ClockThứ Năm, 08/05/2014 10:55

“Dại dột”

TTH - Bị cáo bị truy tố về tội “giết người” là cha. Cô con gái, bị hại trong vụ án, lúc mới mấy ngày tuổi, bị cha bồng khỏi giường ném xuống đất. Tại tòa, bị hại khát sữa khóc oe oe. Người mẹ mấy lần đành ẵm con ra khỏi phòng, khiến tòa phải… đợi người giám hộ của bị hại mới tiếp tục xét xử được.

Họ là một gia đình trẻ ở vùng cao A Lưới, sinh sống bằng nghề làm nông, làm thuê. Cuộc sống còn rất khó khăn. Hôm xảy ra chuyện, đứa bé “trời” thương, may mắn chỉ bị thương tích 1%. Nhưng người cha bị bắt. Người mẹ ôm con ở nhà không làm lụng được gì, đành nương nhờ nhà mẹ đẻ. Bữa cơm bữa sắn. Đói. Khổ.

Phiên tòa “đặc biệt” này (do TAND tỉnh xét xử) đã từng hoãn một lần, khi các nhân chứng quan trọng (gồm chị em ruột và bà con trong gia đình chứng kiến quá trình, diễn biến vụ án) vắng mặt. Tòa hỏi mẹ bị hại, cũng là vợ bị cáo, vì sao những nhân chứng đó không đến phiên tòa. Câu trả lời “đơn giản” khiến cả khán phòng ngỡ ngàng: “Vì không có xe máy, càng không có tiền đi xe khách từ A Lưới về TP Huế”.

Lần thứ hai mở phiên tòa, không chỉ người mẹ trẻ (giám hộ, nhân chứng) và đứa con nhỏ (bị hại) mà cả những nhân chứng khác cùng nhau lục tục đến trụ sở TAND tỉnh từ sáng sớm. Mẹ bị cáo tần ngần giải thích: “Tui cũng khổ lắm. Nhưng tòa hoãn xử một lần rồi, nên lần này tui phải chạy vạy lo tiền, thuê xe lên A Lưới chở cả nhà bên ngoại về nhà tui ở từ trưa hôm trước”. Mẹ bị cáo tay xách nách mang mấy thứ đồ ăn thức uống rẻ tiền cho con. Mẹ, chị gái (tức bà ngoại, dì ruột bị hại và cũng là mẹ vợ, chị vợ bị cáo) khệ nệ bới theo mấy đùm bắp luộc, khoai luộc cho con rể, em rể đang ngồi ủ rũ phía sau vành móng ngựa. Nhưng bị cáo từ chối tất cả đồ ăn thức uống của “hai bên”, chỉ thỉnh thoảng len lét nhìn sang đứa con nằm trong lòng vợ. Mẹ bị cáo rơi nước mắt. Mặt mày “người bên ngoại” cũng buồn bã, lo âu. Một người trong gia đình phân trần: “Bình thường, hắn thương vợ thương con. Hôm đó uống rượu vào, vợ chồng cãi nhau, nổi cơn ghen tuông lên, không kiềm chế được mới làm bậy. Bây giờ chắc hắn ân hận lắm”.

Người chồng lặp đi lặp lại trong phiên tòa: “Bị cáo biết mình sai. Bị cáo rất ân hận!” Từ lúc đến phiên tòa, người vợ bồng con, im lặng không nói với chồng câu nào. Cũng không lần nào đến cạnh chồng. Nhưng khi tòa hỏi, chị vừa ôm đứa con khóc oe oe, vừa xin cho chồng được hưởng mức án nhẹ, để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, lao động nuôi con. Bị cáo cúi mặt. Nhiều người tham dự phiên tòa chỉ biết lắc đầu cám cảnh. Có người buột miệng: “Đúng là sai một li đi một dặm. May mà hôm đó con bé không việc gì, chứ đứa con mất mạng thì bị cáo thê thảm hơn nữa. Chưa nói đến việc phải chịu mức án tù cao hơn, mà chắc chắn, lương tâm người cha sẽ day dứt mặc cảm tội lỗi, suốt đời không yên.”

Tòa tuyên bố nghị án trước lúc ra công bố bản án. Lúc này, người vợ mới bồng con đến ngồi cạnh chồng. Được vợ đồng ý cho bồng con, bị cáo mừng đến rơi nước mắt, luống cuống đưa hai tay đón đứa bé. Nhưng giây phút đó thật ngắn ngủi. Tiếng chuông vang lên. Ai về chỗ nấy “nín thở” nghe tòa tuyên án. 12 năm tù! Mẹ bị cáo bật khóc. Mẹ vợ, chị vợ bị cáo ngơ ngác lẩm bẩm: “Sao nặng thế!” “Nặng quá!”. Vợ bị cáo ôm con, chưa kịp nói câu gì thì người chồng đã bị giải lên chiếc xe tù. Cửa đóng sầm lại. Nhiều người xúm vào “mách nước”, khuyên vợ bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm án cho chồng. Người khác lại nói: “Nhưng có giảm, “người ta” cũng chỉ giảm cho được vài tháng hay một năm là nhiều. Đối với gia đình này, chuyện đã muộn không thể sửa chữa được, âu là “tấm gương” cho gia đình khác. “Soi” vào để biết đắn đo, cân nhắc trước khi làm điều gì dại dột”…

Phạm Thùy Chi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top