ClockThứ Sáu, 08/05/2015 13:01

Cứu lấy thương hiệu

TTH - Làng nghề dầu tràm Lộc Thuỷ (Phú Lộc) đã tạo thương hiệu tiếng tăm ra Bắc vào Nam. Thế nhưng, vì muốn ăn xổi, có hộ bán dầu tràm đã lấy dầu từ nơi khác đưa về.

Tiền nào của ấy

Xe đổ đèo phía nam Phước Tượng, đã thấy hai bên QL1A bày bán dầu tràm với nhiều màu sắc, đóng chai khác nhau, làm chúng tôi không khỏi tò mò. Ghé vào quán đầu tiên bên chân đèo, một chị trạc ngoài 30 tuổi trong nhà chạy ra chào mời: “Mua dầu đi anh. Dầu đặc trị nguyên chất không pha, dùng cho trẻ em, người già, đảm bảo chỉ Lộc Thuỷ mới có”. Chị này lấy trong tủ kính giới thiệu loại chai thuỷ tinh hình dẹt, dung tích khoảng 150ml, giá 50 nghìn đồng. Đối diện bên kia đường còn có hai, ba quán chưng hiệu “bán dầu tràm nguyên chất” với những phụ nữ đang chào bán cho xe khách vừa dừng lại.

Nhiều quán bán dầu tràm trải dài bên QL1A qua địa bàn xã Lộc Thủy

Trong vai khách hàng, chúng tôi tìm đến quán có bảng hiệu khá bắt mắt với tên M.H có ghi hàng chữ lớn dầu tràm Lộc Thuỷ nguyên chất tại thôn Phước Hưng. Nghe hỏi mua dầu tràm, bà chủ quán đon đả mời vào nhà giới thiệu đủ loại dầu, có hình dáng chai lọ từ loại 120ml-250ml, có mùi hương khác nhau và giá dao động từ 30-70 nghìn đồng/chai. Nếu lấy dầu Lộc Thuỷ, chai hình dẹt, khoảng 150ml, giá 130 nghìn đồng. “Ở đây tôi bán nhiều loại dầu phục vụ khách từ trong Bắc ngoài Nam”- chủ quán nói.

Ghé vào quán có tên HT, một bà cụ khoảng ngoài 70 tuổi bước ra giới thiệu: “Dầu ở đây chính hiệu nguyên chất do con gái nấu. Chú thích rẻ, tui bán dầu rẻ, thích tốt thì đắt hơn. Tiền nào của ấy”.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Dọc theo QL1A qua địa bàn Lộc Thuỷ đến Lộc Tiến, có khá nhiều quán bán dầu tràm, bên cạnh đặt những lò nấu dầu thơm ngào ngạt, khói toả ngun ngút. Thế nhưng chúng tôi cứ băn khoăn về chất lượng, giá cả... Qua giới thiệu cán bộ địa phương, chúng tôi tìm gặp ông Trương Viết Đính, Chủ nhiệm HTX Dầu tràm Lộc Thuỷ, người có công lớn xây dựng nhãn hiệu tập thể dầu tràm Lộc Thuỷ được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận vào năm 2011. Ông Đính cho biết, HTX hiện có 35 hội viên chuyên sản xuất, bán dầu tràm Lộc Thuỷ. Tại nhà riêng của ông có cửa hàng giới thiệu bán dầu tràm nhãn hiệu tập thể Lộc Thuỷ do gia đình tự luyện chế và một phần thu mua từ các hội viên.

Ông Đính trải lòng, gần đây trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng lấy dầu từ nơi khác về, không rõ nguồn gốc sang chiết ra chai nhỏ, bán giá rẻ bất ngờ. Một chai 120ml giá chỉ 20-50 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu cùng dung lượng chừng ấy và đúng dầu tràm Lộc Thuỷ, cửa hàng ông bán 130 nghìn đồng. Giá bình quân, 1 lít dầu tràm Lộc Thuỷ là 1,3 triệu đồng. Ông Đính lo lắng: “Vào giữa tháng 4 vừa rồi, Công an huyện Phú Lộc đã bắt quả tang 1.700 chai dầu không rõ nguồn gốc tại thôn Phước Hưng. Đây chỉ là một vụ nổi lên của “tảng băng chìm”. Điều này làm khổ cho các hội viên HTX Dầu tràm Lộc Thuỷ làm ăn chân chính. Rồi thương hiệu làng nghề dầu tràm Lộc Thuỷ sẽ mất vì khách chỉ đến mua một lần rồi đi”.

Bà Trần Thị Quyên, thôn Phú Cường (Lộc Thuỷ), người đã nấu dầu hơn 40 năm nay, cho biết: “Hiện trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng bán dầu tràm không rõ nguồn gốc. Giá nào họ cũng bán được. Một chai 120ml chỉ có giá 20-25 nghìn đồng, trong khi giá chiếc chai hết 5 nghìn đồng. Không biết dầu đó là dầu gì. Dầu tràm nguyên chất của Lộc Thuỷ không thể rẻ như thế. Chưa tính giá chất liệu tràm, công sức để tinh luyện ra 1 lít là không dễ, mất cả tuần lễ”.

Ông Trần Nguyễn Minh Quân, Phó phụ trách Phòng Công thương Phú Lộc cho biết, hiện đang phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học &Công nghệ mua thiết bị, cũng như xây dựng quy trình kiểm tra nhanh chất lượng dầu tràm. Dự kiến vào cuối tháng 5 sẽ đưa thiết bị vào hoạt động tại xã Lộc Thuỷ.

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thuỷ nói, với thực trạng trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp các ngành chức năng huyện, tỉnh kiểm tra xử phạt những trường hợp bán dầu dỏm, dầu không rõ nguồn gốc. Mới đây, UBND xã tiến hành kiểm tra, buộc những hộ kinh doanh dầu tràm Lộc Thuỷ ký cam kết không bán dầu không rõ nguồn gốc; đồng thời đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm, nếu hộ nào vi phạm sẽ xử phạt và yêu cầu ngừng hoạt động mua bán.

Để khách hàng có niềm tin đối với làng nghề dầu tràm Lộc Thuỷ (tồn tại hơn 100 năm), các ban, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kiểm định chất lượng; đồng thời cung cấp thêm đường dây nóng để khách hàng thuận tiện thông tin, trao đổi khi mua gặp dầu dỏm, kém chất lượng. Về phía chính quyền sở tại nên xây dựng bảng hiệu đặt ở cửa ngõ ra vào địa bàn, ghi rõ các địa chỉ uy tín bán dầu tràm Lộc Thuỷ để khách hàng chọn mua dầu chất lượng đúng của làng nghề...

Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng tăng, giá dầu giảm

Từ 15h hôm nay (28/3), mỗi lít xăng tăng 410 - 530 đồng, trong khi các mặt hàng dầu (trừ mazut) giảm 320 - 390 đồng tùy loại.

Giá xăng tăng, giá dầu giảm
Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Thành Trung - thôn nông thôn mới kiểu mẫu

Bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, với cách làm chủ động, sáng tạo, lấy người dân làm chủ thể, thôn Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) đã trở thành thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Quảng Điền.

Thành Trung - thôn nông thôn mới kiểu mẫu
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top