ngoại quốc. Làng Mỹ Lý của Thanh Tịnh thì chao đảo về mặt tinh thần: cái đẹp của làng đã và đang bị phá vỡ và mất đi...

Như hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng đang trong guồng quay chao đảo giữa bảo tồn và phát triển.

105 năm đi qua, cung đường đi học của cậu bé bên dòng Phổ Lợi năm xưa vẫn còn nhiều chuyện đáng nói…

Bài: Hồ Đăng Thanh Ngọc; Ảnh: Trúc Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chờ chinh phục đường chạy Bạch Mã

Sau thành công giải chạy đầu tiên, Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã sẽ tổ chức giải chạy tiếp theo và được nâng cự ly lên. Thông tin này không những được nhiều vận động viên chạy bộ (runner) trên địa bàn tỉnh đón nhận một cách phấn khích mà với nhiều runner ngoại tỉnh lẫn quốc tế tỏ ra hào hứng, chờ đợi. Điều gì đã cuốn hút những chân chạy ở cung đường đèo dốc này?

Chờ chinh phục đường chạy Bạch Mã
Tương lai nào cho chúng ta?

Nhà báo - nhà văn Julie Lardon phối hợp cùng Viện Pháp và NXB Kim Đồng, tổ chức workshop “Tương lai nào cho chúng ta?” tại Huế.

Tương lai nào cho chúng ta
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top