ClockThứ Sáu, 02/07/2010 11:11

Đại thi hào Nguyễn Du trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang

TTH - (Đọc tiểu thuyết “Nguyễn Du” NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Phương Nam, 2010)Lần đầu, đại thi hào Nguyễn Du trở thành nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết khá dày dặn và đặc biệt, tác giả là một cây bút “mới toanh” - một thầy giáo dạy văn tại Thành phố Vinh đã nghỉ hưu (ông sinh năm 1943). Tiểu thuyết tái hiện cuộc đời Nguyễn Du chủ yếu từ lúc ông chịu ra làm quan thời vua Gia Long (1802) cho đến lúc ông qua đời (1820), được chia thành 5 phần: Ra Bắc, Bó thân về với triều đình, Đoạn trường tân thanh, Sóng gió cung đình, Kết.

Nguyễn Du quen thuộc với mọi người Việt Nam mà vẫn “mới” trong tiểu thuyết này. Thì ra thi nhân không chỉ “đau” vì thân phận nàng Kiều mà còn mang nỗi đau lớn hơn trước thời cuộc khi phải chứng kiến những bi kịch giữa Hoàng đế và kẻ sĩ, giữa quyền lực và trí thức. Từ cách lựa chọn đó, vua Gia Long cũng là một nhân vật chính trong tiểu thuyết, được tác giả “chăm sóc” cẩn thận với cách nhìn khá là mạnh bạo…

Trong “Lời giới thiệu” cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Hồng Nhu đã viết: “Công lao sưu tầm, xử lý tài liệu trong nhiều sách vở xưa nay, những khoảng thời gian đi điền dã đó đây tại những nơi Nguyễn Du từng ở, từng qua, cộng với lao động văn chương sáng tạo cần mẫn, Nguyễn Thế Quang đã vượt qua trăm ngàn khó khăn gian khổ - kể cả sức khoẻ bệnh tật – để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này… Tác giả đã thành công, một thành công đáng giá…”
 
Có rất nhiều “vấn đề” đáng bàn luận về tác phẩm này. Để giúp bạn đọc hiểu thêm quá trình sáng tạo và ý tưởng của tác giả, qua “email”, tôi đã có cuộc “trò chuyện” cùng tác giả Nguyễn Thế Quang: 
 
Nguyễn Khắc Phê (NKP) – Là tác phẩm đầu tay, mà dám viết về Nguyễn Du, cả vua Gia Long nữa, đều là những nhân vật khác thường, mang chiều kích lớn, kể cũng là sự liều. Bạn có “điểm tựa” nào đặc biệt không?
 
Nguyễn Thế Quang (NTQ) - Bạn bè cũng bảo Quang liều. Quang chỉ là chỉ là nhà giáo mê văn chương và kính trọng cụ Nguyễn Du, muốn viết về cụ để trước hết chia sẻ cùng đồng nghiệp và các em học sinh; Quang cũng muốn ký thác vào đó những suy ngẫm của mình trước những thăng trầm, “dâu bể” của cuộc đời, của lịch sử đất nước. Ngoài ra Quang cũng rất tự hào về mảnh đất núi Hồng sông Lam đã sản sinh một con người có cốt cách và tài năng bậc ấy…
 
NKP - Dù vậy, để thành một tiểu thuyết “Nguyễn Du” như hôm nay - theo tôi là một cuốn sách rất đáng đọc - hẳn là bạn đã phải “trày da tróc vảy”, phải lao tâm khổ tứ rất nhiều?
 
NTQ – Sau bao năm nghiền ngẫm, tìm đọc mọi sách vở tài liệu liên quan, đi hết Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Huế là những nơi Nguyễn từng sống, Quang bắt đầu khởi thảo từ năm 2004, đã mấy lần tính bỏ cuộc, nhưng Nguyễn vấn ám ảnh mình, dày vò mình.
 
Rồi Tết năm 2007, có dịp vào Huế, được nhà văn Hồng Nhu (nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương) động viên: “Nguyễn Du quá lớn, quá quen nên quá khó đối với bất kỳ người cầm bút nào. Em viết chưa thành công là điều dễ hiểu. Thế nhưng nếu em thấy không thể không viết thì nên tiếp tục...” Quang cảm thấy tự tin hơn, về suy ngẫm, hì hục viết và dần thấy rõ hơn “sợi chỉ đỏ” có thể gắn kết các nhân vật và cũng là vấn đề lớn của mọi thời đại: mối quan hệ giữa trí thức đối với quyền lực.
 
Một người xuất thân từ gia đình đại quý tộc, chứng kiến sự thăng trầm các triều đại Lê-Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn-Gia Long… làm sao không đau đớn, trăn trở trước bao bi kịch của kẻ sĩ; thân thiết nhất là anh trai Nguyễn Nễ, một con người tài hoa, mấy triều đại đều tận tụy việc nước mà cuối cùng lại phải thắt cổ vì oan ức; gần gũi nữa là đại công thần Nguyễn Văn Thành phò Gia Long từ khi chưa có một tấc đất, lại bị chính Gia Long khép vào tội chết, do sự xúi bẩy, vu oan của lũ nịnh thần vô học…
 
NKP – Tiểu thuyết xuất hiện hàng loạt nhân vật lịch sử mà thiên hạ đã “biết” – ngoài Nguyễn Du, Gia Long, còn Hồ Xuân Hương, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Lê Văn Duyệt…, bạn tôn trọng tính chân thực của lịch sử như thế nào và “hư cấu” bao nhiêu phần trăm?
 
