ClockThứ Hai, 23/07/2018 14:32

Đại học Huế sẽ nghiên cứu mức điểm chuẩn phù hợp

TTH - Thời điểm hiện nay là giai đoạn “nóng” nhất của tuyển sinh. Sau khi các trường công bố điểm sàn, thí sinh sẽ phải nghiên cứu kỹ để đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng lần cuối trước khi ĐH Huế xét tuyển đợt 1, diễn ra vào đầu tháng 8/2018.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2018: Điểm chuẩn dự báo sẽ tăng theo nhóm ngànhCó 925.792 thí sinh đủ điều kiện dự thi THPT quốc gia 2018Cụm thi 33 đã sẵn sàng

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế, PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Huế khẳng định, ĐH Huế sẽ nghiên cứu mức điểm chuẩn phù hợp; thí sinh cần theo dõi thông tin điểm sàn, điểm chuẩn các năm để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng.

Là năm đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép tự xác định điểm sàn, ông có thể cho biết, ĐH Huế dựa vào cơ sở nào để đưa ra mức điểm sàn?

Thứ nhất, ĐH Huế dựa vào phổ điểm thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cung cấp. ĐH Huế cũng nghiên cứu phổ điểm của miền Trung và Tây Nguyên (khu vực thí sinh đăng ký vào học ở ĐH Huế nhiều); trung bình hiện nay khoảng 14,5 - 15 điểm. Thứ hai là dựa vào điểm sàn các năm trước mà Bộ GD&ĐT công bố và điểm chuẩn mà ĐH Huế đã công bố để xét chỉ tiêu cho các năm.

Cơ bản mức điểm sàn các ngành/nhóm ngành của ĐH Huế không thấp so với các trường trên toàn quốc, dao động từ 13 – 20 điểm.

Mặt bằng chung điểm sàn của ĐH Huế năm nay giảm khoảng 2 điểm, liệu có thể dẫn đến hệ quả điểm chuẩn cũng sẽ giảm?

Năm nay, ĐH Huế có khoảng 12.500 chỉ tiêu của các ngành ở 8 trường thành viên, 2 khoa trực thuộc và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị. Nhìn chung, phổ điểm thi THPT Quốc gia năm nay có giảm so với các năm trước, nhất là phổ điểm từ 7 – 10 điểm thấp hơn nên các trường trên toàn quốc và ĐH Huế đều giảm điểm sàn. Tuy nhiên, đó là một số ngành và một số trường, còn ở Trường ĐH Y dược, điểm sàn của 1 số ngành cũng khá cao là 20 điểm.

Điểm chuẩn năm nay sẽ có một số trường ngang điểm sàn hoặc cao hơn không nhiều. Song cũng sẽ có một số trường sẽ giữ được mức điểm ổn định, điển hình, như Trường ĐH Y dược, Khoa Du lịch, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ và một số ngành của Trường ĐH Kinh tế.

Làm thế nào để giúp thí sinh đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển phù hợp?

Thí sinh lưu ý, có hai cách điều chỉnh là trực tuyến (từ 19 – 26/7) và điều chỉnh bằng phiếu (19 – 28/7). Hiện nay, ĐH Huế đang tư vấn trực tuyến, trả lời nhanh thắc mắc của thí sinh gửi đến chỉ sau 5 – 10 phút. ĐH Huế cũng có tư vấn trực tiếp tại địa chỉ số 1 Điện Biên Phủ và số 4 Lê Lợi. Thí sinh và phụ huynh có nhu cầu có thể liên hệ tư vấn trước khi điều chỉnh nguyện vọng.

Thí sinh cũng có thể theo dõi mức điểm chuẩn của hai năm vừa qua mà ĐH Huế đã công bố. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu điểm sàn 2018, đồng thời nghiên cứu thêm tỷ lệ sinh viên có việc làm đầu ra và không nên thay đổi nguyện vọng theo phong trào.

Tuyển sinh đủ chỉ tiêu là bài toán không đơn giản khi vừa đạt số lượng nhưng cũng đảm bảo chất lượng. Đây có phải là thách thức với ĐH Huế hiện nay?

