ClockThứ Năm, 21/02/2019 13:54

Cuồng tín & trục lợi tâm linh - cần ngay sự chấn chỉnh!

TTH - Hương khói nghi ngút, vàng mã rợp sân, tiền lẻ đầy bàn thờ, sùy sụp vái lạy, cầu khấn râm ran, chen nhau dâng sao giải hạn... Đó là những hình ảnh tiếp tục tái diễn trong tháng Giêng - tháng lễ hội, tháng hành hương tâm linh và cũng là tháng phơi bày rõ ràng nhất tình trạng cuồng tín và trục lợi tâm linh.

Hàng ngàn khách hành hương tham dự lễ hội điện Hòn ChénKhảo sát tuyến điểm du lịch tâm linh

Các ngôi chùa ở Huế chưa bị thương mại hóa như một số chùa ở phía Bắc (Ảnh minh họa)

Cảnh trạng này chủ yếu diễn ra ở đồng bằng Bắc bộ và lên đến đỉnh điểm với hình ảnh hàng ngàn người dân đứng ngồi chật kín cả sân chùa, tràn ra cả đường giao thông, tràn lên cả trên cầu vượt Ngã Tư Sở trước cửa chùa Phúc Khánh (Hà Nội) để được làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn... suốt từ sau tết đến rằm tháng Giêng. Cầu an giải hạn mà chen lấn dẫm đạp nhau, an cho mình còn người khác thì mặc kệ hay sao? Đi chùa Hương mà ăn thịt thú rừng lại còn chụp ảnh khoe lên facebook? Cầu Phật phù hộ mà nhét tiền lẻ đầy tay, đầy miệng, bỏ cả lên đầu Phật?... Trong khi đó, các chùa vẫn điềm nhiên niêm yết giá dâng sao giải hạn, mỗi sao xấu phí giải hạn là 150.000 đồng, có bố trí hẳn bàn tiếp nhận và đội nhân viên “tiếp lễ” rất chuyên nghiệp. Cầu an, giải hạn mà mỗi chùa mỗi giá, lại có trường hợp chỉ vì thiếu 50.000đ mà bị từ chối giải hạn...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam gọi đó là: Sự cuồng tín được đẩy đi quá xa, do các cơ sở tín ngưỡng đã lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi.

Vâng, cuồng tín và trục lợi tâm linh, luôn đi liền với nhau!

Báo chí lại đưa tin, dư luận lại bất bình, chuyên gia lại lên tiếng, các nhà sư lại một lần nữa khẳng định rằng kinh sách của Phật giáo không hề có việc đốt vàng mã, dâng sao giải hạn... Các nhà nghiên cứu về tôn giáo và văn hóa liên tục giải thích rằng tục dâng sao giải hạn vốn là một quan niệm của Đạo giáo từ Trung Quốc xa xưa, lan truyền và ăn nhập vào tín ngưỡng dân gian. Việc đó không liên quan gì đến nhà chùa, vì kinh sách nhà Phật đều dạy rằng mỗi người phải tự tạo ra bình an cho mình, bằng cách làm việc lành tránh việc dữ, chỉ bằng cách như thế mới giải hạn cho mình mà thôi. Triết lý của Phật giáo luôn thức tỉnh con người khỏi những ngộ nhận để tránh lầm lạc đến mê muội, cuồng tín.

Mọi việc đã rõ ràng như thế, nhưng cứ tháng Giêng về là cảnh cũ lại tái diễn. Vì sao?

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng Ban văn hóa Phật giáo TP. Hồ Chí Minh cho rằng, do các ngôi chùa đó chỉ đáp ứng nhu cầu cúng bái của người dân mà không hướng dẫn cách sống, thay đổi nhận thức để họ có hành xử đúng đắn theo tinh thần Phật dạy về niềm tin chân chính, đúng đắn (chánh tín), thấy cái đúng mà làm theo (chánh tri kiến).

Nếu nhà chùa không tổ chức dâng sao thì dân chúng có kéo nhau đến nộp phí giải hạn, ngồi chật kín cả sân chùa, tràn ra cả đường hay không? Nếu nhà chùa không tổ chức đốt vàng mã, không xây hẳn một cái lò để hóa vàng mã, thì dân chúng có đội cả mâm vàng mã vào chùa, và trước chùa đông đúc những quầy hàng vàng mã hay không?...

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến (Hà Nội) cho rằng để dẹp nạn cuồng tín cầu cúng dâng sao giải hạn, vai trò quan trọng nhất thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. GS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng khẳng định như vậy và đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết, cần nghiêm cấm tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo cúng dâng sao giải hạn, đồng thời có văn bản hướng dẫn cho dân chúng hiểu rõ việc này.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam  thì cho rằng, nhà chùa phải chủ động hướng dẫn, giải thích cho khách hành hương, khách du lịch hiểu rõ các quy chuẩn sinh hoạt và nghi lễ ở chùa theo đúng giáo lý đạo Phật.

Theo chúng tôi, không chỉ nhà chùa, mà cả Nhà nước cũng cần vào cuộc, thông qua việc quản lý hoạt động tín ngưỡng theo đúng pháp luật, đồng thời cơ quan chuyên môn văn hóa phải tổ chức hướng dẫn cho người dân thực hành đúng tín ngưỡng. Những gì đang diễn ra ở các chùa chiền và cả các đền thờ, miếu phủ, cho thấy không còn là sự tự do tín ngưỡng nữa, mà là cuồng tín, mê muội và thiếu hiểu biết.

GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng, diễn biến nhức nhối này đã đặt ra câu hỏi: Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải làm gì? Theo ông, cả hai có thể cùng nhau đưa hoạt động dâng sao giải hạn này về đúng không gian của nó. Về phía giáo hội, GS Hưng đề nghị có thể xem đây như một cơ hội để “chấn hưng”, không chỉ là chuyện dâng sao giải hạn, mà cả những gì không đúng với giáo lý của Phật giáo.

Nếu cương quyết làm như cách mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm hồi tháng Giêng năm ngoái, nghiêm cấm đốt vàng mã ở tất các các cơ sở thờ tự Phật giáo, thì chắn hẳn tình trạng “trục lợi tâm linh” mà dư luận phải đau xót gọi tên như thế, sẽ giảm, hoặc chí ít cũng không đến mức nhức nhối như hiện nay!

Bài: MINH ĐĂNG - Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để xảy ra biến tướng, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi trong dịp Tết

Chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Không để xảy ra biến tướng, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi trong dịp Tết
Điểm du lịch tâm linh mới của Phong Điền

Việc được công nhận di tích cấp tỉnh sẽ giúp bảo tồn di tích miếu Linh Quang. Quan trọng hơn là phát huy các giá trị, làm phong phú đời sống văn hóa, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Điểm du lịch tâm linh mới của Phong Điền
Mùa Phật đản về

Là xứ sở của hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, thật không quá khi người ta bảo mùa Phật đản là một trong những mùa đẹp nhất trong năm ở Huế.

Mùa Phật đản về

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top