ClockThứ Tư, 03/05/2017 13:57

Cựu chiến binh “mê” cá

TTH - Từ niềm đam mê nuôi trồng thủy sản, ông Hoàng Văn Nhung đã đầu tư xây dựng 30 lồng nuôi cá trên sông Hương, lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Hoàng Văn Nhung

"Bén duyên"

Căn nhà hai tầng khang trang với chiếc ô tô mới tậu đỗ ngay trước cổng, ít người nghĩ thành công của ông Nhung là nhờ mô hình kinh doanh và nuôi cá lồng.

Khu vực nuôi cá rộng chừng 1.500m2, ngay trên sông Hương, cách cầu chợ Dinh chừng 200m. Chúng tôi đến đúng lúc ông Nhung và hai người làm đang thu hoạch cá. Khuôn mặt rám nắng, ông say sưa ngắm nghía những chú cá đến kỳ xuất bán. Những “vợt” cá hồng, cá trê sau được chuyền lên bờ cho các thương lái bỏ mối tại các chợ vào sáng sớm mai. Ông Nhung vui vẻ kể: “Ngày nào tôi cũng kiểm tra xem chúng ra sao. Nuôi cá, chăm sóc chúng cũng như trẻ con vậy. Những lúc bận rộn không thăm nom được, lại thấy ruột gan bồn chồn”.

Sinh năm 1962, khi đủ tuổi trưởng thành ông tham gia quân đội tại đơn vị kỹ thuật công binh, phục vụ chiến trường biên giới; năm 1984 xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Công ty Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng gần 8 năm. Tuy là cử nhân Luật nhưng ông không làm việc đúng chuyên ngành mà “kết duyên” với nghề nuôi trồng thủy sản từ năm 1992 và gắn bó với con tôm đến ngày về hưu năm 2013.

15 năm công tác trong ngành, ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nhờ đó niềm đam mê nghề nuôi trồng cũng được bồi đắp thêm. Theo ông Nhung, kế hoạch phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông được ấp ủ từ hơn 10 năm trước. Nhưng một phần vốn liếng còn khó, phần khác vì lo ngại khu vực nuôi gần ngay nhà máy đông lạnh và nhà máy bia có thể gây ô nhiễm nên đành gác lại.

Trong thời gian công tác tại Công ty CP Nuôi trồng thủy sản, ông được tham quan nhiều mô hình nuôi trồng cho hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương. Nhìn những mô hình nuôi cá lồng trên sông với quy mô lớn, ông luôn ao ước đến ngày mình có thể xây dựng nên chuỗi lồng nuôi hiện đại.

Đến khi Công ty Bia Huế chính thức đưa toàn bộ dây chuyền sản xuất bia của nhà máy từ trụ sở chính 124 Nguyễn Sinh Cung về tập trung tại Khu Công nghiệp Phú Bài, ông mới quyết định đầu tư phát triển mô hình.

Mở rộng kinh doanh, sản xuất

Với vốn đầu tư ban đầu 300 triệu đồng, ông đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè theo hướng hiện đại. Nếu người nuôi cá trong vùng thường chọn làm lồng tre để tiết giảm vốn đầu tư ban đầu thì ông Nhung lại sử dụng hoàn toàn lồng sắt kiên cố để đảm bảo độ bền và tiện lợi cho quá trình vệ sinh. Ông chọn lựa, kiểm định kỹ giống cá trước khi nuôi.

Thay vì cho ăn các loại cá tạp và thức ăn truyền thống như trước đây, ông sử dụng thức ăn công nghiệp của các hãng sản xuất uy tín cho cá. Trong suốt quá trình nuôi thả, ông nhờ các cán bộ giảng dạy tại Trường đại học Nông Lâm về hợp tác hướng dẫn kỹ thuật và chăm sóc, tư vấn thuốc phòng bệnh, cách giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải khi nuôi.

Với 30 lồng nuôi cá diêu hồng, rô phi, cá trê các loại, mỗi năm ông xuất ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm. Riêng cá diêu hồng trong năm 2016, ông xuất được gần 50 tấn. Sản phẩm cá diêu hồng của gia đình ông Nhung được thị trường ưa chuộng vì được môi trường nuôi đảm bảo và chất lượng thơm ngon; được các cơ sở trường học, nhà hàng, thương lái đăng ký lấy hàng định kỳ. Với thu nhập trung bình từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/lồng nuôi, mỗi lứa cá thả nuôi gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng/30 lồng cá. Chu trình nuôi sẽ được quay vòng trong năm, mỗi năm ông thả nuôi 2 lứa/lồng.

Trong khi nhiều địa phương, cá lồng nuôi chết hàng loạt, nhiều loại bệnh trên cá phát sinh thì ông Nhung vẫn rất tự tin với mô hình của mình. Ông chia sẻ: Sông Hương đoạn qua khu vực này có lưu lượng dòng chảy tương đối ổn định, lưu thông nước tốt nên có thể hạn chế được vi khuẩn gây bệnh phát sinh và không xảy ra tình trạng thiếu oxy cục bộ.

Không chỉ nuôi cá lồng, ông còn phân phối thức ăn thủy sản cho các chủ hồ và các đại lý cấp 2, nuôi tôm trên cát tại các xã trên địa bàn tỉnh; doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Được rèn luyện từ trong quân ngũ, ông Hoàng Văn Nhung đã biết vận dụng, tìm tòi, học hỏi, mô hình nuôi trồng kết hợp kinh doanh thức ăn thủy sản của gia đình ông đã phát huy được hiệu quả.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng khi giới thiệu về mô hình nuôi cá lồng trên sông của cựu chiến binh này đã không hết lời khen ngợi: "Ông Hoàng Văn Nhung không chỉ là người tiên phong trong đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn là người năng động trong các phong trào, hoạt động của thôn, hội".

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan và doanh nghiệp:
Có 14/31 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Chiều 20/12, Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối các cơ quan và doanh nghiệp (Hội CCB Khối) tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Có 14 31 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ

Mưa lớn kéo dài, các vùng thấp trũng vẫn còn ngập, nước thượng nguồn đổ về khiến sông Hương sông Bồ chuyển màu. Ngày 15/10, hàng ngàn hộ dân vẫn tất bật giằng néo, chăm cá lồng dưới làn mưa lạnh nhằm bảo vệ thành quả lao động và công sức đầu tư.

Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ
Return to top