ClockThứ Năm, 04/06/2015 17:46

Cựu chiến binh hiến đất xây nghĩa trang

TTH - "Sao ông lại hiến 1ha đất trồng cao su để xây dựng nghĩa trang Nhân dân, trong khi với diện tích đất đó có thể đem lại lợi nhuận gần cả trăm triệu đồng mỗi năm?", tôi hỏi. Ông Dương cười, bảo: "Tất cả chỉ vì lợi ích chung. Hơn nữa mình là đảng viên, phải gương mẫu, đi đầu".

Ông Dương trong rừng cao su của mình

 

Ông Phan Gia Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hòa chia sẻ: “Ông Dương là cán bộ hưu trí nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào của xã và thôn. Ông là một Bí thư chi bộ gương mẫu, thường xuyên vận động bà con xây dựng nếp sống gia đình văn hóa và phát triển kinh tế. Bản thân ông nhiệt tình hiến đất, hiến cây để góp phần giúp xã xây dựng nông thôn mới. Ông nhiều lần được các cấp tặng bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích trong xây dựng các phong trào. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, năm 2014, ông được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc về việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Trần Trọng Dương (55 tuổi, thôn 9, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) đúng lúc ông vừa từ rẫy cao su trở về. Cái nóng rát của những ngày hè đổ lửa làm ướt đẫm chiếc áo sờn bạc của ông. Không để khách đợi quá lâu, ông vội vàng tắm rửa rồi tiếp chúng tôi. Nghe ông nói chuyện, chúng tôi cảm nhận được khí khái của một người lính Cụ Hồ năm xưa. Ông kể, trước năm 1978, ông là công nhân tại Công trường Thống Nhất, tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 7/1979, ông tự nguyện lên đường nhập ngũ, đóng tại Quân khu 4. Năm 1985, ông xuất ngũ rồi chọn vùng đất Nam Đông làm nơi lập nghiệp. “Những năm tháng trong quân đội cho tui nhiều thứ. Tui bén duyên với vợ cũng là cựu binh cùng đơn vị. Xuất ngũ, tui chọn Nam Đông để bắt đầu cuộc sống mới, xây dựng gia đình. Lúc mới chuyển lên đây, làm việc tại nông trường chè, đến năm 1997 nông trường chè chuyển đổi thành nông trường cao su. Về hưu, vợ chồng tự phát triển kinh tế với gần 2 ha cao su kết hợp chăn nuôi, trồng trọt”, ông Dương chia sẻ.

Dẫu đã xuất ngũ nhiều năm nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cựu binh Trần Trọng Dương vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Bây giờ, ông là một Bí thư chi bộ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã gương mẫu. Dù ở bất cứ cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trên hết, ông là một con người gần dân, sẵn sàng đóng góp sức lực, việc làm của mình cho lợi ích xã hội. “Khi Nhà nước có chủ trương vận động người dân xây dựng nông thôn mới, tui sẵn sàng tham gia, cùng bà con trong xã đóng góp sức lực xây dựng Hương Hòa thành xã nông thôn mới. Hơn nữa, là Bí thư chi bộ, là đảng viên nên cần đi đầu để người dân làm theo. Tui tự nguyện hiến 400 mét tới đất để mở đường kinh tế dân sinh”, ông Dương nói.
Ở huyện miền núi Nam Đông, người dân phát triển kinh tế chủ yếu nhờ rừng, trồng cao su. Ấy thế mà giữa rừng cao su bạt ngàn, xanh ngắt có một vùng đất rộng 1 ha không trồng cao su mà được quy hoạch để xây dựng nghĩa trang Nhân dân. Vùng đất đó chính do ông Dương hiến mà không chút đắn đo.
Để chúng tôi được “mục sở thị”, ông Dương dẫn chúng tôi vượt vài con dốc để đến vùng đất đó. Ông bảo: “Hồi trước, vùng đất ni gia đình tui trồng cao su. Bây giờ, trồng keo để phân từng lô xây dựng nghĩa trang. Nếu 1ha đất ni trồng cao su thì có thể cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Tui có một thời gian dài làm việc trong môi trường tập thể, cũng từng quản lý gần cả trăm người nên lợi ích chung được đặt lên trên hết. Nghĩ vậy nên tự nguyện hiến 1ha đất để chính quyền xã xây dựng nghĩa trang. Nghĩa trang Nhân dân cũng là một phần trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, việc làm của mình có thể góp một phần nhỏ bé để xây dựng quê hương, đất nước”.
Việc làm của ông Dương đã động viên, người dân trong xã cùng chung sức xây dựng Hương Hòa thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông đã vận động hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Riêng bản thân ông, ngoài gần 2ha cao su, gia đình ông còn phát triển thêm các mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt mang lại thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Đúc kết lại những việc làm của mình, ông Dương tâm sự rằng: “Bác Hồ từng dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “lời nói đi đôi với việc làm”. Tui tự nhủ bản thân cần luôn luôn tu dưỡng, trau dồi, rèn luyện và cố gắng phấn đấu để thực hiện lợi dạy của Người, phải luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện công việc được giao”.
Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top