ClockChủ Nhật, 20/09/2015 07:38

Đa dạng chủng loại, phong phú mẫu mã

TTH - Thị trường từ thành thị đến nông thôn bắt đầu sôi động và rực rỡ sắc màu với những chiếc đầu lân, đầu địa hay các hộp bánh trung thu muôn sắc.

Đầu lân, mặt nạ và trống là các loại đồ chơi phục vụ Tết Trung thu được nhiều khách hàng lựa chọn

Bánh Huế vẫn thiệt thòi

Dù chỉ mới đầu tháng 8 âm lịch, song các đường phố đã rực rỡ sắc màu với hàng loạt các bảng quảng cáo giới thiệu bánh trung thu. Từ các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Tân Ký, Bibica, Yến sào Khánh Hòa, Hữu Nghị đến các loại bánh sản xuất ở trong tỉnh như Phúc Hưng, Hưng Ký, Quang Hưng, Bảo Thạnh, Như Ý có mặt khắp nơi. Qua khảo sát thị trường, dường như năm nào cứ đến mùa Trung thu, số lượng khách hàng đi mua bánh để làm quà tặng nhiều hơn là mua về sử dụng khiến các thương hiệu bánh nổi tiếng, cao cấp càng đắt khách; còn bánh “made in Huế” chủ yếu là đưa đi các tỉnh và tiêu thụ nhiều ở các vùng nông thôn.

Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Hưng Ký ở 40 Thánh Gióng, TP Huế những ngày này khá bận rộn và đông đúc. Là cơ sở chuyên sản xuất các loại bánh kẹo từ hàng chục năm nay, đến năm 2010 trang bị thêm máy móc và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà máy bánh kẹo lớn cơ sở sản xuất thêm sản phẩm bánh Trung thu phục vụ người tiêu dùng. Năm nay, cơ sở sản xuất trên 10 ngàn chiếc bánh các loại, trong đó tập trung vào dòng bánh nặn theo hình các con thú như heo, thỏ, gà, cá, rồng… với mức giá từ 10.000 - 20.000đ/cái. “Mặc dù bánh sản xuất ở Huế có giá rẻ, được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên như đậu xanh, hạt sen, dừa tươi, trứng gà, song rất khó tiêu thụ ở địa bàn TP mà chủ yếu là đưa đi các vùng nông thôn và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Đà Nẵng. Nguyên nhân là do khách hàng chưa quen với thương hiệu”, chủ cơ sở, chị Trần Thị Hạnh chia sẻ.

Các cơ sở bán bánh trung thu trang trí các loại đồ chơi khá bắt mắt để thu hút khách

Là một trong những thương hiệu được nhiều người biết đến nên bánh trung thu Bibica được xem là hãng bánh tiêu thụ mạnh tại thị trường Huế. Với doanh số bán hàng mỗi mùa Trung thu trên 1,5 tỷ đồng, DN tung ra nhiều sản phẩm từ bình dân đến cao cấp, bánh chay với nhiều mẫu mã, vỏ hộp tiện dụng với nhiều mức giá để khách hàng lựa chọn. “Năm nay do các nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá cước vận chuyển điều chỉnh tăng nên giá bánh Trung thu cao hơn từ 3-5% so với năm trước. Song, để thu hút khách, DN triển khai các gói khuyến mại như tặng lồng đèn giấy khi mua sản phẩm, giảm giá từ 20-22% cho các khách hàng đặt hàng số lượng lớn và các tổ chức từ thiện khi mua bánh tổ chức Tết Trung thu cho các trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật”, Trưởng bộ phận maketting tại Huế, Công ty CP Bibica - anh Võ Văn Châu nói.

