ClockThứ Bảy, 27/02/2016 15:43

Đã bắt gặp những nụ cười

TTH - Hơn 5 tháng kể từ thời điểm các cơ sở y tế ở Thừa Thiên Huế cam kết “Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, đến nay bệnh nhân đã thấy những nụ cười trên môi nhiều thầy thuốc.

Thầy giáo Lê Văn Dương, được điều trị liệt dây thần kinh thứ 7 tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh

Ân cần như người nhà

Sau Tết, tôi đến thăm Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ở đường Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc (TP Huế). Bước vào hành lang dãy phòng điều trị khoa nội đã thấy nhân viên y tế và bệnh nhân chuyện trò rôm rã. Y sĩ trẻ Đoàn Xuân Thìn trong trang phục blous trắng, trực phòng 12, nhẹ nhàng ấn từng những mũi kim vào lưng, vai gáy bác Phạm Văn Hoàng, bệnh nhân đau liệt cơ vai: “Bác thấy thế nào; hôm nay đỡ hơn chưa. Cánh tay còn tê không”, anh Thìn ân cần. Khuôn mặt bác Hoàng lúc này rất tươi: “Khá lên nhiều rồi chú. Tay ít tê nhức hơn mấy hôm trước”. Một mệ già móm mém nằm cạnh giường bác Hoàng nhìn tôi cười: “Tuổi lớn, mình mẩy đau hoài. May nhờ các y, bác sĩ thường xuyên lui tới động viên, nhiệt tình tư vấn nên không lo lắng nhiều”. Chào y sĩ Thìn, tôi đến thăm các phòng điều trị ngoại, bỗng nghe vẳng câu nói thiện cảm ở phòng của y, bác sĩ trực ở đây: “Em hỏi hai bệnh nhân phòng E đã ăn sáng chưa. Anh chuẩn bị vào phòng châm nhé”. Tại đây, tôi tình cờ gặp người quen là thầy giáo Lê Văn Dương, Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc) đang nằm điều trị chứng liệt cơ vùng mặt. Thầy Dương nói: “Mình bị liệt dây thần kinh thứ 7 từ trong năm nên méo miệng và mắt nhắm không kín. Mới vào đây điều trị 4 ngày đã thấy đỡ nhiều”. “Bạn ăn uống, sinh hoạt thế nào”. Tôi hỏi. “Cũng nhờ các y sĩ, bác sĩ thường đến trò chuyện động viên, giúp đỡ nên không đến nỗi vất vả”. Thầy Dương chân tình.

Khoảng 9h sáng vào một ngày cuối năm vừa qua, tôi ghé về Bệnh viện thị xã Hương Thủy. Ngay ở hành lang của khoa khám bệnh đã thấy đông người. Dãy ghế ngồi chờ không một chỗ trống. Các quầy làm thủ tục vào khám cũng kín chỗ. Một nhân viên trẻ ngồi bên trong nhẹ nhàng phát ra từ ô cửa: “Em đã ghi trong giấy. Anh cứ lên tầng 2, rẽ phải là gặp”. Hỏi người vừa được cô nhân viên chỉ dẫn mới biết anh này đang muốn tìm bác sĩ quen để hỏi về kết quả xét nghiệm máu vì mấy ngày qua, trời lạnh, người bị ho và sốt nhẹ. Trước phòng khám nội, tôi gặp chị Lê Thị Lành, xã Thủy Tân đang ngồi chờ đến lượt khám: “Đau không nhiều nhưng gần Tết, ông xã bảo đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe để ăn uống cho ngon. Mấy hôm nay ho nhiều quá. Tôi ít đến chỗ đông người nhưng nhờ các chị nhân viên y tế nhiệt tình chỉ dẫn, giờ cũng chuẩn bị vào phiên khám rồi”.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ quan sát ở khu vực tiếp đón bệnh nhân và các phòng khám, tôi  gõ cửa “tổng tư lệnh” Bệnh viện thị xã Hương Thủy không ngoài mục đích tìm hiểu về nội dung việc cam kết: “Đổi mới phong cách phục vụ hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân” của đơn vị trong thời gian vừa qua. Dẫu không hẹn trước, nhưng bác sĩ CKII Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Bệnh viện thị xã Hương Thủy chào đón niềm nở. Bác sĩ Vỹ nói, chúng tôi luôn quán triệt thông tư, chỉ thị, thậm chí dù việc rất nhỏ có liên quan từ bộ, sở y tế đưa về cho các trưởng khoa phòng đến y, bác sĩ nhân viên, kể cả bảo vệ, lái xe... Đổi mới phong cách phục vụ không phải chờ đến khi cam kết mới thực hiện mà trước đó đơn vị đã thực hiện. “Chúng tôi xác định thái độ, phong cách phục vụ người bệnh là cần thiết, bất cứ mọi nơi, mọi thời điểm khi đứng chân vào ngành y” - Bác sĩ Vỹ nói.

