ClockThứ Hai, 17/11/2014 09:57

Cuộc đua phát hành thẻ tín dụng

TTH - Sau cuộc đua về chỉ tiêu tín dụng, lãi suất, nhiều ngân hàng trên địa bàn còn chạy chung đường đua về phát hành thẻ tín dụng.

Huy động các mối quan hệ

Một người quen làm ở một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) trên địa bàn, mới đây gọi điện hỏi về nhu cầu làm thẻ ATM, tôi trả lời đã có 3 thẻ của 3 ngân hàng khác nhau, nhưng vì nể bạn, với lời giải thích: “Thêm một cái nữa cũng chẳng mất gì” nên tôi đồng ý. Một tuần sau, bạn mang thẻ đến tận nhà, từ chối nhận phí với lý do đã đóng hộ. Đổi lại tôi có nhiệm vụ giới thiệu người thân, bạn bè có nhu cầu làm thẻ ATM cho bạn, cùng lời than: “Dạo này chỉ tiêu giao nhiều quá, nếu cuối năm không phát hành đủ lượng thẻ đã giao sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Tiền thưởng, Tết có khả năng bị ảnh hưởng”.
Khách hàng sử dụng thẻ ATM để giao dịch đã trỡ nên phổ biến
Vì chỉ tiêu phát hành thẻ tín dụng nên nhiều nhân viên ngân hàng TMCP phải huy động các mối quan hệ, nhờ người thân quen giới thiệu, đến các trường học, cơ quan, công sở, nơi công cộng để mời chào làm thẻ ATM. Theo cán bộ phòng thẻ của một ngân hàng TMCP trên địa bàn, hàng tháng mỗi nhân viên được giao chỉ tiêu phát hành từ 20-30 thẻ. Các phòng khác thì thấp hơn, nhưng cũng không dưới 10 thẻ.
Cách đây không lâu, tại một hội chợ được tổ chức trên địa bàn, nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) Chi nhánh Huế đến đây đặt quầy để phát hành thẻ ATM. Để thu hút khách hàng, thay vì phải có số dư duy trì phí như nhiều ngân hàng là 50 ngàn đồng, thì ngân hàng này chỉ quy định là 20 ngàn đồng. Sau đó, khi phối hợp với hội phụ nữ các phường triển khai cho vay tín chấp, DongABank còn phát hành thẻ miễn phí cho tất cả những người có hợp đồng vay vốn với số dư duy trì thẻ bằng 0. Ngoài ra, nhân viên DongABank còn đến nhiều cơ quan, đơn vị mời chào làm thẻ ATM.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Thừa Thiên Huế có cách làm khác là vào khai giảng các năm học mới, nhân viên phát hành thẻ ATM đến một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cùng phối hợp làm thẻ sinh viên chung với thẻ ATM. Nói nôm na dễ hiểu là hai trong một. Tức là thay vì làm một lúc hai thẻ vừa sinh viên vừa ATM, thì sinh viên chỉ cần nộp ảnh điền đầy đủ thông tin, sẽ được ngân hàng làm chung 1 thẻ có cả mã vạch, mã sinh viên, có thể dùng để đi thi, mượn sách thư viện, vừa có thể rút tiền, chuyển tiền và sử dụng tất cả các tính năng khác của thẻ ATM. Theo ông Phạm Nguyên Hòa, nhân viên Phòng Bán lẻ của Vietinbank Chi nhánh tỉnh, cách làm này vừa giúp các trường tiết kiệm được một khoản chi phí làm thẻ cho sinh viên, vừa giúp ngân hàng có thêm khách hàng sử dụng thẻ ATM.
Một số ngân hàng TMCP khác thì tìm đến các khu công nghiệp, nơi có nhiều công nhân hoặc tìm các công ty mới thành lập... không ngoài mục đích tăng số lượng phát hành thẻ ATM.
 
Khó quản
Toàn tỉnh có 214 máy ATM, với khoảng hơn 969.000 thẻ ATM đang lưu hành. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, dù việc vận hành các máy ATM, gồm tiền điện, thuê mặt bằng, đường truyền khá tốn kém, thấp nhất cũng vài triệu đồng/tháng, song các ngân hàng TMCP hoàn toàn có thể lấy thu bù chi từ số dư của thẻ ATM. Do đó, mới xảy ra tình trạng các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ tín dụng.
Nhiều khách hàng cho rằng, dù có nhiều thẻ ATM, song họ chỉ sử dụng những thẻ mà ngân hàng có dịch vụ tốt nhất, trong đó quan trọng nhất vẫn là các máy ATM. Tuy thói quen sử dụng thẻ ATM đã hình thành ở một bộ phận người dân và chủ yếu là CB-CNV-LĐ của các cơ quan, đơn vị, công ty có chuyển lương qua thẻ ATM, song hầu như chỉ để rút tiền lương, thưởng. Sinh viên, học sinh dùng ATM để rút tiền do bố mẹ, người thân gửi hàng tháng để chi tiêu. Các dịch vụ khác như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, internet... còn ít người dùng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà ở phường Phú Hội cho hay, bản thân chị có 4 thẻ ATM, song chị hầu như chỉ sử dụng thẻ ATM của Vietinbank để giao dịch, mà chủ yếu là rút lương hàng tháng, mỗi tháng nhiều lắm cũng chỉ sử dụng 3 lần. Các thẻ ATM thi thoảng mới sử dụng, khi có người thân, bạn bè ở xa chuyển tiền vào tài khoản. Lý do chị làm nhiều thẻ ATM là để khi người thân ở xa chuyển tiền sẽ đỡ tốn phí vì cùng hệ thống ngân hàng. Chị Thu Hà cũng cho biết thêm, trước đây cơ quan chị chuyển lương qua một ngân hàng ở chi nhánh tỉnh, nhưng do các máy ATM của ngân hàng này luôn đông khách, nhất là học sinh - sinh viên, phải chờ đợi lâu nên CB-CNV kiến nghị cơ quan chuyển lương qua ngân hàng khác.
Để đảm bảo các máy ATM luôn vận hành thông suốt, phục vụ nhu cầu của khách hàng, gần đây, nhiều ngân hàng bố trí nhân viên kỹ thuật kịp thời sửa chữa khi máy có sự cố, không để máy ATM ngừng hoạt động nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế Lê Việt Sỹ thông tin, hầu hết các máy ATM của các ngân hàng TMCP đều hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Ngoài chủ trương của Nhà nước, thì việc sử dụng thẻ ATM trong giao dịch là xu hướng tất yếu ở tất cả các nước đang phát triển. Do đó, các ngân hàng chạy đua phát hành thẻ ATM về mặt tích cực là phù hợp với xu hướng này.
 
Bài, ảnh: Linh Đan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Return to top