ClockThứ Ba, 31/01/2017 21:20

Dạ…

TTH - Chuyện nửa đùa nửa thật, nhưng làm ta miên man nghĩ về một vùng đất có những con người kín đáo, hấp dẫn nhưng khó hiểu, không dễ gần.

Tôi sống Hà Nội, lớn lên chỉ biết Huế qua sách vở, mấy bài hát. Ấn tượng sâu đầu tiên về Cố đô lại có sắc thái hài hước. Anh bạn họa sĩ từ đây ra kể chuyện “cua” gái: Thấy cô bán hàng dễ thương tớ buông lời tán “Em ơi sao em xinh thế?”. “Dạ”. “Đất trời này dễ em là hoa hậu rồi”. “Dạ”. “Tối nay đi chơi với anh nha, giờ ấy chỗ ấy được không?”. “Dạ”. Sáng hôm sau: “Em ơi sao tối qua không ra để anh đợi hoài, bận hay sao?”. “Dạ”. “Tối nay nhé, vẫn chỗ cũ giờ cũ, không thì anh chết đấy”. “Dạ”. Cuối cùng họa sĩ cáu: “Em còn cái “dạ” nào dọn nốt cho anh xơi”.

Chuyện nửa đùa nửa thật, nhưng làm ta miên man nghĩ về một vùng đất có những con người kín đáo, hấp dẫn nhưng khó hiểu, không dễ gần. Tính cách Huế chăng? Sau này tôi đưa chi tiết này vào tiểu thuyết “Đèn vàng”. Rồi biết thêm “đặc điểm” nữa: trời mưa, ai trú lại thì không phải người Huế. Và câu thơ Thu Bồn “Con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Một người nữa “giới thiệu” cho tôi khám phá Huế là cụ Phạm Quỳnh. Trước đây nhắc đến học giả này còn nhiều úy kỵ, giờ khác dần: in sách, nhắc công lao văn hóa… Ngày đặt tượng ở mộ ông gần đây, ông Nguyễn Khoa Điềm có dự. Du ký “Mười ngày ở Huế” đăng tạp chí Nam Phong năm 1918, Phạm Quỳnh cho biết ông thích lăng Gia Long chừng nào: “… giản dị hơn cả, nhưng có cái vẻ hùng tráng, thực là biểu được cái chí to tát một ông vua sáng nghiệp”, “… không ưa những sự hư văn vô ích”. Và cất lời chê: “Đại để từ lăng Thiên Thụ, qua Hiếu lăng, Xương lăng, đến Khiêm lăng, cái hư văn càng xuống càng thịnh, mà cái vẻ thuần phác hùng hồn lúc đầu càng mất dần đi vậy”. Đọc mấy câu trên, tôi có chuyến ngược dòng Hương ngoạn mục, (đâu như) qua ngã ba Tuần một quãng rồi lên bờ cuốc bộ hơn cây số nữa tới lăng Gia Long. Một vùng trời xanh cao, bên dưới lơ thơ bóng thông, leo chầm chậm từng bậc cấp long lở, ngắm nghía hai trụ biểu đơn sơ, trước đây chắc hùng dũng lắm… “A, ta đang được tiếp cận với những gì rất mơ hồ trong lịch sử đây”. Sau này, tôi lại có được tâm thế ấy khi đến Văn Thánh, Võ Thánh, những nơi vắng vẻ. Chen chúc trong dòng du lịch đông đúc ở chỗ khác, dường như không hình dung quá khứ rõ bằng.

Với trải nghiệm này, tôi ưa sống chậm, một mình mỗi khi về Huế. Đi bộ dưới nắng lâu cũng quen, nhất là với cảm giác dưới mỗi bước chân mình là một bề dầy lịch sử. Đường Điện Biên Phủ bụi bặm lúc nào cũng như công trường, rẽ trái có chùa Từ Đàm, mộ Phan Bội Châu, rẽ phải là chùa Vạn Phước, mộ Phạm Quỳnh, quãng nữa là tư gia bạn mới “khánh thành” ngôi nhà sàn thơm mùi cá nướng. “Làng” Kim Long nhiều gái đẹp “dụ dỗ” cả vua, phố cổ Bao Vinh sầm uất một thời. Tôi ưa một cây cầu - đâu như Dã Viên - đến nỗi bất chấp luật lệ đi bộ ngược chiều, để ngắm dòng Hương, hòn đảo (cồn) và những con thuyền phía dưới, may không bị phạt. Rồi về bờ Nam ngồi, ngắm làn da đã đen hơn, nghĩ mình có thể trầm mặc thế này rất lâu được.

Huế, với tôi còn có những con người, đa phần vong niên. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhỏ nhẹ giảng giải về vị trí “cân phân” của kinh thành xưa. Và hai ông Phan. Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan cho tôi xem thư viện rất đẹp, tặng bộ “Nghiên cứu Huế” đồ sộ dù mới gặp lần đầu. Từ chỗ ở, vài lần tôi đáp xe “căng hải” đến đường Cao Bá Quát, nhà của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Gầy yếu, mắt sâu hoắm, khẽ khàng, ngồi giữa đám đồ cổ, ông nói về trận lụt lớn thiệt hại cho cố đô nhưng nhờ đó mà ông khai quật được “văn hóa sông Hương”. Tôi chả hiểu mấy về đồ cổ, cử động rón rén chỉ sợ làm tổn hại đến chân đèn giá nến bình tích điếu ống “vứt” ngổn ngang xung quanh. Nhưng sợ nhất là để lọt những câu kiểu “Nói “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán – Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” nó khiên cưỡng, Miên Thẩm Miên Trinh so thế nào với Siêu Quát được”; một nhận xét không “duy Huế”. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan làm tôi tiếc vì chưa được gặp nhiều trí thức trẻ nơi đây, để nghe tâm tình, những phản biện của họ về vài sự kiện gây chút xáo động, như nhà nghiên cứu “chuyên pháp lam” nọ vượt Hải Vân vào Đà Nẵng… Dù gì thì gì, thật khó hình dung một Huế hiện đại.

Lâu không vào rồi, chả phải để làm gì, có khi chỉ ngồi bên sông, chẳng nghĩ ngợi, nhìn đường sá không tắc tỵ, xe cộ không tranh hơn nhau một nửa của một phần tư phút. Biết đâu tiếng “dạ” rơi xuống…

Trần Chiến

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top