ClockChủ Nhật, 17/11/2019 11:35

“Cũng may, tôi đã kịp thay đổi!”

TTH - “Tôi dạy theo kiến thức, phạt học trò theo bản năng, không biết có lúc các em bị ức chế, căng thẳng. Và, tôi đã “tầm sư học đạo” nhằm thay đổi bản thân để cô, trò cùng hạnh phúc”. Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Duy (Phong Điền) mở đầu câu chuyện.

Hạnh phúc của người thầyLHQ: Giáo dục chất lượng là “trụ cột thiết yếu” để đạt mục tiêu phát triển bền vững

Cô Thúy là một trong 8 giáo viên trên toàn quốc mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta thay đổi” do VTV7 tổ chức .

Cô Thúy trong chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi"

Kỷ luật “thép” khiến giờ học nặng nề hơn

Kết nạp Đảng khi còn là sinh viên, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm, cô Thúy được phân công về giảng dạy môn toán tại Trường THCS Phong Mỹ (Phong Điền). Sau đó, cô được chuyển về dạy học tại Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền). Với lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề, cô Thúy biết cách để học sinh tập trung, nắm vững kiến thức qua các bài giảng. Lớp cô luôn dẫn đầu khối trong trường khi tất cả các phong trào, học tập và rèn luyện đều rất tốt.

Đưa các em vào khuôn khổ với nhiều kỷ luật “thép” khiến giờ học nặng nề hơn. Khi học sinh trả lời sai, cô yêu cầu đứng tại chỗ. Không thuộc bài cô yêu cầu chép phạt. Các em có nguyện vọng làm ít bài tập về nhà, cô dứt khoát bác bỏ… Cái uy quá lớn của cô Thúy khiến cho lớp học phần nào trở nên ngột ngạt, xa cách. Bọn trẻ kháo nhau, ở lớp cô Thúy, mỗi khi luật lệ đã đề ra thì không được quyền làm sai?!

Cô Thúy trải lòng: Lúc đó, tôi gặt hái nhiều thành công như luyện được nhiều học sinh giỏi đạt giải, các em học hành nghiêm túc. Nhưng, cô và trò vẫn giữ khoảng cách khi các em ít gần gũi, trò chuyện. Tôi tự an ủi, mình đã đi đúng hướng, nhưng, vẫn cảm nhận mình chưa thực sự hạnh phúc với nghề.

Nhớ lại một thời bắt học sinh thực hiện mọi chuyện phải hoàn hảo, cô Thúy ngậm ngùi: Hôm đó, tôi mời một em học sinh lên bảng làm bài tập nhưng em không làm được. Tôi hơi to tiếng: Bài dễ vậy mà em không làm được sao? Ngay lập tức tay chân em bắt đầu run lên, mặt tái… Tôi nhanh trí chuyển sang một câu hỏi rất dễ. Em đó giải được ngay và tôi khen em trước cả lớp. Sau này, tôi mới biết em bị bệnh tim rất nặng, chỉ cần một phản ứng đột ngột, hoặc căng thẳng là em có thể ngất ngay lập tức. Cũng may, tôi đã xoay chuyển tình thế kịp thời…

Trong giờ học của cô Thúy

Học để hiểu trò

Như một cơ duyên, khi nghe có chương trình truyền hình thực tế  “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” do VTV7 tổ chức, cô Thúy mạnh dạn đăng ký tham gia. Suốt 6 tháng “cơm đùm, gạo bới” ra Hà Nội học, cô nhận ra cách giảng dạy của mình lâu nay vẫn theo bản năng. Trả lời được câu hỏi tại sao mình rất cố gắng trong từng tiết dạy nhưng bản thân và cả học sinh luôn có cảm giác căng thẳng. Khi chương trình “bắt tay, chỉ việc”, hướng dẫn cặn kẽ giáo viên cách thiết kế các tiết học, cô Thúy tiếp nhận phương pháp mới để chuyển hóa chính mình, từng bước xây dựng lớp học hạnh phúc. Cô nhận ra rằng, với học sinh, cần lắng nghe nhiều hơn, lắng nghe bằng tâm chứ không phải bằng tai.

