ClockChủ Nhật, 22/01/2012 23:41

Cuối năm một canh quan họ...

TTH - Đã từng đọc về thú chơi thanh cảnh của vài văn nhân, rằng thể nào cuối năm cũng phải tịnh người để thưởng thức một canh Quan họ. Cái thú tao nhã sang trọng ấy gắn với Kim Lân, Hoàng Cầm, Đỗ Chu... toàn là bậc mét trong làng văn, tưởng chả bao giờ đến lượt mình. Hoàn toàn không dám so sánh với các cụ, mà bởi mấy nhẽ sau, một là các cụ toàn dân Kinh Bắc, hiểu quan họ đến chân tơ kẽ tóc, hứng lên có thể đối đáp với liền chị nhoay nhoáy, thêm nữa, tuổi các cụ, tên các cụ, người ta trọng, và nó hợp với cái lối hát vừa dân dã mộc mạc mà lại tinh tế kỹ lưỡng sang trọng này... thì cứ nghĩ thế mà thèm mà ước cho đến vừa rồi, như một món quà quý đột nhiên thình lình rơi xuống, tôi có nguyên một ngày Quan họ.

Ban nhà văn trẻ tổ chức chuyến đi này, các thành viên góp tiền để đi, và may mắn, họ chợt nhớ ra là có 2 gã nhà văn từ phía Nam ra đang rỗi ngày 30 tết dương lịch, là tôi với Vũ Hồng, và chúng tôi trở thành khách của họ, khách của Quan họ.

Cuối năm, hun hút rét. Rét khác lạnh, là tôi quan niệm thế. Pleiku, Đà Lạt, Huế, Măng Đen là lạnh, nó tràn đều, nó hạ nhiệt một cách cơ học, nó không cảm xúc, nó trơ ra chỉ là nhiệt độ thấp. Còn rét, nó hun hút, nhoi nhói, nó thắc thỏm trong những cơn lạnh. Nó như nỗi nhớ, cứ thường trực đâu đó, đầy ấn tượng muốn vỡ òa mà không nói ra được. Rét ngọt là thế. Không có lạnh ngọt, chỉ có rét ngọt mà thôi. Và rét, nó mang cảm xúc nhân sinh.
 
Thì trong cơn rét cuối năm như thế, chúng tôi xuất hành về Bắc Ninh trên một cái xe 15 chỗ của Hội Nhà Văn. Những là Võ Thị Xuân Hà, Hữu Việt, Phong Điệp, là Trương Hồng Tú, Nguyễn Danh Lam, Đỗ Bích Thúy, rồi còn Thụy Anh, A Sáng, Thiên Sơn, Nguyễn Quang Hưng, Hạnh Thủy, Đạt Ma, và thêm cả mấy nhà văn không trẻ đánh xe bám theo: Đặng Huy Giang, Đỗ Hàn... Ai nấy xùm xòa đồ rét tai đỏ, môi đỏ, má đỏ vì rét ngọt với những câu chuyện râm ran chỉ về Quan họ.
 

