ClockThứ Sáu, 17/09/2021 22:52

Chống dịch COVID-19: "Cuộc chiến thầm lặng" của người lính

 

 
 

Những ngày cả nước căng mình chống dịch cũng là thời điểm Huế phải gồng mình với việc đảm bảo an toàn, tuyệt đối vừa kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng song song với đó phải đảm bảo tiếp nhận, đón hàng chục ngàn người dân từ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hồi hương. Cùng với nhiều lực lượng khác, dấu ấn và vai trò của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trong “trận chiến” này rất rõ ràng, bởi lẽ: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra”.

 

 

Thượng tá Ngô Nam Cường - UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh vừa xúc động, vừa quả quyết: “Chỗ nào có người dân trở về, chỗ đó sẽ có khu cách ly!”. Đúng như lời Thượng tá Cường, những ngày đợt dịch thứ 4 bùng phát vào tháng 7/2021, dòng người từ miền Nam trở về ngày càng đông. Thêm một lần nữa, bộ đội phải thay màu áo xanh quen thuộc của người lính sang bộ áo xanh bảo hộ y tế để xông pha nơi tuyến đầu. Nhưng dù có màu áo nào đi chăng nữa, người lính vẫn hướng về dân, lo cho dân, phục vụ cho dân.

 

Cán bộ, chiến sĩ quân đội thay màu áo lính sang màu áo xanh bảo hộ để làm nhiệm vụ trong các khu cách ly, lo cho người dân từ phương Nam trở về từ bữa ăn đến giấc ngủ

 

Cùng với các lực lượng khác, những chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh được tăng cường về nhận nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế. Lăng Cô một thị trấn của huyện Phú Lộc - phía Bắc của đèo Hải Vân, nơi hàng ngàn chiếc xe máy, xe tải nối đuôi nhau đổ xuống đông lên theo từng giờ. Lúc bấy giờ, tất cả nhân lực ở chốt kiểm soát y tế ở Lăng Cô túc trực 24/24h, căng mình kiểm soát, tiến hành làm các thủ tục hành chính, cho đến y tế để đến đón người dân Thừa Thiên Huế, trở về cách ly.

 
 

Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã lên đường làm nhiệm vụ. Cùng với đó, nhiều trạm tiếp đón được thiết lập cấp tốc để phục vụ việc phòng chống dịch

 

Có ngày, dưới cái nắng rát mặt, bên ngoài trời nhiệt độ đo được lên tới 40 độ, những chiến sĩ quân đội trong bộ trang phục bảo hộ y tế đầm đìa mồ hôi vẫn thực hiện nhiệm vụ không quản ngày đêm. “Việc này vì chính sự an toàn của chính bà con từ xa về nhưng cũng vì sự an toàn của bà con ngay tại quê hương. Trên hết cũng là vì bà con, vì người dân của mình. Hiểu được điều đó, bà con từ các vùng có dịch về đã rất thông cảm, hiểu cho chúng tôi” – Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyến, trợ lý Chính trị, Ban CHQS huyện Phú Lộc bộc bạch.

Có mặt trong dòng người hối hả trở về từ thành phố Hồ Chí Minh, sau khi làm thủ tục khai báo y tế tại chốt kiểm soát xong, anh Cái Văn Thái (quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc) cho biết, sau nhiều ngày chạy xe mới về được đến quê hương nên rất vui. “Vui hơn khi vào làm thủ tục tại điểm chốt, các anh chị quân đội, công an, y tế ở đây rất nhiệt tình, gần gũi, vừa thăm hỏi, động viên vừa hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục chu đáo làm chúng tôi rất an tâm...”, anh Thái nói.

 

 

Cùng thời điểm, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh, cho đến các Ban CHQS các huyện, thị, thành; Ban CHQS các xã, phường, thị trấn cũng được điều động đến nhận nhiệm vụ tại các khung, khu cách ly trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình cấp bách, nhiều chiến sĩ khi nhận nhiệm vụ chưa kịp ăn cơm, không kịp một cuộc điện thoại để báo về cho gia đình, vợ con.

 

Lãnh đạo tỉnh cùng Bộ CHQS tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các lực lượng nói chung và lực lượng quân sự nói riêng với tinh thần lo cho dân, hướng về dân

 

Thiếu tá Phan Chí Thanh, trợ lý Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự tỉnh không quên giây phút nhận được lệnh về làm Chính trị viên khung cách ly T6 Kí túc xá Trường Bia. Đó là vào chiều tối 24/7.

“Nhận lệnh ngay chiều tối, ngay trong đêm lại nhận được tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ CHQS tỉnh truyền tin về rằng khu cách ly sẽ đón công dân. 22h, những chuyến xe chở công dân từ trạm kiểm soát ở Phú Lộc phanh kít trước mặt khu cách ly – Thiếu tá Thanh nhớ lại, rồi kể tiếp – Ngay khi bố trí phòng nghỉ ngơi, suất ăn cho công dân đoàn xe này xong, chưa kịp nghỉ lấy sức thì chuyến xe khác đã chờ sẵn trước cổng. Cứ thế, hơn bốn ngày ròng rã, gồng hết sức, anh em chúng tôi đã tiếp nhận và bố trí cách ly cho gần 2.500 công dân”.

