ClockThứ Sáu, 16/09/2016 13:57

Cựu nữ tù Côn Đảo Dương Thị Tý

TTH - Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà Dương Thị Tý (85 tuổi) hiện trú tại 50 Nguyễn Chí Diểu, phường Thuận Thành (TP. Huế) bị địch bắt. Năm 1972, bà bị địch đày ra Côn Đảo. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nhắc đến, nhà tù Côn Đảo, địa ngục trần gian năm nào bà không thể nào quên...

Bà Dương Thị Tý nhớ về những ngày ở Côn Đảo

Tôi gặp nữ cựu tù Côn Đảo Dương Thị Tý tại nhà riêng của bà Dương Thị Mai (83 tuổi) em ruột bà Tý, hiện trú tại 106/28 Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú (TP. Huế). Bà Tý chia sẻ: “Mấy năm gần đây, em tôi già yếu nằm liệt một chỗ, nên tôi tranh thủ qua chăm sóc”. Bà xúc động kể: “Trước đây, do hoàn cảnh chiến tranh, nên hai vợ chồng ly biệt, nay một thân một mình. Chỉ có người em là người thân phần nào an ủi tuổi già.”.

Với bà Tý, ký ức và những kỷ niệm của một thời gian khổ trong lao tù ở Côn Đảo vẫn còn đó. Lấy cho tôi xem kỷ vật quý giá là Kỷ niệm chương Chiến sĩ Cách mạng địch bị bắt tù, đày do Thủ tướng Chính phủ tặng, bà Tý tâm sự: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi chỉ góp một phần công sức nhỏ bé của mình. Nhiệm vụ của tôi là hàng ngày cùng với các chị em khác ở Huế bí mật đưa thư cho cơ sở cách mạng ở khu vực chợ Đông Ba. Năm 1969, bị lộ, tôi cùng một số chị em đã bị địch bắt, tù đày”.

Nhớ về những ngày gian khổ đó, bà Tý cho biết: “Sau 3 năm bị giam tại Lao Thừa Phủ, năm 1972, bọn địch lùa chúng tôi lên xe, chở thẳng về cửa biển Thuận An. Lúc lên xe, tôi và mọi người không biết là chúng đưa đi mô. Khi lên tàu, mọi người mới biết mình bị đày ra Côn Đảo. Trải qua trại giam số 2, 4, 5... ở Côn Đảo, tôi và nhiều nữ chiến sĩ phải hứng chịu những đòn tra tấn dã man như đổ nước ớt, đánh đập, tra điện... nhưng không ai một phút nao lòng. Trong trại giam, tối nào chị em chúng tôi cũng tổ chức đấu tranh, đả đảo đế quốc Mỹ”.

Mời tôi uống nước, bà Tý tiếp tục câu chuyện: “Chúng hỏi cung tôi. Làm việc chi, tổ mấy người? Tôi trả lời không biết. Chúng truy vấn, tại sao có giấy tờ liên quan tới bà? Tôi nói, tôi là dân đen, sao biết được. Địch thực hiện chế độ hà khắc với những tù nhân chính trị. Ban ngày chúng bắt những người cộng sản đi lao động khổ sai: Đốn củi, khiêng củi, làm ruộng; ban đêm bắt ngồi học tố cộng. Ăn uống toàn mắm muối, khổ cực. Ốm đau không được chữa trị. Anh em lao tù bức xúc cao độ, xảy ra đấu tranh nên địch đánh đập dã man”.

Tháng 5/1963, Chi bộ Đảng với tên gọi Lê Hồng Phong được thành lập. Nhiệm vụ của Chi bộ Lê Hồng Phong là vừa sắp xếp tổ chức, vừa từng bước tiến hành đấu tranh chống lao động nặng nhọc, chống hô khẩu hiệu, chống chào cờ 3 que, chống học tập tố cộng... Cuộc đấu tranh lúc lớn, lúc nhỏ, nhưng đã tạo được niềm tin trong các chiến sĩ bị giam cầm ở Côn Đảo. Tù chính trị ở đất liền chuyển ra Côn Đảo nhiều đợt, vừa bổ sung lực lượng, vừa cổ vũ tinh thần anh em khi biết tin thắng trận dồn dập của quân đội ta. Khoảng 8 giờ sáng 1/5/1975, Côn Đảo được anh em tù chính trị giải phóng và làm chủ tình hình. Rạng sáng ngày 4/5/1975, tàu hải quân ta từ đất liền chở bộ đội ra tới đảo. 3 giờ chiều cùng ngày, Côn Đảo hoàn toàn giải phóng. Tại thời điểm giải phóng, Côn Đảo có 7.448 tù nhân; trong đó, tù chính trị 4.334 người (494 phụ nữ và 31 tử tù).

Côn đảo được giải phóng, bà Tý được trở về đất liền, chấm dứt những ngày lao tù. “Vui mừng khôn xiết, anh, chị em chúng tôi cùng đoàn giải phóng đến thăm mộ chị Võ Thị Sáu và anh Lê Hồng Phong trước khi lên đường về đất liền”, bà Dương Thị Tý cho biết thêm. Sau khi ra tù, bà Tý được cấp trên cho đi học, rồi làm ở Văn phòng Tỉnh ủy cho đến ngày nghỉ hưu. Giờ tuổi cao, sức yếu, nhưng những người anh, người chị, đồng đội, cấp trên của bà Tý ở Côn Đảo năm nào vẫn luôn động viên, nhắc nhở nhau trong cuộc sống. Họ vẫn luôn giữ vững sự kiên trung, bất khuất, kiên cường của những chiến sĩ Cộng sản...

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top