Không còn “sợ”

Bệnh viện thị xã Hương Trà là một trong những cơ sở y tế mỗi ngày đón từ 200-250 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Khi chúng tôi có mặt ngay lối từ cổng vào, anh bảo vệ cởi mở chào hỏi. Tại khu tiếp đón, có bàn chỉ dẫn được bố trí tại các sảnh đợi để hướng dẫn bệnh nhân, người nhà làm thủ tục. Bà Phan Thị Dẻo, phường Hương Vân, đến khám bệnh tim mạch chia sẻ: “Tôi về đây mấy bận rồi nên rất rõ. Nhân viên ở đây vui vẻ thiện chí lắm. Điều chi chưa rõ là mình được hướng dẫn kỹ. Khác với trước, mỗi khi vào bệnh viện thấy nhân viên y tế lạnh nhạt lắm. Nhiều người đáng tuổi con cháu nhưng ăn nói trống không. Hiếm khi nhận được nụ cười ...

Gần trưa, vẫn còn nhiều bệnh nhân đứng tại các ô cửa khu vực tiếp đón và phòng phát thuốc nhưng nhân viên vẫn rất niềm nở chỉ dẫn. Một phụ nữ trông lớn tuổi, dáng vẻ sang trọng đang chờ nhận kết quả khám mắt nói với tôi một cách hồn nhiên: “Anh viết báo hả. Ở mô cũng có người này người kia anh ơi. Tuy nhiên, phần lớn các nhân viên y tế ở đây mà tôi đã  tiếp xúc họ đều vui vẻ, cởi mở”.

 Bác sĩ CKII Lê Đình Thao, Giám đốc Bệnh viện thị xã Hương Trà cho biết, Bệnh viện đang cố gắng rút gọn tối đa quy trình khám chữa bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Lâu nay, bệnh viện xây dựng quy chế, tổ chức tập huấn nhiều lần cho toàn bộ cán bộ nhân viên, đồng thời thành lập tổ giám sát liên khoa phòng để giám sát việc thực hiện chủ trương làm hài lòng người bệnh. Hàng tháng, tổ giám sát báo cáo tại cuộc họp giao ban bệnh viện về trường hợp cán bộ y bác sĩ nào có thái độ chưa đúng mực hoặc quy trình thủ tục khám chữa bệnh nào còn bị người bệnh phản ánh gây phiền hà… để rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

Các nội dung quan trọng của kế hoạch “Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đó là xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế và cán bộ y tế phục vụ bệnh nhân theo phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”; chú trọng xây dựng, đưa ra những biện pháp cụ thể phù hợp với điều kiện của đơn vị để khắc phục những hành vi ứng xử không tốt của từng cán bộ y tế trong khoa, phòng với người bệnh, như thờ ơ, hách dịch, cửa quyền, có biểu hiện gợi ý nhận tiền, quà, gây phiền hà cho người bệnh.

Theo khảo sát và đón nhận thông tin nhiều phía, chúng tôi nhận thấy rất nhiều bệnh viện trên địa bàn đã chuyển biến tốt về thái độ, cung cách phục vụ, xem bệnh nhân như người thân.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nụ cười Đông Ba

Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu ở chợ Đông Ba kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Nụ cười Đông Ba
Mang nụ cười trở lại

Ai cũng mong muốn con của mình sinh ra được lành lặn, kháu khỉnh như bao trẻ em khác.

Mang nụ cười trở lại
Trao ánh mắt, tặng nụ cười

Đó không chỉ là ‘slogan’ của Bệnh viện (BV) Mắt Huế mà còn là mục tiêu phấn đấu, cống hiến suốt gần 40 năm qua của Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Phạm Minh Trường.

Trao ánh mắt, tặng nụ cười
Nụ cười mùa thu hoạch cao su

Dù phải rất vất vả khi gắn bó, nhưng một khi cây cao su đã có thể cắm chân được trên vùng gò đồi, bán sơn địa Thừa Thiên Huế thì kỳ tích “xóa đói giảm nghèo” của nó đối với đời sống của người dân là thấy rõ.

Nụ cười mùa thu hoạch cao su
Cho em nụ cười trọn vẹn

Những giọt nước mắt của bậc làm cha mẹ đã rơi khi con mình nay đã nói rõ tiếng, cười tự tin… Hai tuần phẫu thuật nhân đạo tại Bệnh viện Trung ương Huế, tổ chức Interplast – CHLB Đức mang đến nhiều niềm vui cho trẻ bị dị tật vùng mặt…

Cho em nụ cười trọn vẹn

TIN MỚI

Return to top