ClockThứ Năm, 05/11/2015 10:10

Cuốn sách về những người vẫn đang hằng sống

TTH - Chị Thái Kim Lan là người vô cùng thân quen đối với độc giả ở Huế. Những năm gần đây, chị liên tục về nước tham gia giảng dạy và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, và chị cũng đưa về cho bạn đọc nhiều cuốn sách thú vị. Gần đây nhất là cuốn “Đốt lò hương ấy”. NXB Hồng Đức xuất bản tháng 10/2015.

Tác giả bên pano giới thiệu cuốn sách của mình

Cuốn sách chia làm 3 phần. Phần thứ nhất “Mái chùa che chở” viết về những bậc chân tu ở Huế. Phần thứ hai “Phúc âm muôn đời” viết về những kỷ niệm với những người thân trong gia đình. Phần thứ ba “Từ đây người biết thương người” viết về những trí thức -văn nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều đóng góp lớn cho đất nước. Có một điều hết sức đặc biệt, tất cả những nhân vật trong cuốn sách này, đều đã rời cõi tạm, xa khuất về thế giới bên kia. Tuy nhiên, cũng tất cả những con người ấy, vẫn đang như sống động, nói cười an nhiên tự tại trong các trang sách của Thái Kim Lan. Như thể họ vẫn đang sống đó, bên cạnh chúng ta, khi chúng ta đọc những hàng chữ ấy. Nghĩa là bằng cách nào đó, họ vẫn hằng sống.

29 câu chuyện trong những phác thảo chân dung mà tác giả Thái Kim Lan thực hiện, là 29 nhân vật từng đi qua vòm trời này, mỗi người một dáng vẻ, thân thuộc và đầy thương yêu, đầy kính trọng. Về Hòa thượng Thích Mật Hiển, chị gọi là Ôn Mật Hiển, người đọc sẽ rất nhớ chi tiết lời đồn đại Ôn có thể “lăng ba vi bộ” đi trên lá sen, đội nón tu lờ 18 vành, mắt sáng, dáng thẳng. Cũng cái nón tu lờ ấy và dáng thẳng ấy, là cốt cách của sư bà Diệu Không. Một con người đã từng xuất hiện rất nhẹ nhàng, như cái bóng phất phơ mà dịu mát, cái bóng che ấy, chỉ thoáng hiện mà in rất sâu vào tâm cảm của người viết: “Hầu như cái bóng ấy “vô ngã” đến nỗi chỉ có cái nón duy nhất chuyển động”… Hay viết về sư bà Viên Minh, tác giả đã cho người đọc hình dung về một con người nhỏ bé, nhưng sự thanh khiết và sự tinh tấn như đang tỏa rạng, ngời sáng. Những kỷ niệm khác, với những chi tiết rất đặc trưng gắn với mỗi người: sư bà Cát Tường có đôi môi đỏ mấp máy cười, sư bà Thích nữ Trí Hải nổi tiếng nghiêm nghị mà có lúc lại nghịch như mệ Huế, cũng khèo tay nói nhỏ như học trò… Viết về thầy Thiện Siêu, chị như đọc cho chúng ta nghe một bài kệ: “nhận chân được “ngõ cùng” của một đời người, là đã lý ngộ được rằng không ai “thoát” khỏi cửa tử sinh”; “khi thở vô biết mình thở vô, khi thở ra biết mình thở ra” và sức sống vĩnh cửu dù cho thân xác đổi thay.

