ClockThứ Ba, 22/03/2016 14:51

Đại biểu Dương Trung Quốc: “Dân vào cuộc thì Quốc hội mới mạnh”

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, người dân phải quan tâm, vào cuộc, từ bầu cử cho tới giám sát thì thành quả Quốc hội mới vào đời sống.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, điều quan trọng nhất để Quốc hội hoạt động tốt hơn là người dân phải quan tâm và cơ chế để người dân quan tâm. Khi bầu cử, người dân không quan tâm, thậm chí bỏ phiếu hộ nhau thì kết quả làm cho xong nghĩa vụ mà thực ra không làm tròn nghĩa vụ. Kết quả người được bầu không đáp ứng được mong muốn là người đại biểu cho dân.

Người dân phải thực sự quan tâm bầu cử

PV: Điều gì ông còn tâm tư khi nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội chuẩn bị kết thúc?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Về cái chung, có lẽ một điều chưa được như mong muốn của người dân, đó chính là một Quốc hội chưa thực sự chuyên nghiệp, không phải chỉ ở kỹ năng, bản lĩnh, kinh nghiệm mà cả công cụ để thực thi.

Chúng tôi có nhiều may mắn tiếp cận thì thấy Quốc hội nhiều nước có nhiều công cụ trong tay để thực thi trách nhiệm của mình.

Bản thân tôi là đại biểu không chuyên trách lại không sống ở địa phương mình làm đại biểu thì rõ ràng là hạn chế. Quy định đại biểu không chuyên trách thì phải hoạt động ít nhất 1/3 thời gian nhưng đây là con số tương đối, tuỳ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của mỗi người. Tính không chuyên trách hiện chiếm hơn 2/3 thì cần khắc phục sớm.

Nhưng tâm tư có vẻ riêng là liên quan đến cử tri của mình. Người dân mới là quyết định. Họ có ý thức với Quốc hội, thực sự quan tâm, giám sát thì mới thúc đẩy được những thành quả của Quốc hội đi vào đời sống.

Cá nhân tôi từng nói, nếu coi mình là người uy tín với dân thì uy tín ấy nó giống như một liều thuốc an thần làm cho họ yên tâm, hy vọng. Viên thuốc càng nặng thì khi rã thuốc họ trách mình nhiều hơn vì hiệu quả còn hạn chế.

Đại biểu Quốc hội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/3

PV: Người dân quan tâm, lựa chọn, giám sát thì sẽ hạn chế những đại biểu được đề cập trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội là “ít tham gia đóng góp ý kiến, thiếu kỹ năng hoạt động...”, thưa ông?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Vấn đề báo cáo đúc kết từ thực tế thì phải khắc phục sớm. Nhưng điều tôi muốn nói lại nằm ở người dân. Mọi người còn thờ ơ tham gia bầu cử trong khi đây chính là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định chất lượng.

Cho nên tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là bên cạnh thực thi pháp luật như tổ chức bầu cử minh bạch, nghiêm túc thì làm thế nào để người dân nhận thức được và tham gia vào để ít nhất đó là bước khắc phục hạn chế.

Quan trọng nhất là người dân phải quan tâm và cơ chế để người dân quan tâm. Còn người dân không quan tâm, thậm chí, bỏ phiếu hộ nhau thì kết quả làm cho xong nghĩa vụ mà thực ra không làm tròn nghĩa vụ. Kết quả người được bầu không đáp ứng được mong muốn là người đại biểu cho dân.

PV: Ông có cho rằng cần có cơ chế để người dân giám sát được đại biểu đại diện cho mình hoạt động thế nào?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Cử tri nhận xét nhân vật này nhân vật kia không như mong đợi. Nhưng ở đơn vị bầu cử ấy thì liệu cử tri có đi bầu không?

Ví dụ Luật trưng cầu ý dân ở một nước phát triển họ quan điểm không phải đa số đi bầu mà anh cứ đi bày tỏ ý kiến. Có người ban đầu không tham gia nhưng kết quả tác động đến lợi ích của họ nên họ sợ thiệt mà tham gia. Người dân thấy được lợi ích của mình nằm trong việc làm của mình thì kết quả mới chính xác được.

