ClockThứ Hai, 03/05/2021 15:13

Đặc sắc Festival Nghề truyền thống Huế

TTH - Diễn ra từ 29/5 - 26/6/2021 với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế (NTTH) 2021 sẽ khai thác khu vực đường đi bộ hai bờ sông Hương và một số khu vực trung tâm thành phố, hội tụ nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn góp phần tạo không khí sôi động, náo nhiệt trong suốt 1 tháng.

Cơ hội cho ngành thiết kế áo dàiHơn 15 làng nghề đăng ký tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2021Tôn vinh nghề truyền thống Huế và các địa phương trong nước

Trình diễn áo dài tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Ảnh: DOÃN QUANG

Hiệu ứng qua các kỳ festival

Diễn ra lần đầu tiên nào năm 2005, Festival NTTH trở thành sự kiện thường niên, có tầm quan trọng cả về phát triển văn hóa, giải trí, xã hội, du lịch và kinh doanh. Qua 8 kỳ festival, vị thế của TP. Huế được nâng tầm và khẳng định là thành phố Festival của Việt Nam. Tháng 3/2020, Hiệp hội Festival châu Á công nhận Festival NTTH là festival tiêu biểu của châu Á, đây là thành quả sau 8 kỳ tổ chức.

Cùng với việc nâng tầm vị thế thành phố Festival, Festival NTTH còn góp phần bảo tồn và khôi phục các ngành nghề truyền thống Huế ở các tỉnh, thành phố trong nước; thúc đẩy quá trình đào tạo nghề, đầu tư máy móc thiết bị để phát triển sản phẩm mới.

Dệt zèng là nghề thủ công truyền thống của đồng bào Tà Ôi (A Lưới). Trước đây, dệt zèng chỉ là nghề truyền thống quy mô nhỏ, ít người biết đến. Qua các kỳ festival, nghề dệt zèng và sản phẩm từ vải zèng đã khẳng định thương hiệu và thu hút khách, nhiều sản phẩm thiết kế từ vải zèng được du khách trong và ngoài nước lựa chọn, như áo dài thổ cẩm, túi xách, khăn quàng cổ, giày và các phụ kiện trang trí. Tháng 1/2017, nghề dệt zèng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nghề dệt zèng trên địa bàn tỉnh.

Gốm phước Tích “hồi sinh” qua các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế

Qua các kỳ festival, nhiều cơ sở nghề, nghề nhân và thợ thủ công có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các làng nghề nổi tiếng trong nước, góp phần định hướng phát triển sản xuất sản phẩm thủ công. Sự giao thoa và kết hợp giữa nhiều nghề tạo ra sản phẩm mới cũng bắt nguồn từ việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ festival.

Họa sĩ, nghệ nhân hoa giấy Thanh Tiên Thân Văn Huy cho rằng, cái được lớn nhất của làng nghề qua các kỳ festival đó là sức lan tỏa sâu rộng đến từng du khách, từng doanh nghiệp và cả cộng đồng. Qua 16 năm gắn bó với Festival NTTH, sản phẩm hoa sen giấy giờ xuất hiện ở nhiều nơi, từ quán cà phê, khách sạn đến các gia đình Việt. Nhiều du khách nước ngoài đến Huế, thích thú sản phẩm nên đặt hàng về phục vụ người dân bản địa. Đời sống người dân làng nghề khá lên khi hoa giấy tiêu thụ mạnh.

Không chỉ thành công ở khâu quảng bá thương hiệu sản phẩm, nhiều làng nghề tưởng như mai một theo thời gian, đã sống dậy, như gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền); mây tre đan (Quảng Điền) hay nghề nón (Phú Vang); dệt zèng (A Lưới); đúc đồng, kim hoàn (TP. Huế)… Từ đó, nhiều tour tuyến du lịch ra đời, tạo động lực thúc đẩy người dân làng nghề nhập cuộc. Những tour du lịch trải nghiệm kết hợp thao diễn và mua sắm sản phẩm làng nghề như thăm làng hoa giấy Thanh Tiên, đan đát Bao La, dầu tràm Lộc Thủy, thêu Thuận Lộc, làm gốm Phước Tích… hình thành và thu hút khách.

