ClockThứ Tư, 27/01/2016 08:41

Cựu chiến binh trên mặt trận kinh tế

TTH - Trở về sau những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cựu binh huyện Quảng Điền lại cùng nhau “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế.

Nhiều mô hình hay

Nhắc đến chuyện làm giàu của cựu chiến binh (CCB), ông Phạm Thanh Lương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Điền khoe: “Trong Hội CCB huyện Quảng Điền có rất nhiều hội viên làm kinh tế giỏi. Họ không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn giúp giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương”.

Xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ của ông Thiện tạo việc làm cho nhiều CCB

Không hẹn trước, chúng tôi cùng ông Phạm Thanh Lương đến thăm mô hình phát triển kinh tế của cựu binh Lê Văn Thiện (tổ dân phố Khuông Phò, thị trấn Sịa). Lúc chúng tôi đến, ông Thiện đang nhiệt tình chỉ dẫn cho hơn chục lao động cưa, xẻ gỗ. Ông Thiện là một trong những cựu binh vươn lên từ gian khó, làm giàu ngay trên quê hương của mình.

Tìm được hướng đi, ông Thiện một mặt trau dồi tay nghề, mặt khác mạnh dạn vay vốn từ nhiều nguồn để đầu tư thiết bị, máy móc. Dần dà, ông làm ăn khấm khá, trả được nợ và có được cơ ngơi vững chắc. Năm 2014, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân về sản xuất mộc mỹ nghệ. Mỗi năm, doanh thu đạt từ 2-2,5 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động ở địa phương với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng.

Ở Quảng Điền, ngoài mô hình của ông Thiện còn xuất hiện rất nhiều mô hình phát triển kinh tế của những CCB điển hình khác, như: Mô hình chăn nuôi tổng hợp của CCB Phan Gia Hiền (thị trấn Sịa) có doanh thu trên dưới 1 tỉ đồng/năm, mô hình dịch vụ nông nghiệp - dịch vụ vận chuyển của CCB Nguyễn Phong (xã Quảng Thái) thu lãi 150 triệu đồng/năm, mô hình gia trại của CCB Lê Hùng (xã Quảng Phước) thu lãi gần 200 triệu đồng/năm, mô hình thu mua, sơ chế, cung ứng rau sạch của CCB Nguyễn Văn Định (xã Quảng Thành) thu lãi 140 triệu đồng/năm…

Khuyến khích phát triển kinh tế

Hội CCB huyện Quảng Điền hiện có 1.680 hội viên/11 cơ sở, 5 hội khối 478 và 1 CLB doanh nhân – chủ trang trại CCB. Các hội viên luôn gương mẫu giữ vững, phát huy bản chất, truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ” và đóng vai trò nòng cốt trong mọi hoạt động, phong trào ở địa phương. Các hội viên luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, quyết vươn lên chiến thắng đói nghèo, làm giàu chính đáng.

Để khuyến khích hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời cho các hội viên nắm bắt được các chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước; ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp CCB được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức tập huấn về các chương trình khuyến nông - ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn nâng cao kiến thức làm kinh tế cho các hội viên.

“Để khuyến khích CCB phát triển kinh tế, chúng tôi chủ động tạo nguồn vốn vay ưu đãi chuyển giao các dự án kinh tế hiệu quả đến hội viên, như: Nuôi vịt bầu cánh trắng, chăn nuôi 3 tầng sinh thái, nuôi giun quế, trồng và bảo vệ rừng”, ông Lương cho hay.

Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế, các hội viên hội CCB huyện Quảng Điền còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tạo công ăn việc làm cho các hội viên, người thân của hội viên Hội CCB trong huyện.

Quỳnh Viên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Nhiều dự án kinh tế cho nông dân

Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Điền đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án kinh tế cho nông dân
Return to top