ClockThứ Bảy, 15/08/2015 11:08

Da giày thương hiệu Việt có đứng vững trên thị trường nội địa?

TTH.VN - Sản phẩm da giày của các doanh nghiệp Việt ngay khi rời xưởng đi ra thị trường nội địa đã phải đối mặt với nạn hàng nhái, hàng giả.

Việt Nam hiện nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Ý. Thế nhưng Việt Nam lại chưa có thương hiệu giày mang đẳng cấp quốc tế. 

Chính vì thế mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam thay vì chú trọng gia công xuất khẩu đã quan tâm tạo dựng thương hiệu riêng và từng bước xâm nhập, tìm chỗ đứng cho sản phẩm của mình trên thị trường nội địa. Từ đó có chiến lược đưa thương hiệu giày Việt Nam ra thị trường thế giới. Vậy liệu thương hiệu da giày Việt có đứng vững trên thị trường nội địa?

 
da giay thuong hieu viet co dung vung tren thi truong noi dia? hinh 0
Doanh nghiệp da giày Việt không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà phải nhập khẩu từ 75-80%.(Ảnh minh họa: KT)

Đã hơn 30 năm trong ngành sản xuất da giày, sản phẩm xuất đi 40 nước trên thế giới, tuy nhiên Công ty giày Tuấn Việt đóng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai chỉ được biết đến là đơn vị làm hàng gia công và hàng FOB cho nước ngoài. 

Xác định trong hội nhập kinh tế thế giới, muốn phát triển bền vững và vươn ra quốc tế phải xây dựng thương hiệu nên vài năm trở lại đây, ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt nghĩ đến việc xây dựng một nhãn hiệu giày của Tuấn Việt cho người Việt. Đây là bước đệm để đứng vững trên thị trường nội địa và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thương hiệu giày Việt ra nước ngoài.

Ông Tắc cho biết: “Muốn thương hiệu của mình phát triển trên thế giới, trước hết, phải xây dựng thị trường trong nước. Bởi vì trong nước chấp nhận được thì thế giới mới chấp nhận được. Trong 3 năm gần đây, chúng tôi bắt đầu tham gia thương hiệu nội địa, đã thử nghiệm trên thị trường Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi đã phủ khắp đất nước với các tiêu chí: chất lượng tốt, giá hợp lý và đảm bảo cho người tiêu dùng khi sử dụng.”  

 

 
da giay thuong hieu viet co dung vung tren thi truong noi dia? hinh 1

 

Giày Tuấn Việt với thương hiệu Tuvi’s đã vào được thị trường nội địa. Với đà thắng lợi này, ông Tắc tâm đắc cho biết: tận dụng lợi thế từ Hiệp định FTA vừa được ký kết, Công ty chuẩn bị xuất sang Nga lô hàng đầu tiên mang thương hiệu giày Tuấn Việt và đây sẽ là cơ hội để tiến dần vào thị trường Châu Âu.

Cũng bàn về câu chuyện xây dựng thương hiệu, ông Vũ Chầm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giày Việt cho biết, với 4 thương hiệu: Vũ Chầm, Vina Giày, Giầy Việt, Vinagico, Công ty ông đã đứng vững trên thị trường Việt Nam hàng chục năm nay. Tuy nhiên, nỗi trăn trở của ông lâu nay đó là Việt Nam chưa xây dựng được một thương hiệu giày nào mang tầm cỡ thế giới, trong khi rất nhiều nhãn hiệu giày nổi tiếng quốc tế lại do người Việt gia công. Vì vậy, người Việt Nam cần phải xây dựng được một thương hiệu giày Việt mang đẳng cấp thế giới chứ không chỉ chăm chắm vào làm hàng gia công.

Do đó, theo ông Chầm: “Khi gia công thì tuân thủ ý kiến của người gia công, nhưng cũng nên làm riêng một phân xưởng nhỏ để xây dựng một thương hiệu riêng cho doanh nghiêp. Phòng khi không gia công nữa, mình cũng không lo lắng gì vì đã có một thương hiệu.”

Hệ thống cửa hàng của Công ty cổ phần Giày Việt cũng cam kết sẽ nhận giới thiệu sản phẩm riêng của các công ty sản xuất để nhanh chóng đến được với người tiêu dùng cả nước. Ông Vũ Chầm cho rằng, với hơn 90 triệu dân, thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng, doanh nghiệp cần đảm bảo tốt chất lượng, mẫu mã thì làm hàng nội địa vẫn thắng lớn và ít rủi ro hơn làm hàng xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày TP HCM, những thương hiệu như Biti’s, Bita’s, Vina Giày… phải mất hàng chục năm xây dựng mới đứng vững trên thị trường nội địa. Từ bệ phóng này sẽ dần dần vươn ra thế giới. Bài học xây dựng thương hiệu từ các doanh nghiệp đã thành công, thấy được giá trị của thương hiệu và những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, những lợi ích của doanh nghiệp ngành da giày khi hội nhập kinh tế thế giới, nhất là khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, rất nhiều doanh nghiệp đã tập trung xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp da giày lâu nay chuyên làm hàng gia công xuất khẩu giờ đã quay trở lại thị trường nội địa đề bắt đầu cho thương hiệu của mình. Động thái này được cho là đi ngược, nhưng dù muộn vẫn còn hơn. Tuy nhiên, ông Trần Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo: “Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng xây dựng một thương hiệu. Trước mắt là xây dựng thương hiệu từ thị trường nội địa, tạo dưng thương hiệu từ con mắt của người tiêu dùng nội địa trước, sau đó mới phát triển ra. Còn nếu đi từ xuất khẩu rồi mới quay lại nội địa thì rất khó”.

Điều khó khăn nhất mà doanh nghiệp da giày đang gặp phải trong xuất khẩu và nhất là xây dựng thương hiệu, đó là vẫn chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất da giày. Doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà phải nhập khẩu từ 75% đến 80%. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giày vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi sản phẩm của các doanh nghiệp ngay khi rời xưởng đi ra thị trường nội địa đã phải đối mặt với nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và nhất là sự ồ ạt xâm nhập của hàng Trung Quốc khi quốc gia này đang phá giá đồng nhân dân tệ.

Chính vì thế, nếu xây dựng thương hiệu mà không tính đến phương án tự vệ cho sản phẩm của mình thì để đứng vững trên thị trường nội địa cũng đang là  thách thức lớn cho một thương hiệu da giày Việt Nam hiện nay.
 
Cao Thoa (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top