Hiện nay, người dân cũng không quan tâm lắm, bầu ai cũng được thì cuối cùng người dân lại chịu hậu quả nhiều nhất. Nhân dân phải vào cuộc.

PV: Chúng ta hay nói tăng đại biểu chuyên trách thì hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chuyên trách nhiều quá thì hành chính hoá đại biểu?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Chuyên trách và không chuyên trách ở ta có đặc thù. Bên cạnh thời gian tham gia thì quan trọng là năng lực tham gia. Nhiều nước có người làm nghị sĩ cả đời nếu họ được tín nhiệm. Ta cứ quan niệm tính đại diện, hoa thơm mỗi người ngửi một tí thì không bao giờ được.

Như hoạt động của bộ máy, một người mới bao giờ cũng thăm dò mất một năm, vào cuộc một hai năm, sau đó chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ. Nhịp điệu mãi mãi như thế thì không bao giờ tạo ra được năng lực có tính chất bền vững, chất lượng cao được.

Tổng kết cần có cái nhìn dài hơi

PV: Kỳ này Quốc hội và Chính phủ có báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ. Ông đánh giá thế nào?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Nhận xét về góc độ người làm Sử thì có thể thấy Chính phủ mình ứng phó rất giỏi nên vượt hiểm rất tốt, đôi khi là ngoạn mục nhưng không bền vững, thiếu chiến lược lâu dài. Điều đó dễ thấy nhất và nếu không có cái nhìn dài hơi, toàn diện thì đánh giá chưa chắc chính xác.

Kỳ họp 10 và Kỳ họp 11 nếu tiến hành xem lại cuối nhiệm kỳ nhưng đặt trong bối cảnh không phải 5 năm của nhiệm kỳ mà cả 10 năm Thủ tướng thì ta thấy được cả chiều dài, những thăng trầm, cái mạnh và yếu. Nhưng lâu nay Quốc hội vẫn chỉ thảo luận báo cáo của thời gian ngắn một, chứ ít khi có cái nhìn dài hơn.

Tôi cho rằng nên có tổng kết cả Quốc hội và Chính phủ toàn diện vì dù Kỳ họp 11 có yếu tố tổng kết nhưng đó vẫn chỉ là tổng kết bộ phận mà thiếu cái nhìn tổng quát. Như vậy thì khó tìm giải pháp thúc đẩy nhanh hơn sự thay đổi.

Tôi rất mong muốn có chế tài để làm minh bạch tất cả mọi cái. Khi chúng ta nhận thức được thực tiễn thì chúng ta mới có hành động đúng đắn được.

Kỳ họp 11 Quốc hộ XIII sẽ tiến hành tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

PV: Nhìn lại nhiệm kỳ cũng có thể thấy nhiều vấn đề trước đây ít khi được đưa ra Quốc hội thì nay Chính phủ đều báo cáo?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Điều đó là xu thế, thời gian vừa qua làm được nhưng còn cần phải làm nhiều hơn thế nữa.

Quan trọng đưa ra nhưng đưa ra cái gì. Như con số đưa ra Quốc hội ai là người kiểm chứng, được bảo đảm đến đâu? Chỉ trên cơ sở đó, môi trường ấy thì quyết định mới chính xác được.

PV: Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ kiện toàn nhân sự Nhà nước. Ông có kỳ vọng gì?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Ai cũng mong muốn có sự kế thừa. Toàn cũ thì không ai thích mà toàn mới cũng lo vì việc kế thừa là hết sức quan trọng. Đó là kế thừa con người được đào luyện qua thực tế.

Phần lớn nhân sự không phải là nhân tố quá mới mà là sự nối tiếp. Vấn đề còn lại là thúc đẩy phương thức hoạt động, trong đó có vai trò giám sát của Quốc hội, của người dân. Hay nói ở góc nhìn khác là tính minh bạch.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn

Ngày 16/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (cao tốc đi qua Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng).

Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn
Return to top