ClockThứ Năm, 28/09/2017 13:55

Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là phụ nữ

TTH.VN - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định như vậy tại lễ khai mạc Hội nghị Đối thoại công- tư về Phụ nữ và Kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế (PPDWE) APEC 2017 diễn ra tại Huế sáng 28/9.

Vị thế của phụ nữ ngày càng khẳng địnhGiải thưởng kinh doanh thành công trong APEC: Truyền cảm hứng kinh doanh cho phụ nữKhuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực giao thông vận tảiĐề cao vai trò của phụ nữ trong hội nhập và phát triển kinh tế

Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH Đào Ngọc Dung; Phó Tổng Giám đốc điều hành cơ quan Liên Hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên hợp quốc - bà Lakshmi Puri.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng dự hội nghị quan trọng này.

Giúp doanh nhân nữ nâng cao năng lực cạnh tranh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ một số đánh giá, suy nghĩ về vấn đề làm sao để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời mong muốn Đối thoại sẽ thảo luận sâu về những vấn đề này.

Đó là, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ; cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu; nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.

“Vì vậy, cần tạo cơ hội và khuyến khích kết nối các nữ doanh nhân, chia sẻ giữa khu vực công và khu vực tư nhân, không chỉ trong từng nền kinh tế mà cả ở quy mô khu vực như trong APEC để giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cơ hội được chia sẻ và được lắng nghe cũng như phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và đóng góp vào nền kinh tế”- Phó Chủ tịch nước khẳng định.

Đoàn chủ tịch điều hành tại hội nghị đối thoại 

Với tư cách là Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB& XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Ở khu vực APEC phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo trong lực lượng kinh doanh và làm chủ doanh nghiệp. Theo thống  kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 - 80% việc làm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 - 50% GDP trong các nền kinh tế APEC.

Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ.

Để làm được điều này, chúng tôi đặt niềm tin ở các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp đại diện cho các doanh nhân nữ. Đó là chỗ dựa, kênh kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nhân nữ nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động chủ động, tự tin, hiệu quả, tham gia vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách và hội nhập sâu rộng trong các nền kinh tế khu vực. Đồng thời, mong muốn cộng tác với các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân nữ. Sự tham gia và tư vấn cho các thành viên APEC có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thảo luận về nâng cao vai trò và quyền năng của phụ nữ, nhằm đóng góp có hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng bao trùm, tự do hoá thương mại và đầu tư của APEC.

Với vai trò chủ nhà, ông Đào Ngọc Dung đề nghị các đại biểu tích cực, thẳng thắn trao đổi, tham gia vào các nội dung thảo luận, nêu lên những thách thức, kiến nghị giải pháp và đề đạt nguyện vọng. Các ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị này sẽ giúp định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới.

Nữ làm chủ trụ vững cao hơn

Hiện nay, ở Việt Nam, bình quân cứ 4 người là doanh nhân thì có 1 người là phụ nữ. Trong chương trình quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ Việt  Nam cũng đề ra mục tiêu tăng tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên 35% vào năm 2020 và cao hơn vào những năm tiếp theo.

Mặc dù chỉ chiếm1/4 trong tổng số doanh nhân, nhưng số nữ doanh nhân Việt Nam được Việt Nam và thế giới ghi nhận, tôn vinh thì không hề thua kém đấng mày râu. Trong những năm qua, khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, biến đổi khó lường, thì tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ trụ vững cao hơn so với nam giới. Hiệu quả kinh doanh của chị em trên nhiều chỉ số cũng cao hơn.

Phụ nữ là doanh nhân - là một trong những thông điệp của diễn đàn gửi đến 21 nền kinh tế thành viên APEC 

“Trong khuôn khổ diễn đàn này, chúng ta bàn về phụ nữ và kinh tế với thông điệp “She means Business” - phụ nữ là doanh nhân, tôi mong các đại biểu chia sẻ những thực tiễn tốt và những câu chuyện hay về phụ nữ làm kinh doanh trên phạm vi toàn cầu và hãy đưa ra những khuyến nghị với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC về các giải pháp phát triển doanh nghiệp doanh nhân nữ. Và cũng đề ra những biện pháp để các hiệp hội và cộng đồng doanh nhân nữ liên kết lại để hỗ trợ chị em thiết thực, có hiệu quả hơn trong một nền kinh tế sáng tạo, nhân văn, bao trùm mà APEC đang hướng tới. Tôi cũng kêu gọi các doanh nhân nữ và hiệp hội doanh nghiệp nữ hãy thiết lập Mạng lưới Nữ doanh nhân APEC để chia sẻ, học hỏi và tương tác với nhau. Hãy dấy lên phong trào She mean Business trong các nền kinh tế APEC của chúng ta. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Các nữ đại biểu trao đổi về chủ đề "phụ nữ và kinh tế"

Trên tinh thần đó, các đại biểu của 21 thành viên APEC đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh các vấn đề về: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới.

Tin, ảnh: Phong Bình – Thảo Chi

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Return to top