ClockThứ Ba, 15/01/2019 08:26

Đa dụng với nước tẩy rửa sinh học

TTH - Chỉ với đường nâu, rác hữu cơ và nước, hai cô học trò Nguyễn Thị Khuyên và Nguyễn Thị Linh Đan đã ủ thành công nước tẩy rửa sinh học. Đa năng, rẻ tiền và mang tính ứng dụng cao, đề tài đã đoạt giải nhì cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật thị xã Hương Trà năm học 2018 – 2019.

85 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia30 sinh viên Trường ĐH Sư phạm được nhận học bổng AMALê Thảo Nhi - cô sinh viên năng động, đa tài

Tận dụng

Mỗi mùa bưởi, hai cô bé đều chứng kiến những góc vườn nhan nhản vỏ. Vùng quê trù phú, màu mỡ mang lại quả ngọt, song những rác thải hữu cơ ấy cứ mục ruỗng dần. Làm sao để tận dụng, biến chúng thành sản phẩm có ích? Linh Đan và Khuyên trăn trở mãi. Thế rồi những hiểu biết về lên men giấm đã chắp cánh cho hai cô học trò Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh.

Với rác hữu cơ, Khuyên và Linh Đan có thể ủ nước tẩy rửa sinh học đa dụng

Quá trình sản xuất nước tẩy rửa sinh học của hai em khá vất vả. Cô Trần Thị Diễm Thùy, giáo viên dạy hóa, đồng thời là người hướng dẫn cho các em chia sẻ: “Ngoài những kiến thức chung về lên men giấm, cô và trò phải chắt lọc, tìm hiểu những tư liệu khác. Ban đầu tất cả chỉ là lý thuyết, hầu như chẳng ai tin nghiên cứu của chúng tôi”.

Ròng rã với những vỏ bưởi, vỏ cam, cọng rau muống đến vỏ chuối…ba cô trò cứ chăm chỉ bên những nguyên liệu. Để tăng hiệu suất đề tài, các thành viên đều có thùng ủ riêng. Linh Đan cho biết: “Mỗi sản phẩm được ủ bằng nguyên liệu khác nhau, như thế mới so sánh được hiệu quả. Từ đó chúng em có phương án nâng cao chất lượng nước tẩy rửa”. Không phụ công, sau ba tháng vất vả, nỗ lực của Linh Đan, Khuyên và cô Thùy đã cho ra quả ngọt: Nước tẩy rửa sinh học được ủ thành công.

“Nước tẩy rửa sinh học chỉ gồm ba nguyên liệu: Nước, rác hữu cơ và đường thô. Tỷ lệ pha trộn là 10: 3: 1. Rác qua khâu rửa, cắt nhỏ được cho vào hỗn hợp nước đường đã hòa tan rồi đậy nắp. Sau đó chúng em đặt thùng nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp để hỗn hợp lên men”, Nguyễn Thị Khuyên trình bày cách làm.

Qua nhiều thử nghiệm, Khuyên và Linh Đan nhận thấy mùi đặc trưng của dung dịch phụ thuộc vào từng loại rác. Linh Đan nhận xét: “Với vỏ cam, chanh, dứa, bưởi, sản phẩm sẽ có mùi thơm. Các loại rác khác thì dung dịch khá nặng mùi”. Để cải thiện chất lượng, Nguyễn Thị Khuyên đã nghĩ ra cách dùng tinh dầu bưởi, tinh dầu sả... “Chỉ cần một vài giọt, nước tẩy rửa sẽ có mùi thơm nhưng vẫn đảm bảo an toàn…”, cô học trò nhỏ nói.

Hai cô học trò đúc rút: “Khi ủ, hỗn hợp sẽ sinh khí nên chúng em không sử dụng vật chứa bằng thủy tinh hay kim loại. Nắp thùng chỉ nên đậy vừa phải trong 10 ngày đầu để khí có thể thoát ra ngoài, Linh Đan cho biết thêm.

Đa năng, đa dụng

Đa năng và đa dụng, đó là hiệu quả đã được đề tài khẳng định. Linh Đan liệt kê: “Nước tẩy rửa sinh học có thể thay thế cho dầu gội, bột giặt, nước lau sàn, nước rửa chén. Dung dịch này còn dùng để chăm sóc cho thú cưng, gia súc. Với cánh đồng, hỗn hợp vừa đủ sẽ là thuốc trừ cỏ, sâu bọ hữu hiệu, cải thiện chất lượng đất và làm sạch nguồn nước…”.

Không chỉ rẻ tiền và hiệu quả, nước tẩy rửa sinh học còn mang những ưu điểm tuyệt vời. “Dung dịch không hết hạn sử dụng, càng lâu sản phẩm càng chất lượng. Với gia đình chúng em, vì không có nhiều nên lượng rác hữu cơ hằng ngày được cho dần vào thùng chứa có sẵn nước đường. Khi hỗn hợp đủ lượng chỉ cần đậy nắp lại, sau 3 tháng là mang ra sử dụng”, Nguyễn Thị Khuyên nói.

Nhiều giáo viên tại Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh đang bắt đầu ủ nước tẩy rửa sinh học. Đó là tín hiệu vui chứng tỏ sức hấp dẫn và tính ứng dụng cao của đề tài này. Hai cô học trò nhỏ chia sẻ mong ước. “Chúng em chỉ hy vọng nước tẩy rửa sinh học sẽ được mọi người biết đến, và trở thành người bạn đắc lực trong mỗi gia đình”.

“Không pha loãng dung dịch trong nước nóng. Không bảo quản trong tủ lạnh. Phải dùng đúng liều lượng, đó là cách để mọi người tối đa ưu điểm của nước tẩy rửa sinh học”, cô Thùy cho biết. Với tính năng của mình, nước tẩy rửa sinh học hứa hẹn mang lại những đổi thay tích cực. Chỉ cần mỗi hộ gia đình đều ý thức và dùng sản phẩm này, nhiều vấn đề về môi trường và rác thải sẽ được xử lý.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top