 

Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thường trực dân quân tự vệ được huy động vận hành các khu cách ly. Lực lượng này đảm nhận hầu hết các khâu một cách khép kín bên trong các khu cách ly

 

Trước đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng có mặt cũng đã khẩn trương, “thần tốc” với các phần việc chuẩn bị. Chỉ trong chốc lát, 10 tòa nhà 5 tầng của khu Kí túc xá Trường Bia nhanh chóng được dọn dẹp sạch sẽ. Người về cách ly nhận phòng chỉ cần ngã lưng, tựa xuống giường sau chuỗi hành trình di chuyển mệt mỏi.

Cũng như Thiếu tá Thanh, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) – bếp trưởng Trương Ngọc Phú (nhân viên nhà khách Điện Biên thuộc Phòng Hậu cần) tất bật từ sáng đến tối, lo từng suất ăn đảm bảo chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng cho người về cách ly. Đại úy Phú nói: “Anh em cán bộ chiến sĩ bắt đầu ngày mới lúc 3h sáng, và kết thúc vào 9h đêm”. Không chỉ có phần ăn cho người có sức khoẻ bình thường, bếp còn phải lo những phần ăn đặc biệt, đó là những suất cháo dành cho các em bé, những người lớn tuổi.

 

Bên cạnh việc đảm bảo chống dịch và cách ly an toàn, lực lượng quân đội còn đảm nhận phần ăn uống sao cho đầy đủ dinh dưỡng, hài lòng bà con

 

“Vất vả là điều không kể hết. Nhưng đó là trách nhiệm. Và trên hết đó là tình yêu thương mà chúng tôi luôn hướng về bà con. Họ như những người thân trong gia đình, như những người cha, người mẹ, người anh em của chúng tôi”, Đại uý QNCN Trương Ngọc Phú trải lòng.

 

Vì lo cho dân, lo cho bà con ở xa về cách ly, có hàng trăm cán bộ chiến sĩ nhiều tháng liền không về nhà, không được ngồi bên mâm cơm với gia đình thân yêu. Nếu bà con cách ly xem các chiến sĩ là hậu phương vững chắc, thì ngược lại những chiến sĩ xem gia đình mình là hậu phương, động viên họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh còn tăng cường nhân lực cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh làm nhiệm vụ chống dịch ở các chốt tuyến biên giới, giáp với nước bạn Lào

 

Đại úy QNCN Cao Ngọc Hà, Nhân viên Quân khí, Ban CHQS huyện Phong Điền chia sẻ: “Hơn 4 tháng qua, anh em chưa có một ngày được nghỉ ngơi, hết tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt, khu phong tỏa, lại tham gia phục vụ tại các khu cách ly công dân. Vì sức khỏe của nhân dân và sự bình yên quê hương, Đất nước, dù khó khăn vất vả đến mấy cũng sẽ vượt qua…”

Khó có ngôn ngữ nào nói hết được sự gian truân, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh cũng như gia đình người thân của họ. Họ cứ thế, âm thầm, lặng lẽ đi về phía người dân.

Anh Đỗ Văn Phú, (quê TP. Huế), cách ly tại khu cách ly T9 - Trường Đại học Kinh tế chia sẻ: “Ở trong khu cách ly, các đồng chí bộ đội và y tế chăm sóc chúng tôi rất tốt; cảm ơn các anh bộ đội đã chăm sóc chúng tôi rất tốt từng bữa ăn hàng ngày, tôi chẳng biết nói gì thêm, xin cảm ơn tất cả.”

 

 

 

Thượng tá Ngô Nam Cường nhớ lại, đợt dịch thứ 4 bùng phát được xem là đợt dịch phức tạp, nguy hiểm. Ngay trong chiều 17/7, sau cuộc họp cấp tốc về phòng chống dịch, Thượng tá Cường đã tức tốc lên đường để kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị các khu cách ly trên địa bàn tỉnh. Đánh giá được tình hình, nắm chính xác thông tin nên trên đường đi Thượng tá Cường đã liên tục chỉ đạo các lực lượng một cách rốt ráo, khẩn trương.

 

 

Ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh khẳng định, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, vai trò của Bộ CHQS tỉnh đã được thể hiện hết sức rõ nét và hiệu quả.

 

 

 

 

 

 

Nội dung: Trương Viết Hải - Lê Văn Lĩnh - Lê Văn Sáu

Hình ảnh: Lê Sáu - Trần Tình - Quang Đạo - CTV

Thiết kế: Nguyễn Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa

Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8 Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết

Gần đây, Đông Nam Á ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, với hàng trăm ca tử vong. Chính phủ Singapore, Malaysia và Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp như thả muỗi mang vi khuẩn đặc biệt nhằm giảm số lượng muỗi mang virus gây bệnh, cùng với hàng loạt nỗ lực của cộng đồng nhằm giải quyết bệnh sốt xuất huyết. Nhưng với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, những biện pháp này hiệu quả đến mức nào?

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết
Return to top