Thể thao trong nước

Cuộc hạnh ngộ trên sân Tự Do

ClockChủ Nhật, 21/01/2018 07:14
TTH - Những danh thủ của bóng đá Việt Nam một thời và cả những cựu cầu thủ bóng đá ít người biết đến đã có chung niềm vui hạnh ngộ trên sân Tự Do - Huế vào chiều thứ bảy (6/1) tại Festival bóng đá Huế - Sài Gòn - Hà Nội...

Chuyện chưa kể về ông thầy đá cầu HuếNối dài mạch bất bại, CLB Bóng đá Huế tạm thời đứng đầu bảngCLB Bóng đá Huế vươn lên đầu bảng xếp hạng

Một pha không chiến trận lão tướng Huế - lão tướng Sài Gòn

Vang bóng một thời

Những người yêu bóng đá Việt Nam thập niên 1980 của thế kỷ trước chắc chắn sẽ nhớ tiền đạo số 10 của đội bóng CLB Quân đội: danh thủ Nguyễn Cao Cường. Với thể hình lý tưởng so với những cầu thủ cùng thế hệ, ông là tiền đạo số 1 của bóng đá Việt Nam thời đó. Có thể nói, với tài năng và tính cách của mình, Nguyễn Cao Cường là tượng đài của bóng đá Việt Nam và có lẽ, thế hệ sau này vẫn chưa ai sánh được với Cao Cường...

Tôi vẫn chưa được xem tiền đạo Nguyễn Cao Cường chơi bóng lần nào mà chỉ được "nghe" ông thi đấu trong vai trò trung phong của CLB Quân đội và đội tuyển Việt Nam trên đài Tiếng nói Việt Nam với lời bình luận của BLV Hoài Sơn: "Tiền đạo số 10 của CLB Quân đội đi bóng khéo léo vượt qua 2  hậu vệ của đội bạn. Nguyễn Cao Cường xoay người 180 độ và sút... Vào...!".

Cuộc hội ngộ giữa 3 đội bóng trên sân Tự Do

Vào năm 1984, khi Việt Nam đăng cai giải đấu Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa gọi tắt là giải SKDA thì cái tên Nguyễn Cao Cường đã được xướng lên nhiều lần khi ông thi đấu quá xuất sắc bên cạnh người anh là tiền vệ Nguyễn Thế Anh hay một số tên tuổi khác của đội bóng CLB Quân đội như Trần Văn Khánh, Nguyễn Tiến Lâm, Quản Trọng Hùng... Đúng là Cao Cường hồi đó là thần tượng số một của những người yêu bóng đá, trong đó có những đứa trẻ như tôi.

Chiều thứ bảy 6/1 vừa qua, vui mừng được gặp ông trên khán đài sân Tự Do khi ông từ Hà Nội vào dự Festival bóng đá Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Ông nói: “Tôi vừa bay từ Hà Nội vào là đến ngay sân Tự Do nên không chuẩn bị kịp để khoác áo ra sân. Nhưng nhìn những người bạn một thời thi đấu là vui rồi!”. Hỏi ông đã thi đấu trên sân Tự Do mấy trận đấu? Ông nói: “Không nhớ cụ thể là mấy trận, nhưng trận đấu trên sân Tự Do mà tôi nhớ nhất đó là mùa bóng 1983-1984. Trận đấu đó tôi đã có một màn solo từ giữa sân đi qua 5-6 cầu thủ của đội Sở Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và ghi bàn vào lưới thủ môn Nguyễn Văn Hiệp. Một trận bóng khiến tôi nhớ mãi. Tiếc là lần này không gặp được Nguyễn Văn Hiệp, thủ môn mà tôi ấn tượng nhất hồi đó”.

Không có thủ môn Nguyễn Văn Hiệp, nhưng trong đội hình của câu lạc bộ lão tướng Sài Gòn có mặt thủ môn Lưu Kim Hoàng, người thuộc thế hệ đầu tiên của đội bóng danh tiếng Cảng Sài Gòn. Đã xấp xỉ tuổi thất thập nhưng cựu thủ môn của Cảng Sài Gòn vẫn còn khá nhanh nhẹn. Hơn một thập kỷ là thủ môn số 1 của Cảng Sài Gòn, Lưu Kim Hoàng cũng đã từng thi đấu trên sân Tự Do. Ông bồi hồi: “Tui đứng trong gôn mà cứ ngỡ như được thi đấu trở lại cùng đội bóng Cảng Sài Gòn thân yêu của tui”.

Trong 3 đội bóng cựu cầu thủ, thì đội bóng lão tướng Sài Gòn có nhiều danh thủ nhất từ Tư Lê, Hồ Thanh Cang, Lưu Kim Hoàng đến Lưu Tấn Liêm, Hồ Văn Tam... Có người đã từng thi đấu trên sân Tự Do, có người chưa có dịp. Riêng với Hồ Văn Tam, trung vệ nổi tiếng những năm đầu thập kỷ 90 của Cảng Sài Gòn thì Huế chính là quê cha đất tổ của anh. Hồ Văn Tam nói: “Tôi là cầu thủ của Cảng Sài Gòn, nhưng luôn quan tâm đến bóng đá Huế. Anh em chúng tôi (em của Hồ Văn Tam là danh thủ Hồ Văn Lợi) vẫn dành tình yêu cho đội bóng quê hương...”.