Rời khỏi mái chùa, câu chuyện về những con người giữa đời thường với những yêu thương thật ấm lòng. “Một ngày vui trên ngọn sầu đông” là thiên bút ký hay viết về cuộc sống sinh hoạt Huế năm xưa, như những câu mở đầu “Nếu có một thứ chi được gọi là nhẫn nại, chịu đựng, âm thầm, ấp ủ và gánh trọn cả chuỗi thời gian đằng đẵng trước sau của cõi đời nhân thế trên trái đất này, thì phải nói đó là mái nhà xưa của Huế”…Trong những mái nhà đó, hình ảnh những người thân hiện lên, chân thật và chân tình: là cậu Tôn Thất Quang, là anh Võ Đình Bồng, là dì Thí Em, mợ Quang, Mỹ Linh… Đọc những trang viết về họa sĩ Thái Bá, người anh của chị, chúng ta giật mình khi con người sống gần như ẩn dật lúc cuối đời là người đã từng được UNESCO bảo trợ sang New York năm 1969, tranh được UNESCO tuyển chọn in cho Quỹ Nhi đồng Quốc tế. Tranh lụa Thái Bá một thời dẫn đầu trào lưu hội họa miền Nam (sau Mai Thứ, Lê Văn Đệ…) trong khoảng các thập niên 1950, 1960. Tiếc là họa sĩ đã để phân tâm nên không phát huy đương thiên khiếu sở trường…

Những trang viết về những trí thức văn nghệ sĩ thật sự sống động. Viết về Trần Văn Khê, chị gọi thầy là “Thiên tài nhân ái”. Và “Trần Văn Khê, ấy chính là nhà! Là mái nhà cho vô số chúng sinh. Thầy che hết, che mà không che, chỉ bằng tiếng đàn, giọng hát trí nhớ vô song!... Nơi thầy lại ấm tình nhân ái lạ thường! Nơi Thầy tài bỗng là tình…”

Viết về bà Tuần Chi, chủ nhân vườn An Hiên, chị viết về một con người rất mực biết sống giữa cỏ cây: “Điều ngạc nhiên nhất là vị chủ nhân của tiểu vũ trụ cây cối đếm không xuể từ Bắc chí Nam “ghê gớm ấy”, ngày nay thường được gọi là đại gia, lại khiêm tốn và tự chìm xuống như chiếc bóng bên cạnh cây cỏ, hoa trái, như tuồng cỏ cây là vạn vật thật, con người ấy chỉ là sương khói đi theo”…

Có thể gặp rất nhiều những đoạn văn hay như thế trong sách, như một đoạn trong rất nhiều đoạn hay về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Theo tôi nghĩ, Sơn đã mở ra bằng cái nhìn của mình một thế giới âm thanh khác lạ, thể cách và âm điệu sinh động vượt ra khỏi những cảm nghĩ khuôn sáo cũ, đi thẳng vào tâm thức người nghe, làm tiền đề cho tiếng hát Trịnh Công Sơn; và có lẽ đã là không trùng hợp ngẫu nhiên mà trong tiếng hát Trịnh Công Sơn, chữ vô (hư vô, vô thường) đã được ngâm nga một cách tân kỳ so với lời ca của những người đi trước và người đồng thời, ngoại trừ âm nhạc Phật giáo”…

Điều gì đã xảy ra khi chúng ta đọc xong và gấp sách lại? Tôi bỗng chợt nhớ đến “Lời đầu sách” tác giả có viết: “Triết gia Pháp Jean Baudrilard cho rằng dù cái chết thuộc vào định luật vô thường, dù cái chết là sự biến mất vĩnh viễn, cái đáng nói của sự biến mất trên cõi đời này thật ra là “nghệ thuật của sự biến mất”. Điều gì tác tạo nên nghệ thuật biến mất ấy nếu không chính là nghệ thuật… của sự sống, thể cách hiện hữu của mỗi một con người ở trên trần thế…” Thì ra cuốn sách nói về những người đi xa, nhưng cái cách họ hiện hữu đã là một nghệ thuật khiến chúng ta luôn nhớ đến. Rộng hơn, vậy cái chết có đáng sợ như chúng ta vẫn hình dung không, khi mà chúng ta hiểu rằng, không có cái chết, chúng ta chưa là chính mình?

Đọc sách, chúng ta sẽ có câu trả lời.

Hồ Đăng Thanh Ngọc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top