NTQ - Cuộc đời của các nhân vật, các sự kiện, các lời nói của những nhân vật lịch sử phần lớn là có thật. Mối quan hệ giữa Nguyễn Du và Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Vũ Trinh, quan hệ giữa Lê Chất, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hữu Nghi, Nguyễn Duy Hoà với Nguyễn Văn Thành... các việc làm, lời nói của vua Gia Long những việc xung quanh vụ án Nguyễn Văn Thành phần lớn đều có trong “Đại Nam thực lục chính biên” tập 1.
 
Theo Quang, các sự kiện, các chi tiết càng thật thì càng có sức thuyết phục hơn. Tất nhiên, Quang đã sử dụng quyền “hư cấu” của tiểu thuyết để liên kết các nhân vật và sự kiện được hợp lý; riêng cảnh Nguyễn gặp nữ sĩ họ Hồ, đối thoại với vua Gia Long và những cảnh Nguyễn đi sứ thì Quang phải tưởng tượng...
 
NKP – Theo tôi, cuộc gặp lại giữa Nguyễn và nữ sĩ họ Hồ, miêu tả chừng đó là vừa đẹp. Cảnh vua Gia Long đối thoại với Nguyễn Du khá hấp dẫn, có sức nặng tư tưởng và có thể nói có tính thời sự nữa. Nguyễn run sợ tưởng sắp bị chém vì bọn xu nịnh đã “chỉ điểm” câu thơ “Chọc trời khuấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng vua Gia Long mê “Truyện Kiều”, trọng thi tài, đã hành xử khác…Độc giả kính phục tầm vóc Gia Long mà cũng ghê sợ về sự chuyên quyền độc đoán của ông. Có điều, tôi e rằng tác giả dành quá nhiều trang cho những chuyện tranh dành quyền lực, đố kị, hãm hại người tài ở chốn cung đình, tuy đọc khá hấp dẫn, nhưng liệu có lấn át vai trò của Nguyễn Du?
 
NTQ – Điều đó, xin tuỳ sự phán xét của độc giả. Riêng Quang nghĩ, tất cả mọi sự đều được miêu tả dưới cái nhìn của Nguyển Du nên đọc kỹ sẽ thấy mạch tác phẩm không lạc và Nguyễn lại càng nổi lên đúng như con người Nguyễn mà “Chính biên liệt truyện” đã nhận xét: bề ngoài chỉ “ậm ậm ừ ừ” nhưng bên trong “kiêu ngạo, tự phụ" thể hiện sự cứng cỏi của một cái Tôi đầy bản lĩnh. Điều quan trọng hơn là tác giả muốn sáng tạo một Nguyễn Du với khát vọng viết tiếp một “Đoạn trường tân thanh” nữa về bi kịch của người trí thức trước cường quyền thời đó mà không thể viết được. Nguyễn đã độc thoại một cách cay đắng: " Hoàng thượng ơi! Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý, nghiên báu nhưng không ban cho thần tự do thì làm sao thần có thơ văn hay được?...”
 
NKP – Tôi nghĩ là có nhiều “chuyện” để bàn về cuốn tiểu thuyết này, về những sáng tạo có phần mạnh bạo của tác giả (như cách nhìn của Nguyễn về nước Tàu đời nhà Thanh mà nhà Nguyễn “noi gương”, hay như đoạn kết - Nguyễn tìm đến Chaigneau và mơ về một xã hội “tự do -bình đẳng-bác ái”…) nên cuốn sách hẳn sẽ được nhiều người tìm đến, chỉ hỏi bạn thêm điều này: Về thời gian sáng tác “Truyện Kiều”, bạn miêu tả Nguyễn sáng tác trên Vọng Giang Đình bên sông Lam, sau khi đi sứ về, liệu có thuyết phục được các nhà “Kiều học” không?
 
NTQ - Vấn đề này, cụ Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn và mới đây nhất là cụ Nguyễn Tài Cẩn đã lật lại. Theo cụ Cẩn : Nguyễn Du tóm tắt truyện Kiều lúc 14 tuổi, viết 900 câu đầu ở Thăng Long, 2000 câu sau ở Thái Bình hoàn tất ở Tiên Điền. Như vậy, theo cụ Cẩn, Nguyễn Du viết truyện Kiều hơn 30 năm. Quang đã viết bài phản bác các cụ và đã được đăng ở tạp chí nghiên cứu văn học số 2- 2006 và số 9 - 2007. Căn cứ Quang tin dùng là ở “Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc sứ quán triều Nguyễn…
 
NKP – Thôi, vấn đề này xin dành các nhà nghiên cứu. Mà một tiểu thuyết có “chuyện” để bàn luận cũng có thể gọi là thành công. Chúc mừng bạn …Chúc mừng bạn vừa ra tác phẩm đầu tay đã được bạn đọc chú ý…
 
Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Return to top