ClockThứ Năm, 20/08/2015 17:37

Cuộc cách mạng hợp lòng dân

TTH - Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam đã được thực hiện như một điều tất yếu hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận của đông đảo Nhân dân. Vì lẽ đó, chính quyền cách mạng của Nhân dân đã được Nhân dân đoàn kết bảo vệ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã bùng nổ và thành công đúng thời cơ lịch sử. Nhân dân Việt Nam đã giành lại được độc lập dân tộc của mình và Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời nằm ngoài mọi tính toán của những kẻ theo chủ nghĩa thực dân ở Pháp.

Ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Tư liệu

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một cuộc cách mạng Nhân dân. Đó là cuộc cách mạng của Nhân dân, do Nhân dân tiến hành để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, đem lại quyền làm người cho mỗi người dân. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, Nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều hy sinh để đạt đến thắng lợi cuối cùng. Với lực lượng đông đảo được một đảng cộng sản chân chính tập hợp và rèn luyện qua nhiều phong trào đấu tranh, với một lãnh tụ dẫn đường xuất sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Có một điều chúng ta đáng mừng là cách mạng Việt Nam đã có một ưu điểm so với cách mạng các nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”. Chính quyền mới đã trực tiếp mang lại những quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền mà Nhân dân Việt Nam chưa từng được hưởng: Bãi bỏ thuế thân (ngày 7/9/1945), bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải trả tiền (ngày 8/9/1945), quy định thể lệ Tổng tuyển cử (ngày 17/10/1945), giảm tô 25% (ngày 20/11/1945), giảm 20% thuế điền (ngày 20/11/1945).

Tuy vậy, Chính quyền cách mạng ra đời “không đồng minh, không tiền, hầu như không vũ khí” - như nhận xét của Pignon - cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp D’Acgienlieu tại Đông Dương. Ngay từ khi mới ra đời, nạn đói, nạn dốt, tài chính kiệt quệ cùng với nạn ngoại xâm đã đặt vận mệnh của Chính quyền cách mạng và độc lập dân tộc trước nguy cơ Còn - Mất. Nhưng Chính phủ cách mạng thu hút được sự ủng hộ của toàn dân, được toàn dân bảo vệ vì nó hợp với lòng dân. Ông Caput (Bí thư Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ) trong thư gửi Cao ủy D’ Acgienlieu ngày 8/12/1945 đã thừa nhận rằng: Chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh và Việt Minh là có đủ tư cách đại diện cho dân tộc Việt Nam, “họ vẫn là những người có khả năng hơn cả để lôi cuốn được mọi người”. Sau cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành Chính phủ hợp hiến, do dân bầu, bao gồm nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam.

Trong những năm tháng vận mệnh dân tộc trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết đã trở thành khẩu hiệu đoàn kết, tập hợp khối lực lượng quần chúng to lớn ủng hộ Chính phủ cách mạng. Khối đại đoàn kết toàn dân được xây dựng rộng rãi đã phát huy sức mạnh to lớn. Kể cả những người không cộng sản, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, những người đã từng làm việc dưới chế độ cũ, những người thuộc giới quan lại, hoàng tộc phong kiến, cả những người tưởng như đã nằm dưới đáy của xã hội xưa v.v... Tất cả đều hướng về cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc và bằng cách này hay cách khác, đóng góp phần mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng thành công Chính quyền cách mạng.

Tối ngày 2/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ kỷ niệm Quốc khánh lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức. Trong buổi lễ đặc biệt đó, Người xúc động nói: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể Nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình”. Bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự cường để xây dựng và bảo vệ Chính quyền cách mạng từ những năm tháng hào hùng đó vẫn mang nhiều giá trị.

Nhà nghiên cứu Nhật Bản Imai Akio, trong tham luận khoa học “Tư tưởng mệnh trời” của mình, tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất (7/1998) đã nêu nhận xét: “Một điều rõ ràng là cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là cuộc cách mạng trí thức đã khai sinh một ý nghĩa mới của “mệnh trời”. Chúng ta đồng ý với Imai Akio khi ông diễn đạt bằng khái niệm “mệnh trời” về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam đã được thực hiện như một điều tất yếu hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận của đông đảo Nhân dân. Và cũng có thể bổ sung rằng: Sau này, hơn thế nữa, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập, tổ chức và rèn luyện đã làm cho tư tưởng mệnh trời mang những nội dung của một xã hội tươi đẹp trong tương lai, và việc xây dựng nó là hợp với quy luật tiến lên của xã hội loài người. Cuộc đổi thay này ở Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 8/1945.

TS Ngô Vương Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 25/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do UVTW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ băn Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn
Return to top