ClockThứ Năm, 23/06/2016 08:10

Cuộc bỏ phiếu quyết định vận mệnh của Anh & EU

TTH - Ngày 23/6 này, người dân Anh chính thức tham gia cuộc trưng cầu dân ý về quyết định có tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay không. Quyết định này không chỉ tác động đến 500 triệu dân trong khối EU, toàn bộ khu vực châu Âu mà còn nhiều quốc gia và tổ chức khác trên thế giới.

Những người dân ủng hộ “Brexit” tại thủ đô London, Anh hôm 22/6 . Ảnh: AFP

Những người Anh ủng hộ “Brexit” (thuật ngữ ghép từ 2 từ “Britain”-nước Anh và “exit”-rời khỏi, chỉ khả năng Anh rời khỏi EU) cho rằng, việc EU ban hành quá nhiều luật lệ và can thiệp quá sâu vào công việc của các nước thành viên sẽ kìm hãm sự phát triển của Anh. Bên cạnh đó, phe “đi” cũng muốn Anh nắm quyền kiểm soát biên giới và hạn chế dòng người từ các nước thành viên khác nhập cư vào Anh để sống, làm việc hay hưởng những chế độ an sinh xã hội của nước này.

Ngược lại, phe “ở” khẳng định, London được hưởng nhiều lợi ích khi tiếp tục là một thành viên của EU, nhất là lợi ích từ hoạt động thương mại với các nước trong khối. Phủ định quan điểm của phe “đi” về vấn đề người nhập cư, phe “ở” cho rằng, chính người nhập cư sẽ giúp nước này duy trì sự phát triển kinh tế, bởi đa số những người này đang trong độ tuổi lao động và họ muốn đến Anh để làm việc.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Anh

Đứng trước vấn đề “Brexit”, Chính phủ Anh liên tục nỗ lực để thuyết phục người dân ở lại EU. Trong bối cảnh những nỗ lực cuối cùng được thực hiện nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri trước thềm cuộc bỏ phiếu lịch sử, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, London sẽ không còn “đường lùi” nếu cử tri bỏ phiếu ủng hộ “Brexit”. Theo ông Cameron, nếu nước này rời khỏi khối, nền kinh tế Anh sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, sẽ mất hết quyền tiếp cận thương mại tự do trong khối, tạo ra các khoảng trống ngân sách, dẫn đến việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. 

Trong bài phát biểu bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh chiều 21/6, ông Cameron bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng, Vương quốc Anh sẽ an toàn, vững mạnh và thịnh vượng hơn khi tiếp tục ở trong EU. Ông Cameron nói thêm: “Trong những tình huống khó khăn, chúng ta có thể hợp tác tốt hơn với bạn bè và các nước láng giềng, chúng ta có thể chia sẻ thông tin và truy lùng những kẻ khủng bố”.

Thủ tướng Anh cũng nói rằng, ở lại EU đồng nghĩa với việc London có vai trò thủ lĩnh cao hơn trong các chính sách đối ngoại, cũng như trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, giữ vững vị thế của đất nước trong các vấn đề toàn cầu.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 20/6 cảnh báo các cử tri nước này rằng, lựa chọn ở lại hay rút khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định vận mệnh của đất nước sẽ là sự lựa chọn “không thể thay đổi”; đồng thời cảnh báo: “Nếu chúng ta rời khỏi EU, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở lại khối, ngoại trừ việc chấp nhận các điều khoản khó khăn như tham gia vào khu vực đồng tiền chung châu Âu, hay tham gia Hiệp ước Schengen. Đây sẽ là quyết định rất quan trọng”.

Tại sao “Brexit” thu hút nhiều sự quan tâm?

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Anh rời khỏi EU sẽ phá vỡ trật tự ổn định của châu Âu, khiến cả EU và Anh rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương.

Ngày 21/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo, việc bỏ phiếu ủng hộ “Brexit” là “hành động tự hại”, có nguy cơ phá hủy mọi thành quả mà người dân châu Âu đã cùng nhau nỗ lực để đạt được.

Nguy hiểm hơn là, kịch bản “Brexit” nếu xảy ra có thể sẽ tạo nên hiệu ứng “domino” trong EU; bởi Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka từng tuyên bố, nếu Anh rời khỏi EU, Séc cũng sẽ thảo luận về việc rút khỏi liên minh này. Thêm vào đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng cảnh báo nguy cơ EU tan rã nếu “Brexit” trở thành hiện thực.

Tờ CNN số ra ngày 22/6 cho hay, London là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Một cuộc suy thoái tại nước này sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện đang yếu kém. Thậm chí, cuộc suy thoái này còn tạo nên một cú sốc đối với châu Âu, khu vực đang phải vật lộn với một nền kinh tế mong manh, tỷ lệ thất nghiệp cao và đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

“Brexit” không chỉ dấy lên mối lo ngại bên trong châu Âu, mà còn ở bên ngoài khu vực, điển hình là Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi họ tin rằng, việc London rời khỏi EU sẽ làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây, cũng như những quyết tâm để giải quyết các thách thức an ninh mà thế giới hiện đang phải đối mặt.

Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng nhận định, “Brexit” sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cả Vương quốc Anh, châu Âu và toàn thế giới.

Cuộc đua đến hồi gay cấn

Cuộc đua giữa hai phe ủng hộ và phản đối “Brexit” càng đến gần ngày quyết định càng trở nên gây cấn. Theo kết quả thăm dò mới nhất do hãng IG công bố tối 21/6, phong trào vận động Anh ở lại EU thu hút 45% cử tri ủng hộ, trong khi phe ủng hộ “Brexit” dẫn sau 1 điểm so với phe phản đối là 44%.

Được biết, tỷ lệ ủng hộ và phản đối liên tục thay đổi và hầu như không có sự chênh lệch đáng kể trong suốt thời gian vừa qua.

Số liệu thống kê mới nhất của Ủy ban giám sát cuộc trưng cầu dân ý cho biết, gần 46,5 triệu cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, lập mức kỷ lục mới về số người tham gia trong một cuộc bỏ phiếu tại “xứ sở sương mù”.

Các điểm bỏ phiếu sẽ chính thức mở cửa từ 7h-22h và kết quả dự kiến được công bố vào sáng 24/6 (giờ địa phương).

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Reuters, IBT, CNN & CNBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại

Liên minh châu Âu (EU) và Philippines ngày 18/3 cho biết, họ sẽ nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, trong bối cảnh EU tìm cách nắm bắt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của khu vực châu Á và tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng.

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB):
Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU

Trong một thế giới mà các khoảng cách ngày càng thu hẹp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho sức mạnh của hội nhập kinh tế và xã hội. Hội nhập kinh tế ở khu vực này "hiện đang được xếp hạng gần" với Liên minh châu Âu (EU) về chuỗi giá trị khu vực và hội nhập xã hội, theo một báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 26/2.

Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ: Các nhà bán lẻ yêu cầu EU hành động nhiều hơn

Tổ chức thương mại đại diện cho các doanh nghiệp bán sỉ và bán lẻ trên toàn Liên minh châu Âu (EuroCommerce) vừa lên tiếng kêu gọi các tổ chức và quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) giải quyết cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động thương mại. Đồng thời, trong một lá thư gửi đến Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ, EuroCommerce cho biết, cuộc khủng hoảng này đã gây ra “những tác động to lớn” đến các doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ Các nhà bán lẻ yêu cầu EU hành động nhiều hơn
Return to top