Cô Thúy trở lại trường với tâm thế mới, gần gũi với học sinh hơn. Bọn trẻ ngỡ ngàng lắm khi cô thay đổi hoàn toàn, cũng là nụ cười ấy, giọng nói ấy nhưng ấm áp vô cùng. Thế nên, chẳng cần tới những kỷ luật “thép”, cô Thúy vẫn có được sự yêu thương và kính trọng của học trò. Cô  kể rằng, tôi đã biết hóa giải những cơn tức giận, biết quan tâm đến cảm xúc của các em, xóa đi khoảng cách thầy trò. Thực chất, phương pháp giáo dục của tôi không thay đổi, đơn giản là thay đổi về tư tưởng của chính mình.

Cô Thúy nhận ra rằng, giáo viên xuất sắc là phải biết khơi gợi đam mê của học sinh, biết phát huy nội lực của trò. Học sinh học giỏi là học sinh phải có động lực tự học tập, sáng tạo và được phép sai lầm. Học sinh đến trường không phải chỉ học chữ và nhiệm vụ của giáo viên cũng không dừng lại ở truyền đạt kiến thức. Các em cần kỹ năng, cần kinh nghiệm, cần tình yêu thương để làm hành trang chuẩn bị vào đời.

Hướng dẫn theo nhóm giúp các em thoải mái hơn

Cô - trò cùng hạnh phúc

Học sinh do cô Thúy chủ nhiệm đã tìm thấy niềm vui trong lớp học của mình. Ngày nào cũng vậy, cô dành 3-5 phút để khởi động tiết học bằng câu hát, mẩu chuyện hay trò chơi và không quên kết thúc bằng nụ cười. Từ đó, trong mỗi bài học cô đã lồng ghép những giá trị tích cực, giúp học sinh có thêm kỹ năng sống. Lớp học của cô đầy ắp những tiếng cười và cách giảng dạy của cô đã thực sự truyền cảm hứng tới học sinh.

Các em trong lớp có trình độ khác nhau, không thể đánh đồng bắt các em học giỏi đều các môn. Thay vì phê bình học sinh trước lớp khiến các em xấu hổ, cô Thúy đứng cạnh để động viên, giảng giải cho các em hiểu bài. Nhiều tiết học, cô Thúy đưa học sinh vào làm trợ giảng. Cô phân công cho một nhóm học sinh bất kì, rồi sau đó các em thảo luận, lên bảng trình bày một cách rất tự nhiên. Nếu sai sót, các em tự bổ sung cho nhau. Giờ học trở nên thú vị khi không cảm thấy gò bó. Các em nhớ lâu hơn những kiến thức vừa được tiếp nhận. Giáo viên chỉ chốt lại để các em phân tích các bạn đúng và sai ở chỗ nào.

Không chỉ dạy chữ, cô Thúy còn là người bạn của học trò. Hơn lúc nào hết, bọn trẻ cần cô để tư vấn những vấn đề mà các em thường vấp ở tuổi dậy thì. Học sinh gọi cô là mẹ, với đủ thứ chuyện mà chúng muốn kể. Chúng cứ ríu ra ríu rít suốt ngày. Em thì học giỏi, nhưng ham chơi, đua đòi không chịu đến trường. Có em bố mẹ không hạnh phúc, bỏ bê con cái khiến các em mất phương hướng. Em lại hoang mang, lo lắng trước các tệ nạn xã hội đang vây quanh… Thương hơn cả, là một cậu học sinh mồ côi nằng nặc xin nhận cô giáo của mình làm mẹ. Chẳng biết từ lúc nào, cô Thúy trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý của bọn trẻ với bao chuyện cần gỡ rối.

Tạm hài lòng khi đã đồng cảm với học trò, cô giáo sinh năm 1985 mở lòng: Tôi đang theo học lớp thạc sĩ lý luận và phương pháp dạy học. Tấm bằng này đơn giản chỉ muốn gần gũi, hiểu học trò của mình hơn sau khi được trang bị kiến thức chuyên sâu về tâm lý học.

Năm 2018, cô Thúy được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo khi xuất sắc tham gia thực hiện dự án sản xuất chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” phát trên kênh VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam; dạy học theo hướng mới phát triển năng lực của học sinh, và xây dựng lớp học hạnh phúc theo định hướng của bộ. Cô Thúy là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2018 - 2019.

Bài: HUẾ THU - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Học trò “săn” giải quốc tế

Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

Học trò “săn” giải quốc tế
Return to top