ClockThứ Năm, 22/10/2020 15:18

Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương

TTH.VN - Với tâm huyết, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của mình, nhiều đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tất cả cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Báo Thừa Thiên Huế lược ghi một số tham luận trình bày tại Đại hội.

Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh

Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh: Xây dựng TP. Huế xứng tầm đô thị hạt nhân

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy các giá trị di sản. Theo đó, cùng với việc xây dựng bộ tiêu chí và cơ chế đặc thù phát triển của tỉnh là việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Huế từ 70km2 hiện tại lên quy mô 267km2.

Việc mở rộng không chỉ về mặt quy mô, đây còn là cơ hội để thực hiện “giấc mơ Huế”, xây dựng và phát huy các giá trị di sản; là thời cơ để thành phố xác định rõ mũi nhọn và cơ cấu kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút những nhà đầu tư có thương hiệu, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập người dân.

Phát huy lợi thế đó, thời gian tới, thành phố quyết tâm tạo những đột phá mới, trong đó tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ chế, thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; tiếp tục tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại; thực hiện quyết liệt chương trình phát triển đô thị, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt giai đoạn 2 công tác giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế.

Để thực hiện thành công các mục tiêu và định hướng cơ bản xây dựng TP. Huế là đô thị hạt nhân, thành phố tiếp tục phát huy tối đa lợi thế của Cố đô, thành phố Di sản văn hóa thế giới, Thành phố Festival của Việt Nam, phát triển thành phố theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển hạ tầng lõi đô thị trung tâm; chỉnh trang hai bờ sông Hương với hướng ưu tiên các dịch vụ du lịch chất lượng cao phía bờ Nam sông Hương và trên sông Hương; nâng cấp hạ tầng một số tuyến phố và khu vực có điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, tăng thêm các tuyến phố đi bộ; kết nối không gian đi bộ bờ Nam, bờ Bắc sông Hương với Kinh thành Huế.

Quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với mở rộng địa giới TP. Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Huy động mọi nguồn lực hoàn thành việc di dời các hộ dân khu vực I Kinh thành Huế, đảm bảo sinh kế cho người dân, đồng thời phát huy giá trị di sản Huế.

Thực hiện cuộc vận động chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, các giá trị đặc trưng bản sắc - văn hóa Huế, lối sống văn minh đô thị, khơi dậy niềm tự hào về cảnh quan - môi trường, về truyền thống lịch sử. Quảng bá mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về hình ảnh của Huế, của Việt Nam gắn liền với những đặc trưng về tiềm năng di sản, du lịch, văn hóa, lịch sử, môi trường trong lành, an toàn, con người thân thiện.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chí Quang: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chí Quang

Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần tăng cường công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, về trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Quan tâm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực, lâu dài của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; chú trọng công tác phát hiện, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, thiết thực. Thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở. Thường xuyên nắm bắt thực tiễn, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, dư luận xã hội. Kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm và những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở nhằm củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Chú trọng đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nêu cao tinh thần, ý thức, thái độ hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tiếp tục nâng cao nhận thức và tạo được niềm tin tuyệt đối trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui 

Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển chung, tỉnh đang cần các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, cân đối hài hoà nhằm tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, đảm bảo nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có khả năng tự chủ, tự cân đối ngân sách địa phương.

Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành; thay đổi phương thức chuẩn bị kêu gọi đầu tư, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch; đồng thời, chủ động soát xét, xây dựng kế hoạch để khắc phục những hạn chế nhằm tạo môi trường thuận lợi, sẵn sàng cho việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án.

Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, trách nhiệm cũng như tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh; tạo môi trường hấp dẫn, lành mạnh cho các nhà đầu tư.

Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp, nhất là hệ thống nước thải tập trung; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng,...; số hoá và nâng tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng nhằm minh bạch hóa và giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng: Xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ của Việt Nam

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng

Ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của khu vực miền Trung và cả nước theo tinh thần của Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Trong đó, tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế, từng bước hình thành và hoàn chỉnh hạ tầng thiết chế Khu công nghệ cao, chuẩn bị nguồn nhân lực để quản lý, vận hành, đưa Khu Công nghệ cao sớm đi vào hoạt động. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Cùng với đó, phát triển tài sản trí tuệ gắn với khai thác tài nguyên bản địa. Ưu tiên các giải pháp phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động đăng ký, bảo hộ và khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích trên địa bàn; hỗ trợ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giống cây trồng mới;

Nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đi vào thực chất và hiệu quả, Sở KH&CN triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp, gắn hoạt động khởi nghiệp ĐMST với khởi sự kinh doanh, những ý tưởng khởi sự kinh doanh có tiềm năng được lựa chọn sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ như các dự án khởi nghiệp ĐMST. Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ĐMST hàng năm gắn với hoạt động tìm ý tưởng khởi sự kinh doanh trong các tầng lớp nhân dân. Hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, sáng chế thông qua các dự án KH&CN, tăng cường kết nối những ý tưởng sáng tạo, sáng chế từ nghiên cứu khoa học với cộng đồng doanh nghiệp, điều chỉnh hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung hơn vào doanh nghiệp từ đó hình thành các dự án khởi nghiệp khả thi.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn từ bên ngoài để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai tại doanh nghiệp; hình thành và phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN thích hợp. Hình thành tổ chức môi giới, chuyển giao công nghệ của tỉnh; tham gia mạng lưới các tổ chức môi giới công nghệ trong cả nước; tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn tỉnh giới thiệu sản phẩm KH&CN, công nghệ mới...

Thái Bình (lược ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bứt phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực

Sáng 8/12, HĐND tỉnh bước vào ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024. Hầu hết các đại biểu cho rằng, năm 2024 là năm bứt phá để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH. Do đó, cần có tư duy bứt phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đà phát triển.

Bứt phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:
Cần làm rõ những quy định về hoạt động lưu trữ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Cần làm rõ những quy định về hoạt động lưu trữ

TIN MỚI

Return to top