ClockThứ Bảy, 10/06/2017 13:06

Cựu binh Hương Trà làm kinh tế

TTH - Rời chiến trường ác liệt, trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh (CCB) thị xã Hương Trà lại xông xáo trên mặt trận kinh tế, năng động áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Điển hình trên mặt trận mới

Để lại một phần thân thể tại chiến trường Campuchia, năm 1979, CCB, thương binh 2/4 Dương Xuân Vinh về lại đơn vị tiếp tục vào Nam ra Bắc sát cánh cùng đồng đội. Đến 1980, ông trở về quê hương ở Hương Chữ, Hương Trà. Mỗi tháng ngoài 13kg gạo được cấp và số tiền phụ cấp, ông cùng vợ làm 8 sào ruộng và chằm nón nhưng cuộc sông vẫn chật vật. “Mình mất một chân nhưng vẫn còn sức khỏe nên phải tìm thêm việc để có thêm thu nhập”, ông Vinh cho hay.

Năm 1990, ông Vinh chuyển hướng chăn nuôi bò từ vốn vay của Hội CCB và vay thế chấp ngân hàng. “Toàn bộ tiền vay mượn được chỉ đủ mua 2 con bò, nhưng thời điểm đó là cả gia tài của gia đình. Vì rứa phải làm răng để nó sinh lợi mà nuôi sống mình chớ”. Nói rồi, ông nhanh nhẹn cầm đôi nạng, đạp xe đi trước dẫn đường đưa chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi bò của ông tại Xứ Đồng, đồi Kim, thôn Giáp Tây, phường Hương Chữ, cách nhà hơn 1km.

Đường đến trang trại khá gập ghềnh, lầy lội, nhưng xe ông cứ bon bon. Với người lành lặn, việc chăn nuôi đã vất vả thì với CCB, thương binh Dương Xuân Vinh, công việc còn khó khăn, cực nhọc gấp nhiều lần. Ông chia sẻ: “Vất vả nhất là vào mùa mưa lũ, khu vực này thấp lụt nên mình phải lùa bò về nhà. Dù ngày mô cũng đi về trên đường ni mấy vòng nhưng nhiều lúc vẫn sỉa chân, bổ té là thường”.

Sau hơn 25 năm chăm chỉ, chịu khó lấy công làm lãi, từ 2 con bò ban đầu, đến nay, trang trại chăn nuôi của CCB Dương Xuân Vinh mỗi năm xuất chuồng gần 10 con bò, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ở Hương Trà, CCB, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Ngọc Hãn (xã Bình Thành) có tiếng không chỉ là CCB sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn giúp đỡ CCB khác cùng làm kinh tế. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hãn bắt tay làm kinh tế trang trại tổng hợp. Dám nghĩ, dám làm, yêu rừng và gắn bó với rừng, sau 21 năm sớm tối vất vả trên vùng đất sỏi đá, đến nay, “gia tài” của ông là trang trại rộng lớn với diện tích trên 7ha. Trong đó, có 4ha cao su, gần 2ha keo lai, 1ha tre lấy măng và 1ha cây ăn quả các loại... cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, CCB Nguyễn Ngọc Hãn khiêm tốn: “Không riêng bản thân tôi mà trong cuộc sống, những người dám nghĩ, dám làm chắc chắn sẽ thành công”.

Hay như CCB, thương binh 4/4 Nguyễn Văn Giờ (xã Hồng Tiến), sau 23 năm tham gia chiến đấu, công tác trên tuyến biên giới A Lưới, trở về với quân hàm đại úy, ông tiếp tục tham gia nhiệt tình công tác đoàn thể ở địa phương; đồng thời, mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi heo bản địa, gà sao, gà kiến... Khi Nhà nước có chủ trương trồng rừng, làm giàu từ phát triển kinh tế rừng, ông mạnh dạn trồng và còn kêu gọi người dân cùng tham gia. Đến nay, gia đình ông có 8ha rừng keo, trong đó, 4ha đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng sắn, chuối, tre lấy măng... để lấy ngắn nuôi dài và mang lại nguồn thu ổn định.

Ở Hương Trà, còn rất nhiều CCB “có tiếng” trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, như: CCB Trần Đức (xã Hải Dương), La Tiềm (Hương Phong), Trần Công Quang (Hương Vân), Nguyễn Văn Miền (Hương Chữ), Trương Dĩ (Hương Bình), Ngô Trí Hùng (Hương Thọ)...

Góp sức xây dựng quê hương

Giai đoạn 2012-2017, các cấp hội CCB thị xã Hương Trà đã phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn khuyến nông, chăn nuôi, trồng trọt...cho trên 800 hội viên; hỗ trợ giúp trên 1.600 hội viên vay vốn gần 25 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, hội viên Hội CCB thị xã Hương Trà còn tích cực tham gia các phong trào như: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Vì người nghèo”... Trong giai đoạn 2012-2017, các cấp hội CCB trong thị xã đã vận động hội viên quyên góp, xã hội hóa xây dựng 5 nhà “Nghĩa tình đồng đội”; hiến trên 2.800 m2 đất các loại, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và gần 360 triệu đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi. Giúp đỡ hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động tình nghĩa khác trên 226 triệu đồng.

Các hội CCB cơ sở cũng đã xây dựng được 35 mô hình “Đoạn đường sáng- xanh- sạch- đẹp” với tổng chiều dài gần 26km do Hội CCB tự quản; tham gia diệt cây mai dương, vớt bèo lục bình, trồng cây xanh... để bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hội CCB thị xã Hương Trà Lê Anh Hiến cho biết: "Nhờ đoàn kết, nhất trí giúp nhau xóa đói giảm nghèo nên đến nay, Hội CCB Hương Trà chỉ có 11 hộ nghèo do bệnh tật (chiếm 0,65%). Ngoài ra, các hội viên thường được hỗ trợ vay vốn làm kinh tế nên đời sống được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Với 1.802 hội viên/1.691 hộ, hiện, số hộ có mức sống trung bình khoảng gần 50% và 50% có mức sống khá, giàu theo tiêu chí mới.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hành kỹ năng bán hàng cho hội viên phụ nữ

Ngày 29/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Hội LHPN thị xã Hương Trà tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng thực hành bán hàng thông qua hình thức livestream, quảng cáo sản phẩm nền tảng số. Tham dự có bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Thực hành kỹ năng bán hàng cho hội viên phụ nữ
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Return to top