Liền chị mời trầu tác giả

Thì té ra là công chúa của Vua Hùng thứ 7 là người có công sáng tạo và đưa quan họ về đây. Một chuyến vân du, bà dừng lại vùng này cùng 49 tiên nữ tùy tùng, và đấy là xuất xứ của bốn chín làng Quan họ. Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng làm ở báo Thời nay thì ra cũng là một anh hai Quan họ dù anh là người Hà Đông. Anh là người tổ chức, dẫn đường và cũng là người được chia hát một khúc và đã hát rất ngọt. Người Quan họ không có anh cả và anh sáu. Chỉ từ anh hai đến ăn năm, sau đấy quay lại anh hai nhỏ... cũng có nghe giải thích nhưng không quan tâm lắm vì lúc ấy tôi đang nhập hồn vào cái cách giải thích thế nào là vang rền nền nẩy, rằng là ở trong chiếu quan họ hôm ấy, có năm sáu liền anh Quan họ nhưng chỉ có một người đạt cả bốn tiêu chí ấy, những người khác thiếu hẳn tiêu chí nẩy, dù có người đã hát tới 15 năm. Thế mà anh chàng giảng viên Học viện chính trị Quân đội, nhà văn trẻ Nguyễn Minh Cường lại đạt độ ấy khi được vời vào thử sức. Anh là người Thái Nguyên, về Bắc Ninh dạy ở Học viện, lấy một cô giáo Bắc Ninh thứ thiệt và... học hát quan họ để xứng danh rể hiền. Anh chàng này là đại biểu hội nghị viết văn trẻ toàn quân và toàn quốc năm 2011 vừa rồi, hiền mà té ra lại rất giỏi, cả vợ và mẹ vợ đều yêu như điếu đổ. Chính Nguyễn Minh Cường chiêu đãi chúng tôi một canh quan họ phố vào buổi trưa trước khi chúng tôi dành cả buổi chiều tiếp cận quan họ làng. Trong cuộc “quan họ phố” này, Cường cùng hai người bạn của mình là hai ca sĩ chính của đoàn quan họ Bắc Ninh say sưa hát trong khi chúng tôi... ăn.
 
Nền văn minh lúa nước đã dâng cho đời những món ăn dân dã nhưng rất cầu kỳ tinh tế. Nó vừa là thực - theo nghĩa đen - để con người tồn tại, lại vừa là hương hoa, là văn hóa, thăng hoa qua tháng năm để trở thành bản sắc hồn Việt, để chỉ một lần thôi, là nhớ mãi. Thế nên cái bữa ăn chiều trong tê tái rét tại nhà liền chị tên Quýnh nó khiến tôi bồi hồi mãi, như một dự cảm cho một đêm quan họ thánh thần hoàn hảo. Được nhờ từ trước, các liền chị khéo tay của làng quan họ Đặng Xá chuẩn bị cho chúng tôi mấy mâm cơm nhà. Mâm của người Bắc là xếp bằng tròn trên chiếu hoa hoặc sập, đúng sáu người một mâm. Trời ạ, nó toàn là những món dân dã một thời, đã giúp dân ta chống đói, giúp người nông dân tồn tại qua tháng qua năm, qua thăng trầm qua biến cố, mà hôm nay nó lên hương lên cốt, lên tinh túy lên linh hồn giữa cái tiếng xuýt xoa chiều cuối năm và cả những bồi hồi hoài tưởng trong không gian năm cùng tháng tận. Ấy là bánh đúc, đến hai loại bánh đúc. Bánh đúc lạc chấm tương bần và bánh đúc không có lạc thái sợi để chan với riêu cua. Những ai đã từng ở miền Bắc thì chắc không thể quên hai món ăn của con nhà nghèo một thời. Một là cơm nắm mo cau muối vừng cho những chuyến đi xa, và hai là bánh đúc, thường nấu vào ngày mưa cho đỡ... tốn gạo. Bây giờ nó thành đặc sản, mới nhìn đĩa bánh đúc lót trong sắc xanh rờn lá chuối đã thấy thổn thức tâm can tì vị. Một món nữa là ốc đồng nấu chuối đậu. Một thời nó cũng là món chống đói, đều từ cây nhà lá vườn cả. Các cụ đã rất giỏi khi kết hợp cái tanh của ốc với cái chát của chuối xanh, thêm lá lốt tía tô, thêm tí mẻ... thế là có một tuyệt vời đặc sản ngày nay. Và tất nhiên là rượu nút lá chuối, món quê không thể khác.
 

