ClockThứ Năm, 10/03/2016 06:01

Cùng “xắn tay” vào cuộc

TTH - Khi nỗi lo ăn gì, uống gì cũng sợ bị độc thì hai chữ “an toàn” trở thành “thương hiệu” của sản phẩm và mối quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có được những sản phẩm an toàn đòi hỏi nhiều công sức, từ khâu sản xuất đến việc tiêu thụ.

Người nông dân vốn có bản tính chân chất. Trước đây họ sản xuất chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình, dư thừa thì đem ra chợ bán. Họ sản xuất để sử dụng như thế nào thì nông sản đem bán chất lượng cũng tương tự như vậy, thậm chí hàng tươi ngon để dành bán cho được giá. Khách hàng của họ cũng chẳng ai xa lạ. Đó là bà con chòm xóm, người trong thôn, xã nên chẳng lỡ và cũng chẳng dám dối lừa nhau. 

Bây giờ đã khác, kinh tế thị trường phát triển, người nông dân đã biết chuyên canh, gối vụ, sản xuất nông sản hàng hóa. Đã có nhiều nông hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất thành công các mặt hàng nông đặc sản chất lượng cao, được thị trường tín nhiệm. Nhưng cũng đáng tiếc, không ít trường hợp làm ăn gian dối, chạy theo lợi nhuận mà bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng. Chẳng thế mà có chuyện, rau nhà trồng không ăn mà chỉ để bán; hoặc luống rau trồng để ăn khác, luống để bán khác. Chưa cần kiểm định cũng đủ biết độ an toàn của sản phẩm như thế nào. Chính vì vậy, thị trường rối lên, thật- giả, tốt- xấu lẫn lộn. Người tiêu dùng cứ nơm nớp khi mua sắm, nhẹ thì bị “móc túi”, tiền thật- hàng giả, nặng thì rước họa vào thân, nguy hiểm đến tính mạng do bị ngộ độc. Thực tế không ít vụ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn gia đình đến bếp ăn tập thể đã xảy ra.

Nhu cầu nông sản sạch hiện rất lớn và là xu hướng phát triển chung trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và nông hộ đã chú trọng hơn chất lượng nông sản. Các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn, sản xuất rau an toàn ngày càng phát triển và được người tiêu dùng đón nhận. Tổng quan là vậy, nhưng để cung và cầu gặp nhau vẫn còn không ít trở ngại, cần có sự “xắn tay” vào cuộc nghiêm túc từ nhiều phía.

Trước hết với người sản xuất, để có sản phẩm an toàn cần phải thực hiện đúng các quy trình, hướng dẫn sản xuất an toàn. Nhưng thực tế đây là việc làm không dễ bởi nhiều lý do khác nhau, như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, yêu cầu vốn đầu tư lớn, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế. Cũng có trường hợp mạnh dạn đầu tư sản xuất theo mô hình trang trại, nhưng lại tự học, tự làm, tự quảng bá theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, chứ không làm một cách bài bản để đăng ký thương hiệu sản phẩm của mình. Sản phẩm sạch mà không có chứng nhận thì khó thuyết phục người tiêu dùng nên tiêu thụ cũng gặp khó.

Khâu thứ hai là thu mua, phân phối. Đây là cầu nối quan trọng giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Nếu sản xuất quy mô nhỏ người nông dân có thể tự tiêu thụ, nhưng sản xuất quy mô hàng hóa không thể chỉ trông chờ vào “chợ làng”, mà cần thị trường rộng hơn. Chính vì vậy cần phải có các nhà phân phối “chuyên nghiệp” để thu mua, sơ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Lâu nay khâu này thường do các doanh nghiệp hoặc HTX đứng ra đảm nhận, nhưng cũng có những “lùm xùm” về trách nhiệm, quyền lợi giữa hai nhà này. Để việc liên kết giữa hai nhà này hiệu quả, mô hình HTX xem ra hướng đi khá phù hợp. Các HTX hiện có mặt ở hầu hết các vùng nông thôn; người nông dân và lãnh đạo HTX chẳng lạ nhau, thậm chí còn có sự gắn kết cộng đồng nên hiểu nhau, rất thuận lợi cho việc xây dựng mối liên kết. Hơn nữa, với việc chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012, các HTX không chỉ làm dịch vụ đầu vào cho xã viên mà còn tổ chức tốt dịch vụ đầu ra cho xã viên mới có thể cạnh tranh được với các cửa hàng dịch vụ ở thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều không kém quan trọng, với việc thành lập các HTX sẽ tạo  được vùng nguyên liệu lớn, thuận lợi cho việc áp dụng khoa học công nghệ cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Ở góc độ thị trường, người tiêu dùng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành thị trường sản phẩm sạch. Thực tế hiện nay, thói quen tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ nông sản hiện vẫn chưa phổ biến. Đa phần người tiêu dùng chỉ đánh giá, chọn mua sản phẩm bằng cảm quan, sự tiện lợi chứ ít ai chịu khó tìm hiểu, tìm mua nông sản sạch. Thậm chí khi thấy nông sản sạch hình thức chưa bắt mắt, giá nhỉnh hơn thế là họ quay lưng. Chính điều này góp phần “bóp chết” nông sản sạch, an toàn.

Để “tiếp sức” cho sản phẩm sạch, hướng đến nền sản xuất sạch, nếu để người nông nông tự xoay xở sẽ khó vượt qua, nên rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, nhà khoa học để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, khoa học kỹ thuật, kết nối giữa cung- cầu…

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chống thất thu thuế trong lĩnh vực ăn uống

Việc các cửa hàng ăn uống dù niêm yết giá đã tính thuế, hoặc tính thêm thuế VAT khi thanh toán nhưng không chủ động xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế (hóa đơn) cho khách hàng cá nhân đang gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Chống thất thu thuế trong lĩnh vực ăn uống
Hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền trong lĩnh vực ăn uống:
Tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh

Cùng với thúc đẩy việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán trong lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế còn tập trung đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với cơ sở ăn uống, tạo cú hích trong thúc đẩy hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho các lĩnh vực khác.

Tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh
Công bố sản phẩm ổi VietGap Hương Xuân

Chiều 29/11, Thị đoàn Hương Trà phối hợp với UBND phường Hương Xuân tổ chức lễ công bố sản phẩm ổi VietGap Hương Xuân và triển khai hội nghị đầu bờ thuộc dự án Khoa học công nghệ về xây dựng mô hình VietGap và hoàn thiện sản phẩm ổi Hương Xuân.

Công bố sản phẩm ổi VietGap Hương Xuân
“Hè này đi Huế”

Dù hẹn là vậy nhưng bạn đã “lật kèo” đến Huế sớm hơn, chỉ vì: Nhớ quá!

“Hè này đi Huế”
Return to top