Sau khi nghề gốm Phước Tích hồi sinh, UBND huyện Phong Điền đã khai trương tour du lịch “Hương xưa làng cổ”, điểm nhấn là tham quan hệ thống nhà rường cổ, các di tích lịch sử văn hoá Chăm Pa và các làng nghề thủ công truyền thống, như gốm Phước Tích, điêu khắc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch…

Cơ hội của nghề truyền thống

Festival NTTH 2021 lần đầu tiên được tổ chức xuyên suốt một tháng với hơn bốn mươi chương trình biểu diễn cùng hàng trăm hoạt động diễn ra khắp thành phố, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, hàng nghìn diễn viên và nghệ nhân, hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội trải nghiệm thú vị cho du khách và người dân.

Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin TP. Huế, bà Phạm Thị Quỳnh Dao cho rằng, điểm khác biệt của Festival NTTH 2021 so với các kỳ Festival NTTH trước đây là quy mô mở rộng cả không gian và thời gian. Việc bố trí thời gian của festival trải dài gần một tháng, các sự kiện được triển khai ở nhiều không gian, địa điểm với mỗi tuần/sự kiện thay vì diễn ra gói gọn trong tuần như các kỳ tổ chức trước đây. Sự kết hợp mới mẻ này kỳ vọng sẽ mang lại trải nghiệm chưa từng có cho người dân và du khách tham gia, đồng thời truyền tải mạnh mẽ tinh thần và mục tiêu của chương trình.

Theo bà Dao, điểm nhấn của Festival NTTH 2021 là tập trung định hướng thiết kế sáng tạo đương đại, đưa nghề thủ công truyền thống Việt Nam đến gần hơn với cuộc sống thường nhật. Các yếu tố được nhấn mạnh sẽ là Sáng tạo - Văn hóa - Thủ công. Các làng nghề, nghệ nhân, các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích mang đến các sự kiện festival những thiết kế sáng tạo đương đại nhưng vẫn dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, các ngành nghề thủ công truyền thống. Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh và thành phố hướng đến khi đặt công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo làm trọng tâm phát triển, nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn giá trị, tinh hoa nghề truyền thống.

Khơi nguồn sáng tạo

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies (Tập đoàn Truyền thông Lê), Tổng đạo diễn, cố vấn nghệ thuật tổng thể chương trình Festival NTTH 2021, mục tiêu của Festival NTTH lần này không chỉ quảng bá, giới thiệu các ngành nghề thủ công truyền thống, làng nghề trong và ngoài tỉnh mà tạo động lực để khơi nguồn thiết kế, sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp với thế giới đương đại. Phải dùng công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hoá để phát triển các ngành nghề sẵn có tại địa phương.

Vẫn với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, song năm nay các chương trình, hoạt động có nhiều thay đổi, đặc sắc hơn với mục đích tạo cơ hội để thúc đẩy tính sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, đồng thời khuyến khích các làng nghề, thợ thủ công, nghệ nhân thiết kế mẫu mã mới tạo ra sản phẩm để có thể đưa vào cuộc sống đương đại nhằm phát triển thị trường. Tại festival, không chỉ có sự tham gia trưng bày, thao diễn nghề mà có rất nhiều hoạt động sáng tạo, khởi đầu là cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, sau đó sẽ tổ chức triển lãm các sản phẩm của các tổ chức, cá nhân.

Theo Ban tổ chức, các sự kiện chính trình diễn tại festival gồm chương trình nghệ thuật lễ khai mạc Festival NTTH 2021, cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công, trại sáng tác điêu khắc, tuần lễ áo dài, lễ tế Tổ, trưng bày trang phục cổ triều Nguyễn, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, lễ hội ẩm thực, Đường bia… Bên cạnh đó, người dân Huế và du khách còn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động hưởng ứng như sân khấu thao diễn cung thuật thời Nguyễn, thi chạy Marathon, lễ hội quảng diễn đường phố, triển lãm nghệ thuật, trình diễn ảo thuật đường phố…, tạo không khí sôi động, náo nhiệt trong suốt 1 tháng.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Sôi động bóng đá học trò

Sân cỏ mùa này ở Huế ngập tràn không khí bóng đá. Nó càng rộn ràng và đáng yêu hơn bởi cầu thủ là những cô, cậu tuổi học trò...

Sôi động bóng đá học trò
Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Return to top