Trầu cánh phượng

 
Tán mãi món ăn thì nó có vẻ không thanh tao lắm, nhưng quả thực, nếu không có bữa ăn ấy dẫn dắt để vào chuyện như là kiểu nhập cổng ấy thì hình như đêm quan họ vẫn chưa hoàn chỉnh. Bởi sau đấy, tất cả các mâm được dọn hết, chiếu được giũ sạch, canh quan họ mới bắt đầu. Trời ạ, đỏ rực một màu trầu cánh phượng tha thướt với mớ bảy mớ ba, các liền chị đi mời trầu. Nhà thơ Hữu Việt nhai ngon lành một miếng, cũng bỏm bẻm nửa như cụ Tuần nửa là “em chã” má môi hồng rực hẳn lên, mắt long lanh hẳn. Trầu cánh phượng Quan họ ngoài dáng còn có sắc. Tôi nhớ ngày xưa, miếng trầu têm có 2 cái cánh vểnh lên và chỉ trầu với cau với vôi với vỏ thôi. Giờ có thêm một cánh hoa hồng phía ngoài đỡ lấy miếng trầu làm cho miếng trầu lung linh ánh sắc hẳn lên, đỡ bằng một miếng vỏ tỉa hình nan quạt, hòa quyện xanh trắng nâu đỏ... làm cứ nâng niu cầm mà không dám thử vì tiếc.
 
Một canh hát có thể đến 7 thậm chí là 10 đêm, và đặc trưng của hát Quan họ là đối đáp, nam với nữ, với giọng lề lối (4 cách hát), nữ trước nam đối sau. Hết bài nọ đến bài kia, hết đêm này sang đêm khác. Và một điều nữa ai cũng biết nhưng cũng nên nhắc lại, ấy là việc các liền chị, liền anh Quan họ khi đã kết bạn để hát với nhau thì không bao giờ được lấy nhau, dù họ toàn là trai tài gái sắc. Chắc cũng có không ít bi kịch, vì với tình yêu ấy mà, có ai dám nói trước điều gì? Nhưng luật lệ là luật lệ, phàm đã là liền anh liền chị thì đều phải có ý thức giữ mình, phải nghiến răng mà giữ. Gái Kinh Bắc, da trắng ngần, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt sắc như dao lại được cái khăn mỏ quạ, cái mớ ba mớ bảy thanh thoát nâng lên, cái lúng liếng mời gọi, cái nền nã đằm thắm duyên lặn càng giấu càng hiển lộ, trông không thể cầm lòng, thế mà cứ dửng dưng như không trước các giọng ca ngọt lùi như mía, cũng mặt hoa da phấn lắm, cũng đĩnh đạc đàn ông lắm... của liền anh, thì chả phải tưởng tượng giỏi cũng thấy bi kịch phất phơ trước mắt. Nhưng họ đã vượt qua một cách cao cả để giữ gìn Quan họ, để tôn vinh Quan họ... đủ thấy họ sống chết vì Quan họ đến như thế nào.
 
Quan họ có một từ nguyên bản rất hay là “nhà chứa”. Đấy là nhà của các gia đình mê Quan họ, có điều kiện, thường mời các làng Quan họ về nghỉ lại và hát với nhau, một tuần chục ngày là chuyện thường, để thấy các cụ ta chơi cũng đổ quán xiêu đình lắm. Bây giờ ở làng Diềm chỉ còn một nhà, và ở Đặng Xá nghe đâu cũng chỉ còn một, là nhà chị Quýnh mà chúng tôi đang tụ tập ấy. Chao ơi, nghĩ mà xem, còn cái thú chơi nào tiêu dao hơn và hy sinh hơn nhường ấy. Bây giờ nhà cửa khang trang, tiền của dư dật, bà con ở quê lên chơi vài hôm đã khiếp, thế mà các cụ xưa chứa nhau cả tháng trong nhà, nam nữ xuân thì mà cấm ỏ ê điều tiếng.
 
Canh Quan họ cuối năm, toàn lời cổ, lần đầu tiên với tôi, và chắc gì đã có lần thứ hai, cứ mang mang như mới hôm qua đây, tình rằng tôi đi lấy đạo bùa, tình bằng trăm em xin đợi nghìn em xin chờ, ơi là anh hai ơi, ơi anh ba ơi, cứ lúng liếng thế trong veo thế làm sao mà đậu lòng người ơi...
 

Văn Công Hùng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top