Chỉ tiêu là vấn đề quan trọng, vì chỉ tiêu để đảm bảo nhu cầu đầu ra cũng như để cho các trường vận hành trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, ĐH Huế với tinh thần ĐH vùng và thương hiệu khá cao nên chúng tôi quan tâm cả hai yếu tố là chỉ tiêu đầu vào và chất lượng đầu vào.

Cán bộ Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế kiểm tra hồ sơ của thí sinh

ĐH Huế sẽ không lấy mức điểm chỉ để gọi được thí sinh mà sẽ xem xét chuẩn đầu vào để đảm bảo chất lượng cho đào tạo các ngành, nhất là khi ĐH Huế đang hướng đến trở thành ĐH nghiên cứu. Do vậy, đầu vào rất quan trọng, giúp sinh viên có đủ năng lực học tập cũng như cơ hội việc làm.

Vấn đề đáng lo trong tuyển sinh là thí sinh “ảo”. Cách khống chế thí sinh “ảo” năm nay có gì khác so với các năm trước không, thưa ông?

Hiện nay, tất cả các trường ĐH trên toàn quốc được chia thành 2 nhóm lọc ảo. ĐH Huế tham gia nhóm lọc ảo phía Nam do ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chủ trì và có hơn 100 trường cùng tham gia. Có 10 vòng lọc ảo, bắt đầu từ 30/7 – 5/8. Lọc ảo giúp các trường biết số thí sinh vào trường mình là bao nhiêu. Chúng tôi tham gia hệ thống này để có thông tin tình hình chung của Bộ GD&ĐT cũng như từng trường. Đến giờ G (ngày 5/8) Bộ GD&ĐT sẽ quyết định mức điểm chuẩn cho từng ngành và sau đó mọi người có thể biết được tỷ lệ đầu vào từng ngành và từng trường.

Theo ông, ĐH Huế sẽ tuyển đủ chỉ tiêu hay không? Một số ngành học quá ít học sinh đăng ký sẽ như thế nào, liệu có tình trạng tạm dừng hay xóa ngành?

ĐH Huế đang trong quá trình rà soát, tái cấu trúc lại ngành nghề và sau đợt tuyển sinh 2018, ĐH Huế sẽ tiếp tục nghiên cứu lại các ngành nghề nào xã hội cần thì tiếp tục phát triển và đầu tư có chiều sâu hơn, đồng thời rà soát một số ngành nhu cầu xã hội không còn nhiều thì tạm dừng. Tuy nhiên, cần cân nhắc một số ngành đặc thù, có thể tỷ lệ sinh viên đầu vào thấp nhưng ĐH Huế vẫn duy trì vì những ngành này xã hội cần và ĐH Huế sẽ có chiến lược để hỗ trợ.

Tinh thần chung là sẽ có một số ngành có tỷ lệ đầu vào cao hơn, như báo chí, chăn nuôi, thú y, công nghệ thực phẩm, các ngành ở Trường ĐH Y dược, Trường ĐH Luật…

Sau khi có kết quả điểm chuẩn vào ngày 5/8, ĐH Huế sẽ tiến hành gọi thí sinh nhập học. Năm nay ngoài phương án gửi giấy báo trúng tuyển ĐH cho thí sinh qua bưu điện, ĐH Huế đã xây dựng mới hạ tầng công nghệ và thông báo kết quả nhanh cho thí sinh. Có hai cách triển khai mới là thông báo nhanh qua tin nhắn điện thoại và email ngay sau khi kết thúc cuộc họp xác định điểm chuẩn. Trên website của ĐH Huế và cổng thông tin tuyển sinh ĐH Huế cũng sẽ đăng nhanh các thông báo trúng tuyển, thí sinh dùng mã thí sinh để truy cập thông tin xem các ngành đã trúng tuyển và tải hồ sơ nhập học để chuẩn bị sẵn và sớm tại nhà.

Hữu Phúc (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Return to top