Qua khảo sát thị trường, những năm gần đây các loại bánh có thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Tân Ký mặc dù giá cao, từ 160.000 đồng - 3 triệu đồng/hộp song vẫn được nhiều người lựa chọn. Trong khi đó, các loại bánh sản xuất tại Huế có giá rẻ, dao động từ 70.000 - 500.000đ/hộp song chỉ tiêu thụ mạnh tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc đưa đi các tỉnh, TP khác. “Khách hàng mua bánh trung thu chủ yếu là để làm quà tặng nên thường chọn loại đắt tiền, có vỏ hộp sang trọng. Vì thế nên các loại bánh Kinh Đô, Hữu Nghị đắt khách, còn bánh Huế chẳng mấy khi bán được hàng”, chủ cửa hàng Quốc Thịnh ở 48 Mai Thúc Loan, TP Huế - bà Đan Thanh cho biết.

Đồ chơi Việt chiếm ưu thế

Cùng với bánh, năm nay các loại đồ chơi phục vụ Tết Trung thu dành cho các cháu thiếu nhi xuất hiện sớm với đầy đủ chủng loại, từ hàng sản xuất trong nước đến các sản phẩm do các sinh viên tự chế có mẫu mã đẹp và lạ mắt. Các cửa hàng bày bán nhiều các loại đầu lân, trống, mặt nạ, đèn xếp… nhập về từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hàng “made in Huế”. Hiện, một đầu lân cỡ lớn có giá 600.000đ, đầu lân nhỏ dao động từ 40.000 - 500.000đ, trống từ 10.000 - 30.000đ, đèn giấy từ 10.000 - 25.000đ. “Kinh doanh nghề này lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Bởi, nếu thời tiết xấu, mưa bão kéo dài đầu lân rất khó bán, mà để sang năm sau sẽ úa màu. Hiện, khách hàng đi mua đồ chơi chưa nhiều, phải sau mồng 10 âm lịch mới đông khách. Năm nay các nhà phân phối không mời hàng “made in China” như mọi năm, mà chủ yếu là hàng sản xuất trong nước nên khách hàng yên tâm và lựa chọn nhiều”, ông Châu Trí Dũng, chủ cửa hàng đồ chơi trung thu ở 11 Trần Hưng Đạo nói.

Từ khi còn là sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, Phạm Bá Hiệp Quốc trú tại 84 Lê Duẩn, TP Huế đã bắt tay thiết kế các loại đồ chơi phục vụ mùa Trung thu. Từ niềm đam mê sáng tạo cộng với những kiến thức học ở trường, hàng ngàn chiếc đầu địa, đầu lân ra đời và đưa đi các tỉnh như Quảng Trị, Đắc Lắc, Hà Nội và thị trường Huế, đáp ứng nhu cầu vui chơi của các cháu thiếu nhi. “Để có đủ số lượng hàng phục vụ Tết Trung thu, ngay từ đầu năm 2015 em và nhiều nhân công đã bắt tay sản xuất và thiết kế ra nhiều mẫu mã mới. Đến thời điểm này, cơ sở đã sản xuất trên 5 ngàn đầu địa và đầu lân nhỏ từ nguyên liệu là giấy và nan tre, bột màu với giá từ 25.000 - 40.000đ/chiếc, hiện vẫn đang tiếp tục làm theo đơn đặt hàng của khách”, Hiệp Quốc chia sẻ.  

Thị trường Trung thu năm nay xuất hiện khá nhiều loại đồ chơi được làm từ nguyên liệu cao su non, giấy và nhựa tái chế có dán tem CR do các hãng sữa trẻ em, DN sản xuất mì ăn liền tặng kèm khi khách hàng mua sản phẩm vừa tạo sự sôi động cho thị trường, đồng thời giúp các em có thêm các loại đồ chơi đảm bảo sức khỏe khi sử dụng. Với nhiều mẫu mã như bộ đồ chơi gồm lồng đèn, mặt nạ và đồng hồ đeo tay; đèn ông sao với thiết kế có bóng đèn đủ màu hay những chiếc trống có hình các nhân vật trong phim hoạt hình sinh động. “Thay vì bỏ tiền ra mua đồ chơi cho con, mình mua hộp sữa Grow Plus giá 195.000, được tặng kèm chiếc lồng đèn khá đẹp và tiện dụng hay mua thùng mì ăn liền cũng được tặng chiếc đèn ông sao”, chị Hoàng Thị Nguyệt đang mua hàng ở chợ Bến Ngự nói.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top