Những cầu thủ Huế “xưa”

Trong đội hình của các cựu cầu thủ Huế có mặt cầu thủ của nhiều thế hệ, từ thủ môn nổi tiếng Nguyễn Văn Rớt đã ngoài 80 tuổi hay anh em Nguyễn Đình Thọ, Nguyễn Đình Thông; Toàn, Thương, Vu, Sau, Đoàn Phùng hay thế hệ sau này như Thụ, Đàn, Trí, Đức Dũng, Văn Hòa... Họ trở lại sân Tự Do, nơi đã gắn biết bao buồn vui của đời cầu thủ. Có người đủ sức khỏe xỏ giày ra sân, có người tới sân chỉ để động viên. Nhưng có một cảm xúc chung là ai cũng thấy như được trở lại với thời trai trẻ.

Trong trận đấu “vui là chính”, người ghi bàn thắng duy nhất cho đội cựu cầu thủ Huế là tiền đạo Nguyễn Đình Thông. Ông Thông đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, nghe tin có cuộc gặp mặt này ông đã bay ra Huế trước đó vài ngày để chuẩn bị. Những người yêu bóng đá Huế vẫn còn nhớ hai anh em Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Đình Thông của đội tuyển Huế thi đấu ở giải Trường Sơn năm 1976. Bây giờ cả hai anh em tóc đều đã bạc nhưng đều có thể xỏ giày ra sân. Ông Thọ vẫn chơi ở vị trí trung vệ quen thuộc, còn ông Thông chơi tiền đạo cánh và đã có một bàn thắng đẹp...

Người đã kết nối để tổ chức cuộc hội ngộ nhiều ý nghĩa và xúc động này giữa các cựu cầu thủ 3 miền này chính là ông Đoàn Phùng - Trưởng đoàn Bóng đá Huế. Ông Phùng khoác áo số 10 và chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm của đội tuyển lão tướng Huế. Mái tóc dài nghệ sĩ cùng những động tác khéo léo của ông Phùng đã làm những cựu cầu thủ Hà Nội bất ngờ. HLV Lê Khắc Chính của Hà Nội ví von: “Trông Đoàn Phùng hôm nay giống như Pirlo của Ý nhỉ”, câu nói của ông Chính làm nhiều người bật cười vui vẻ...

Tôi gặp lại Vũ Quang Minh, trung vệ người Hà Nội đã cùng với đội tuyển Thừa Thiên Huế giành chức á quân năm 1995. Sau khi thi đấu cho Huế mùa giải năm 1995, Vũ Quang Minh trở lại khoác áo đội bóng Công an Hà Nội vài mùa bóng nữa. Năm nay anh đã ngoài 50 tuổi, đã có cháu ngoại nhưng sức còn rất dẻo dai, chơi xong trận đấu vẫn thấy còn chạy tốt. Hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe, Vũ Quang Minh nói đơn giản là anh không bia rượu và vẫn chơi bóng đá hàng ngày. Anh trở lại sân Tự Do và xúc động gặp lại những gương mặt quen như HLV Nguyễn Đình Thọ, các cầu thủ như Quang Sang, Công Quốc, Sỹ Hùng, Đình Nghĩa...

Với một sân chơi ý nghĩa như vậy, thắng thua không phải là điều quan trọng. Dù Hà Nội là đội đứng nhất khi thắng TP. Hồ Chí Minh 1-0 và hòa Huế 1-1, đội TP. Hồ Chí Minh xếp nhì nhờ thắng Huế 1-0, nhưng theo cựu danh thủ Đoàn Phùng, người đứng ra tổ chức Festival bóng đá 3 thành phố lần này thì giá trị lớn nhất chính là sự kết nối, nghĩa tình khi các cựu danh thủ có dịp cùng nhau ôn lại kỷ niệm, chia sẻ khó khăn...

Kết thúc  Festival bóng  đá  3 miền, hình ảnh khiến tôi nhớ mãi là những cái ôm thật chặt, những nụ cười thật tươi mà các cầu thủ 3 thành phố đã trao cho nhau. Một buổi chiều hạnh ngộ của những cầu thủ bóng đá một thời. Họ đã đến, đã mang lại niềm vui cho nhau và cho cả những người hâm mộ từng gắn bó với bóng đá Việt Nam thời khó khăn nhưng không thiếu những tài năng và những trận cầu hấp dẫn...

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu thủ nhập tịch

Trước thềm 2 trận đấu gặp tuyển Việt Nam vào cuối tháng 3 này, theo tờ Bola. Okezone, Indonesia đã hoàn thành nhập tịch cầu thủ gốc Hà Lan, Nathan Tjoe-A-On. Cầu thủ này đã tuyên thệ trở thành công dân Indonesia. Sau khi tuyên thệ, Nathan Tjoe-A-On có thể khoác áo đội tuyển Indonesia ngay.

Cầu thủ nhập tịch
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ đến... dài cổ!

Cùng với CLB Huế đang thi đấu ở Giải hạng Nhất Quốc gia, CLB Thể Công - Viettel ở sân chơi V. League nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Cố đô, bởi ở đội bóng này có bộ đôi cầu thủ gốc Thừa Thiên Huế là Hữu Thắng và Danh Trung.

Chờ đến  dài cổ
Return to top